Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:16 26-12-2012


Kính thưa đoàn Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản nhất trí cao với tờ trình của Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp và các nội dung đã được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung. Sau đây tôi xin có một số ý kiến về một số nội dung trong dự thảo.

Thứ nhất, về kiểm soát quyền lực. Quyền lực không bị kiểm soát thì quyền lực Nhà nước dễ bị tha hóa. Vì vậy, quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực thì mới có hiệu quả. Cương lĩnh của Đảng bổ sung và phát triển tại Đại hội XI Đảng đã nêu rõ: tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Điều 2 dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đã thể chế hóa nguyên tắc này. Tôi nhất trí cao với bổ sung nguyên tắc kiểm soát quyền lực vào Hiến pháp cũng như xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là việc kiểm soát của Quốc hội với Chính phủ, viện kiểm sát, tòa án. Kiểm soát quyền lực Nhà nước là một hệ thống những cơ chế được thực hiện bởi Nhà nước và xã hội nhằm giữ cho việc thực thi quyền lực Nhà nước đúng mục đích, hiệu quả. Kiểm soát quyền lực Nhà nước bao gồm: kiểm soát phạm vi hoạt động của quyền lực Nhà nước, kiểm soát quá trình thông qua và sửa đổi Hiến pháp, kiểm soát tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, kiểm soát những người thực thi quyền lực Nhà nước, kiểm soát từ bên trong Nhà nước, kiểm soát từ bên ngoài Nhà nước.

Qua nghiên cứu dự thảo Hiến pháp, chúng tôi thấy kiểm soát từ bên trong Nhà nước là thuộc kiểm soát do Nhà nước thực hiện và kiểm soát từ bên ngoài nhà nước là kiểm soát do nhân dân và xã hội thực hiện.

Về cơ bản, qua nội dung của dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này đã thể chế được nguyên tắc đó. Tôi tán thành rất cao.

Sang nội dung thứ hai, về cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Tôi tán thành phương án 1. Trong Hiến pháp và pháp lệnh hiện hành đã quy định các cơ chế bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải phù hợp với Hiến pháp.

 Qua nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung chúng tôi thấy những nội dung đã được thể hiện trong bản dự thảo cơ bản đã thể hiện được cơ chế bảo vệ Hiến pháp của chúng ta. Ví dụ tại Điều 76 quy định về quyền hạn của Quốc hội; "Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo pháp luật, Hiến pháp và nghị quyết của Quốc hội. Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội".

Về quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được quy định tại Điều 80 của dự thảo trong đó nêu rõ "Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền hạn đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ các văn bản đó tại kỳ họp gần nhất và bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao trái với pháp luật, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Về chức năng quyền hạn của Chủ tịch nước cũng đã quy định tại Điều 94 là "đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Chủ tịch nước cũng có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước".

Đối với chức năng quyền hạn của Chính phủ tại Điều 102 của dự thảo quy định, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ tại Điều 104, của Chính phủ tại Điều 102 cũng đều quy định rõ.

Nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì tòa án các cấp có thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính mà đối tượng là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước bị khiếu kiện. Viện kiểm sát nhân dân các cấp được luật cũng như Hiến pháp quy định chức năng nhiệm vụ, kiểm sát hoạt động tư pháp. Đặc biệt trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành đều có quy định về quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân. Với những nhận thức như trên chúng tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay, trong điều kiện của đất nước chúng ta các quy định trong Hiến pháp, luật hiện hành đều đảm bảo được cơ chế giám sát và kiểm sát việc tuân thủ Hiến pháp bảo vệ vị trí tối thượng của Hiến pháp.

Có một số ý kiến nêu rằng cần phải thành lập một cơ quan bảo hiến hay Tòa án Hiến pháp thì phải giải quyết được vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này như thế nào? Có chức năng độc lập hay chỉ là tham mưu giúp cho Quốc hội trong việc bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp, bảo đảm cho luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước tuân thủ Hiến pháp, chúng tôi thấy chưa thuyết phục.

Mặt khác, nếu giao cho cơ quan này là cơ quan độc lập, có thẩm quyền rõ ràng thì trong Hiến pháp cũng phải quy định. Nhưng trong điều kiện hiện nay qua thảo luận chúng tôi thấy những vấn đề này là những vấn đề rất lớn chưa được làm rõ, cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, nhất là trong vấn đề tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài. Chúng tôi đề nghị giữ như phương án 1 nêu trong Tờ trình của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

Nội dung thứ ba, vấn đề bầu Phó chủ nhiệm và thành viên các ủy ban của Quốc hội, Phó chủ nhiệm và các thành viên của Hội đồng dân tộc, chúng tôi tán thành theo phương án 2 tức là loại ý kiến thứ hai. Bởi vì theo nhận thức của chúng tôi xuất phát từ nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do cử tri bầu ra, cho nên các ủy ban, các cơ quan cấu thành của Quốc hội cũng phải chịu chi phối hoạt động của Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng là cơ quan của Quốc hội. Tất nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ lớn hơn và được Quốc hội giao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn các cơ quan khác. Cho nên cùng là các cơ quan của Quốc hội lại giao thẩm quyền này cho Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc, Phó chủ nhiệm, các ủy viên của các ủy ban của Quốc hội, chúng tôi thấy có những điểm chưa thuyết phục, nhất là về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Quốc hội. Cho nên chúng tôi tán thành theo loại ý kiến thứ hai hay gọi tắt là phương án 2.

Nội dung thứ tư, về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, tôi tán thành với dự thảo đã thể hiện, tiếp thu và cụ thể hóa chủ trương cải cách tư pháp, nâng cao vị thế của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, nhất là xác định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp.

Tôi xin chuyển ý kiến cho Đoàn thư ký. Xin hết.

Các văn bản liên quan