Góp ý của ĐBQH Huỳnh Văn Tính – Tiền Giang đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:05 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp tôi xin góp ý tham gia về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và kiểm toán nhà nước. Theo nhận thức chung, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một nước, quy định những vấn đề cơ bản quan trọng và quyết định đời sống xã hội, như hình thức tổ chức nhà nước, cơ cấu và thẩm quyền của bộ máy nhà nước, trình tự và hình thành các cơ quan nhà nước, chính sách đối nội, đối ngoài của nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, những nguyên tắc chung thể hiện mục đích xu hướng vận động của xã hội trong một giai đoạn nhất định. Trong lần sửa đổi, bổ sung này Hiến pháp cần được viết xúc tích loại bỏ những nội dung không có tính vi phạm pháp luật và quá cụ thể theo tôi đề nghị được lược bỏ nội dung văn hóa, khoa học giáo dục ở Chương III là chương về kinh tế - xã hội. Văn hóa, giáo dục khoa học công nghệ và môi trường ghép những quy định phù hợp ở chương này với những quy định về chế độ chính trị ở Điều 5 Chương I và về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Chương II của dự thảo.

Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần bảo lưu những quan điểm tiến bộ đã được thể hiện nhất quán từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, đồng thời bổ sung những quy định mới cho phù hợp với thực tế. Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều sau, mỗi điều đều bao gồm 2 nội dung quyền và nghĩa vụ của công dân và trách nhiệm của Nhà nước, đảm bảo điều kiện để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cụ thể Điều 5 các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc, mọi hành vi chia rẽ, khinh miệt áp bức dân tộc đều bị nghiêm cấm, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều 26 công dân có quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo đều bình đẳng với pháp luật, nơi thờ tự của các tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi của Nhà nước và nhân dân.

Điều 27, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình, Nhà nước bảo đảm những điều kiện cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.

Điều 28, mọi công dân không phân biệt giới đều có quyền ngang nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt, đối xử, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ và trẻ em, lao động làm việc như nhau thì tiền lương ngang nhau, không phân biệt giới, lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản, phụ nữ là viên chức Nhà nước và người làm công, ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật, Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà hộ sinh, nhà giữ trẻ, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.

Điều 41, công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe, Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí.

Điều 42, mọi công dân đều có quyền bình đẳng về cơ hội học tập, học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp.

Điều 43, công dân có quyền nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước bảo hộ quyền tự do sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ của công dân.

Còn về kiểm toán nhà nước, tôi đồng ý với quy định về kiểm toán nhà nước như dự thảo ở Điều 123. Tôi đề nghị bổ sung quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức của kiểm toán nhà nước. Tôi thống nhất với ý kiến đóng góp của đại biểu Thanh Bình ở tỉnh Bến Tre và các đại biểu trước đó. Về cần quy định rõ địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước trong đó cần thể hiện kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập để giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban  Quốc hội trong việc xem xét quyết định ngân sách nhà nước trong việc thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách nhà nước, dự toán các công trình quan trọng của quốc gia do Quốc  hội quyết định trong việc thẩm tra và trình Quốc hội phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước, giám sát việc chấp hành ngân sách nhà nước. Có như vậy Quốc hội mới có thực quyền, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước mà trong thời gian qua còn mang nặng tính hình thức. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan