Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thúy Anh – Phú Thọ đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:05 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Ủy ban sửa đổi Hiến pháp có tổ chức Tổng kết Hiến pháp và xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách nghiêm túc công phu. Tôi nhất trí với bố cục và các nội dung cơ bản của dự thảo. Đặc biệt đánh giá cao việc chuyển chương quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân lên thành Chương II và việc ghép Chương II, về chế độ kinh tế, Chương III về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bổ sung nội dung xã hội thành Chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Tôi cũng đồng ý nhất trí với đánh giá của đại biểu Doãn Khánh ngày hôm qua và được bổ sung bằng đại biểu Lê Việt Trường tỉnh An Giang về 5 hạn chế của dự thảo luật. Sau đây tôi xin có một số ý kiến về một số nội dung của dự án.

Về quy trình thủ tục và về dự thảo nghị quyết lấy ý kiến nhân dân mà các đại biểu khác chưa đề cập đến:

Thứ nhất, dự thảo Hiến pháp đã có cố gắng thể chế hóa Cương lĩnh về quyền lực Nhà nước. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo dự thảo thì Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, tòa án thực hiện quyền tư pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp. Tuy nhiên, quyền hành pháp không phải là độc quyền của Chính phủ, bởi vì Chủ tịch nước và viện kiểm sát nhân dân cũng thực hiện một số thẩm quyền về hành pháp theo quy định của dự thảo. Dự thảo chưa thể hiện được sự phối hợp giữa các cơ quan này trong việc phối hợp, thực hiện quyền hành pháp.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu đã đề cập đến việc chỉ đạo và thực hiện phòng, chống tham nhũng với quy định về Chủ tịch nước và viện kiểm sát như dự thảo thì theo tôi là trong thẩm quyền hành pháp thì phải chăng cũng là một gợi ý để quy định là các cơ quan này sẽ là các cơ quan chỉ đạo cũng như trực tiếp thực hiện phòng, chống tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng.

Về quyền lập pháp của Quốc hội. Bên cạnh Quốc hội quy định quyền lập Hiến, lập pháp thì đó cũng là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Do đó, việc kiểm soát quyền lập pháp của Quốc hội theo tôi chính là kiểm soát để Quốc hội không vi Hiến. Thiết chế để thực hiện quyền này thì không phải là cơ quan do Quốc hội thành lập ra mà phải là thực hiện bằng quyền dân chủ trực tiếp qua quyền phủ quyết của nhân dân, qua việc thực hiện quyền thực hiện trưng cầu dân ý của nhân dân. Đề nghị nghiên cứu việc này trong Hiến pháp và thể hiện một cách rõ ràng hơn.

Vấn đề thứ hai, về quy trình, thủ tục soạn thảo Hiến pháp và việc đánh giá tác động.

Một trong những quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm năm 2008 là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết phải tổ chức đánh giá tác động và xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dự thảo văn bản. Việc soạn thảo Hiến pháp không bị ràng buộc bởi quy định này, bởi vì Khoản 1 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định "việc soạn thảo thông qua công bố Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp do Quốc hội quy định", là một đạo luật cơ bản của Nhà nước nhưng quy định của Hiến pháp kéo theo nhiều vấn đề cần phải giải quyết, cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện trong thực tế nên việc đánh giá tác động về các quy định của sửa đổi Hiến pháp vô cùng quan trọng, quan trọng hơn rất nhiều so với các dự án luật, pháp lệnh và các nghị quyết khác.

Tuy nhiên, trách nhiệm này chưa được Quốc hội quy định như một nhiệm vụ của cơ quan chủ trì soạn thảo Hiến pháp và ở đây là Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tôi kiến nghị Quốc hội cần quy định chi tiết Khoản 2 Điều 11 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng một nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục soạn thảo thông qua, công bố Hiến pháp trong thời gian tới. Bên cạnh việc làm rõ các quy định của Hiến pháp 1992 mà giá trị đã được kiểm chứng, cần phải kế thừa như ý kiến của đại biểu Nguyễn Doãn Khánh đề cập ngày hôm qua. Tôi cũng kiến nghị các quy định mới, các sửa đổi, bổ sung cần được đánh giá tác động và có báo cáo đánh giá tác động trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Vấn đề thứ ba là dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo nghị quyết quy định rất chi tiết, thể hiện toàn bộ nội dung của tờ trình hoặc chúng ta có thể nói ngược lại. Về cơ bản tôi tán thành các nội dung trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên việc đưa tất cả các nội dung này vào nghị quyết hay dành cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định trong kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân cần phải cân nhắc. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 6 ngày 16/8/2011 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp rất gọn, chỉ có 3 điều, trong đó điều thứ nhất không nêu cụ thể mục đích, yêu cầu, quan điểm và định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 mà chỉ viện dẫn Tờ trình số 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 2/8/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nên chăng chúng ta quy định nghị quyết lấy ý kiến nhân dân theo mẫu quy định như thế này để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các nghị quyết cùng điều chỉnh một nhóm vấn đề và theo đó nghị quyết chỉ quy định ngắn gọn với các nội dung như sau.

Thứ nhất, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 với mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức đối tượng được nêu trong Tờ trình số 195 ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nội dung thứ hai, nêu thời hạn lấy ý kiến.

Nội dung thứ ba là trách nhiệm của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nội dung thứ tư là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nhưng quy định một cách chung.

Nội dung thứ năm là kinh phí.

Nội dung thứ sáu là các nghị quyết của Quốc hội.

Đó là lời kêu gọi và lời hiệu triệu. Lục lại tài liệu lưu trữ, tôi cũng thấy nghị quyết của Quốc hội Khóa VIII, kỳ họp thứ 5 ngày 12 tháng 8 năm 1991 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1980 và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng rất ngắn gọn với dung lượng chưa đến 1 trang với các nội dung cơ bản như vậy. Trên đây là một số ý kiến của tôi liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cũng như các nghị quyết lấy ý kiến nhân dân. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan