VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Điều 24.4 Nghị định 82/2018/NĐ-CP về thuế trong khu công nghiệp, khu kinh tế
Kính gửi: Tổng cục Thuế
Trả lời Công văn số 16348/BTC-TCT ngày 27/12/2018 của Tổng cục Thuế về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn Điều 24.4 của Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
Hiện nay, nhu cầu cung cấp nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế đang là vấn đề khó khăn để thu hút lao động. Điều 3.2.đ của Nghị định 65/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP) về thuế thu nhập cá nhân quy định các “khoản lợi ích về nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp hoặc nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp cho người lao động” không phải là thu nhập chịu thuế. Như vậy, cùng với việc bổ sung Điều 24.4 của Nghị định 82/2018/NĐ-CP thì toàn bộ khoản chi phí – thu nhập do chủ sử dụng lao động trả cho người lao động tại các khu công nghiệp dưới hình thức xây dựng, vận hành, thuê nhà ở chung cư đều không chịu thuế (cả thuế thu nhập doanh nghiệp lẫn thuế thu nhập cá nhân). Điều này sẽ khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cung cấp nhà ở cho người lao động.
Tuy nhiên, các quy định tại dự thảo chưa thực sự rõ ràng và dễ dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực thi:
- Thứ nhất, làm thế nào xác định được khái niệm “công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế” Đối với những người làm việc trong các khu công nghiệp, rất khó để xác định ai là công nhân, ai là kỹ sư, cán bộ quản lý. Trong khi đó, Nghị định 65 sử dụng khái niệm người lao động rất dễ xác định, dựa trên hợp đồng lao động. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung giải thích rõ khái niệm công nhân ở đây bao gồm toàn bộ người lao động có hợp đồng lao động làm việc trong khu công nghiệp.
- Thứ hai, trường hợp một doanh nghiệp có nhiều nơi làm việc, cả trong và ngoài khu công nghiệp, có người lao động làm ở trong khu CN, có người làm ở ngoài khu CN, lại có người làm ở cả hai nơi (chạy đi chạy lại) thì xử lý thế nào?
- Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp cung cấp nhà ở cho người lao động một cách hoàn toàn miễn phí thì doanh nghiệp được trừ chi phí tính thuế. Nhưng nếu doanh nghiệp có thu từ hoạt động này, ví dụ yêu cầu người lao động đóng góp một phần chi phí thì doanh thu này sẽ được xử lý thế nào? Có được coi là doanh thu cung cấp hàng hoá, dịch vụ và phải chịu thuế giá trị gia tăng không?
- Thứ tư, trường hợp doanh nghiệp xây dựng nhà ở dành cho người lao động, nhưng sau đó có một phần cho người không phải người lao động sử dụng (dưới hình thức bán ra ngoài, hoặc cho thuê, cho mượn) thì chi phí được trừ sẽ được tính như thế nào?
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các vấn đề trên để tránh những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn Điều 24.4 của Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.