VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính trong quản lý ngoại hối
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
Kính gửi: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông
Ngày 12/12/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP[1]) (sau đây gọi tắt là Dự thảo) tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hiệp hội trong nước, các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia tham dự và có ý kiến phát biểu.
Trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia và phân tích tổng hợp các ý kiến thu nhận tại Hội thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến đối với Dự thảo như sau:
- Về việc nhận diện phạm vi dịch vụ phát thanh truyền hình (sửa Điều 3 Nghị định 06)
Thay đổi cơ bản nhất, dự kiến cũng tạo ra tác động lớn nhất của Dự thảo so với Nghị định Nghị định 06 là việc đưa “dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến người sử dụng” vào diện “dịch vụ phát thanh, truyền hình”, từ đó thiết kế việc kiểm soát dịch vụ này với tính chất kiểm soát dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Mặc dù quy định chưa thật rõ ràng[2], dường như theo Dự thảo này thì các dịch vụ cung cấp các sản phẩm giải trí (phim, nhạc, chương trình giải trí khác) và các “nội dung” khác thực hiện trên nền tảng Internet vốn đang khá phổ biến hiện nay sẽ được xếp vào diện “dịch vụ phát thanh, truyền hình” và thuộc cơ chế quản lý áp dụng đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Từ góc độ pháp lý và thực tiễn, việc xếp các dịch vụ “cung cấp nội dung theo yêu cầu” trên Internet vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình là chưa hợp lý, không phản ánh đúng bản chất của hoạt động phát thanh, truyền hình:
- Thứ nhất, về mặt pháp lý, Phụ lục 4 Luật Đầu tư (về Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện) quy định dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng Internet (bao gồm cả theo yêu cầu hoặc không theo yêu cầu) ở mục riêng, độc lập với dịch vụ phát thanh, truyền hình[3]. Do đó việc Dự thảo xếp dịch vụ này vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình dường như mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư;
- Thứ hai, về mặt thông lệ quốc tế, theo phân loại dịch vụ hàng hóa của Liên Hợp Quốc (Hệ thống CPC, phiên bản 2.1) thì dịch vụ phát thanh, truyền hình được xếp vào mã CPC 846 (Broadcasting, programming and programme distribution services), bao gồm các dịch vụ phải gắn với đài phát thanh (radio) hoặc đài truyền hình (television), kể cả các dịch vụ phát thanh, phát sóng trực tiếp hay các dịch vụ liên quan tới phát thanh, phát sóng.
Còn các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet được xếp vào mã CPC 843 (Online content), bao gồm tất cả các dịch vụ cho phép cung cấp các nội dung bất kỳ trên Internet (thông tin bằng văn bản, game, sách, audio, video, film and other video download, streamed video, phần mềm download…).
Như vậy, theo phân loại chung của thế giới thì dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu (và cả các nội dung giá trị gia tăng) đang được xem xét trong Dự thảo này được xếp vào nhóm Dịch vụ nội dung mạng (online content) chứ không phải dịch vụ phát thanh, truyền hình.
- Thứ ba, về mặt cam kết quốc tế, mặc dù Việt Nam không có cam kết trong WTO về dịch vụ phát thanh, truyền hình, nhưng lại có cam kết về dịch vụ nội dung trên Internet (On-line information and data processing (incl. transaction processing) – dịch vụ xử lý thông tin và dữ liệu trên mạng, bao gồm cả xử lý giao dịch) mà vào thời điểm đàm phán WTO thì được xếp vào mã CPC 843**, với miêu tả nội hàm hoàn toàn đồng nhất với dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu được xem xét tại Dự thảo này.
Nói cách khác, với việc cam kết này, Việt Nam đã chính thức ghi nhận dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung là Dịch vụ nội dung mạng, không phải Dịch vu phát thanh, truyền hình;
Thêm nữa, dù theo pháp luật trong nước Việt Nam có hiểu dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu là gì thì Việt Nam vẫn phải tuân thủ cam kết về việc mở cửa cho dịch vụ này theo cam kết nói trên. Trong khi đó Việt Nam lại chưa cam kết, và trên thực tế, tại Luật Báo chí Điều 51.3.a, chưa mở cửa dịch vụ phát thanh, truyền hình cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu xếp dịch vụ này vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình và do đó không mở cho nhà đầu tư nước ngoài, cần đánh giá đầy đủ nguy cơ vi phạm cam kết WTO về vấn đề này.
Cũng liên quan tới vấn đề này, trên thực tế, hiện đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia vào hoạt động kinh doanh các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet (theo các hình thức đầu tư khác nhau) phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO. Do đó, nếu nay dịch vụ này bị xếp vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình, từ đó các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải rút khỏi các hoạt động kinh doanh này, thị trường các dịch vụ này sẽ có xáo trộn đặc biệt lớn (về đầu tư, tài chính, cạnh tranh). Đồng thời Chính phủ cũng có thể sẽ phải đối mặt với những hệ quả khó dự đoán (ví dụ việc nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện Nhà nước theo thủ tục ISDS, Chính phủ nước ngoài có thể kiện Việt Nam theo cơ chế WTO…)
- Thứ tư, về mặt thuật ngữ, xét một cách chặt chẽ, phạm vi các dịch vụ phát thanh, truyền hình như định nghĩa tại khoản 1 sẽ không bao gồm các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu mà không sử dụng hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình (chú ý là môi trường/hạ tầng Internet không thể tự động được coi là hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình)
Từ các lý do nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Điều chỉnh lại phạm vi Dự thảo để bảo đảm phạm vi điều chỉnh của Nghị định này chỉ bao gồm các dịch vụ phát thanh truyền hình (thuộc mã CPC 846 theo Hệ thống CPC, phiên bản 2.1 của Liên Hợp Quốc).
- Về các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên môi trường Internet mà không thuộc phạm vi phát thanh truyền hình (ví dụ các trang web cung cấp phim, nhạc, các chương trình giải trí, sách, báo, hoặc các sản phẩm trên mạng khác mà nội dung được cung cấp theo yêu cầu của người sử dụng Internet): Đây cũng là các dịch vụ cần được kiểm soát, tuy nhiên việc kiểm soát này cần phải theo cơ chế phù hợp với bản chất của các dịch vụ này và tương ứng với nguy cơ mà các dịch vụ này có thể gây ra đối với các lợi ích công cộng liên quan (chứ không cùng chung cơ chế với dịch vụ phát thanh, truyền hình).
- Về cơ chế kiểm soát đối với các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên môi trường Internet
Như đã đề cập, dù không phải là các dịch vụ phát thanh, truyền hình, các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên môi trường Internet vẫn là các dịch vụ cần được kiểm soát để bảo vệ các lợi ích công cộng liên quan.
Hiện tại, các dịch vụ như cung cấp phim, nhạc, các chương trình giải trí, sách, báo, hoặc các sản phẩm nội dung trên mạng khác (miễn phí hoặc có thu phí, nội dung được cung cấp theo yêu cầu của người sử dụng Internet hay sẵn có không cần yêu cầu) đang được kiểm soát bởi các hệ thống pháp luật sau:
- Hệ thống pháp luật về Internet, trong đó đáng chú ý có Luật công nghệ thông tin, Luật an ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, các văn bản liên quan khác
- Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ, Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông …
- Hệ thống pháp luật về thuế, trong đó có Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu …
- Hệ thống cam kết quốc tế, trong đó có cam kết WTO về mở cửa thị trường với dịch vụ nội dung Internet (CPC 843**), đặc biệt là cam kết mở cửa thị trường theo Mode 1 (điều kiện đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới) và Mode 3 (điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam)
Các hệ thống pháp luật này đang điều chỉnh chung các hoạt động về nội dung trên Internet, không phải thiết kế riêng cho các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet. Mặc dù vậy, chỉ với các hệ thống pháp luật này, các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet khá phổ biến trong thời gian qua đã được kiểm soát tương đối ở nhiều khía cạnh, và việc triển khai thực hiện khá ổn định, dường như không tạo ra nguy cơ nào lớn hơn các hoạt động dịch vụ nội dung khác trên Internet.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết phải thiết lập thêm một cơ chế kiểm soát riêng, đặc thù cho nhóm dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet.
- Về cơ chế kiểm soát đối với các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên môi trường Internet được dự kiến trong Dự thảo
(Chú ý: Các góp ý ở Mục này không ảnh hưởng tới các góp ý tại Mục 1 và 2 Công văn này)
Như đã đề cập ở trên, nhóm dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet về bản chất không phải là dịch vụ phát thanh, truyền hình và vì vậy không thể quản lý các dịch vụ này theo cùng cơ chế với dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Ngay cả khi việc xếp dịch vụ này vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình không trái cam kết, pháp luật thì các nội dung tại Dự thảo cũng còn nhiều vấn đề bất cập cần cân nhắc thêm như sau.
3.1. Một số quy định tại Dự thảo chưa thực sự đảm bảo tính thống nhất, minh bạch về cơ chế quản lý
Dịch vụ phát thanh, truyền hình là lĩnh vực có tác động đến trật tự, an toàn xã hội, vì vậy cần phải có những biện pháp quản lý để đảm bảo cho các lợi ích công cộng, mục tiêu quản lý của Nhà nước, nhưng những chính sách quản lý phải tính đến tính đặc thù của lĩnh vực này, không trở thành rào cản cho các doanh nghiệp hoạt động.
Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu trên, tuy nhiên để hoàn thiện hơn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
(i) Về chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình
Dự thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình quy định tại Điều 5 Nghị định 06, cụ thể:
- Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ chỉ tiêu phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình tại Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thực hiện sắp xếp số lượng các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hạ tầng mạng viễn thông, đảm bảo duy trì phát triển thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tiền vững, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng … (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5);
- Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ chỉ tiêu phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình tại Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thực hiện sắp xếp số lượng các kênh chương trình cả trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, sử dụng các nguồn lực của xã hội tham gia sản xuất các chương trình, kênh chương trình … (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5);
- Duy trì dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo hướng không mở rộng phạm vi và số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ; chấm dứt cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội về hạ tầng truyền dẫn và thiết bị thu (bổ sung khoản 7 Điều 5).
Đây là những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực này. Để đảm bảo môi trường cạnh tranh hiệu quả, bình đẳng như quan điểm thể hiện khi xây dựng Nghị định này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định trên ở các góc độ sau:
- Theo quy định trên thì “các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hạ tầng mạng viễn thông”; “các kênh chương trình cả trong nước và nước ngoài” sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông “sắp xếp số lượng”. Đây là chính sách quản lý chưa rõ ở điểm: “sắp xếp số lượng” được hiểu như thế nào? Có nghĩa Bộ sẽ xác định số lượng tối đa các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hạ tầng mạng viễn thông, các kênh chương trình cả trong nước và nước ngoài sẽ được phép tồn tại trên thị trường? Sẽ loại bỏ các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hạ tầng mạng viễn thông, các kênh chương trình? Nếu đúng thì Bộ dựa vào các tiêu chí nào để xác định số lượng tối đa? Dựa vào tiêu chí nào để loại bỏ doanh nghiệp nếu vượt quá số lượng tối đa? Doanh nghiệp bị loại bỏ (hoàn toàn không phải do vi phạm pháp luật) sẽ được bồi thường như thế nào? … Những vấn đề này không thấy giải trình trong bản Thuyết minh cũng như chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo?
- Việc không mở rộng phạm vi và số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ đồng nghĩa với việc trên thị trường hiện tại chỉ có những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự đã được cấp phép. Những doanh nghiệp dù đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 12 Nghị định 06 cũng không được cấp giấy phép? Nếu đúng thì điều này mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư về việc doanh nghiệp có quyền “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” (Điều 7) trong bối cảnh các văn bản Luật liên quan không có quy định nào về điều kiện cấm kinh doanh do vượt quá số lượng tối đa. Đồng thời, điều này dường như đi ngược lại tiêu chí về xây dựng và thúc đẩy môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực này.
- Việc “chấm dứt cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường” được thực hiện theo hình thức nào? Biện pháp hành chính, yêu cầu doanh nghiệp không được cung cấp hay là do nhu cầu của thị trường doanh nghiệp sẽ tự động/tự nguyện chấm dứt hoạt động? Nếu là theo biện pháp hành chính thì đây là sự can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh và vấn đề thuộc về thị trường. Nếu là do sự tự động chấm dứt của doanh nghiệp thì không cần thiết phải quy định tại Dự thảo vì tự bản thân thị trường sẽ quyết định;
Trong tổng thể, có thể thấy các quy định dự kiến sửa đổi Điều 5 Nghị định 06 sẽ có tác động rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ này, vì vậy cần phải có những đánh giá tác động kỹ càng. Ngay cả khi đã đánh giá và thực hiện thì cũng cần phải có các bước đi thận trọng, có các tiêu chí minh bạch, cụ thể để tránh những tác động bất lợi.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo giải trình đầy đủ về các căn cứ thực hiện, cân nhắc thận trọng các tác động và có dự kiến chi tiết về vấn đề này.
(ii) Về điều kiện kinh doanh
- Về điều kiện kinh doanh mới bổ sung
Dự thảo bổ sung quy định về cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên mạng internet. Theo giải trình của Ban soạn thảo tại bản Thuyết minh thì Dự thảo “không phát sinh điều kiện kinh doanh mới”. Tuy nhiên, bản thân việc mở rộng phạm vi cấp phép và bổ sung thêm điều kiện kinh doanh của lĩnh vực được mở rộng đã là việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh rồi (bổ sung điều kiện kinh doanh cho một ngành nghề kinh doanh mới). Vì vậy, giải trình này của Ban soạn thảo dường như là chưa phù hợp.
Xét về điều kiện kinh doanh cụ thể, khoản 4 Điều 1 Dự thảo quy định điều kiện để cấp phép loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet phải “có dự kiến danh mục nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng sẽ cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”. Tương ứng với điều kiện này, trong Hồ sơ xin cấp phép, doanh nghiệp phải cung cấp “văn bản thỏa thuận bản quyền đối với nội dung cung cấp trên dịch vụ theo đăng ký” (điểm d khoản 2 Điều 12a).
Quy định này, theo ý kiến của doanh nghiệp, dường như chưa phù hợp với tính chất đặc thù của dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet, bởi vì, đối với loại hình dịch vụ này, danh mục nội dung được cập nhật liên tục, vì vậy tại thời điểm xin cấp phép doanh nghiệp khó có thể cung cấp được “văn bản thỏa thuận bản quyền”. Trong trường hợp, đảm bảo có thể cung cấp được đầy đủ các nội dung sẽ phát và văn bản thỏa thuận bản quyền với nội dung cung cấp, thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện nhiều lần thủ tục hành chính (để cung cấp liên tục các văn bản thỏa thuận bản quyền mới dựa trên các nội dung cập nhật). Điều này sẽ là gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và đi ngược lại tinh thần “cải cách thủ tục hành chính” trong chính quan điểm của Ban soạn thảo khi xây dựng Nghị định.
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ yêu cầu phải có “văn bản thỏa thuận bản quyền đối với nội dung cung cấp trên dịch vụ theo đăng ký” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12a (bổ sung) trong hồ sơ xin cấp phép.
- Về điều kiện kinh doanh đang quy định tại Nghị định 06
Trong Công văn số 2707/PTM-PC của VCCI ngày 22/11/2018 về việc góp ý Dự thảo đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung quy định tại Dự thảo bãi bỏ các điều kiện kinh doanh sau:
- Điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền: đề nghị bỏ các điều kiện (Điều 12): i) Có các phương án: Bố trí nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; dự báo và phân tích thị trường dịch vụ; kế hoạch kinh doanh và giá cước dịch vụ, dự toán chi phí đầu tư và chi phí hoạt động ít nhất trong 2 (hai) năm đầu tiên; văn bản chứng minh vốn điều lệ hoặc văn bản giá trị tương đương đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ theo dự toán (điểm d khoản 1 Điều 12); ii) Có phương án thiết lập trung tâm thu phát tất cả các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài tập trung ở một địa điểm, trừ các kênh chương trình thuộc danh mục kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương, gồm: Thiết kế kỹ thuật hệ thống thiết bị xử lý tín hiệu, thiết bị kết nối đến mạng truyền dẫn, thiết bị quản lý dịch vụ, quản lý thuê bao và bảo vệ nội dung (điểm đ khoản 1 Điều 12).
Lý do là các điều kiện kinh doanh này không nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nào trong khi lại không phù hợp với thực tế[4].
- Điều kiện cấp Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (Điều 20 Nghị định 06): đề nghị bỏ điều kiện “có năng lực tài chính cần thiết thể hiện bởi dự toán chi phí biên tập, biên dịch trong 01 năm và văn bản chứng minh nguồn tài chính hợp pháp bảo đảm thực hiện công tác biên tập, biên dịch theo dự toán” (điểm d khoản 2). Vì đây là điều kiện không rõ về mục tiêu quản lý và nếu mục tiêu hướng tới nhằm đảm bảo cho đơn vị biên tập đủ nguồn tài chính để hoạt động thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh.3.2. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính hợp lý, khả thi và minh bạch
- Về các khái niệm
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khái niệm liên quan đến dịch vụ phát thanh, truyền hình, cụ thể:
- Về dịch vụ “cung cấp nội dung theo yêu cầu”
Dự thảo đưa ra các định nghĩa:
“Dịch vụ phát thanh, truyền hình là dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nguyên vẹn các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài, các nội dung theo yêu cầu và nội dung giá trị gia tăng trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến người sử dụng” (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Nghị định 06)
“Nội dung theo yêu cầu là các chương trình trong nước, chương trình nước ngoài, bao gồm các chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện; phim và các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh trong nước, nước ngoài khác đã đáp ứng các quy định chuyên ngành của pháp luật Việt Nam được cung cấp theo yêu cầu đến người sử dụng dịch vụ” (bổ sung khoản 18 Điều 3 Nghị định 06)
“Hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình là mạng viễn thông đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình”
Các định nghĩa này có một số vấn đề sau:
+ “các nội dung có hình ảnh, âm thanh”: Tất cả các nội dung có thể xuất hiện trên Internet đều chỉ có thể là dạng âm thanh hoặc hình ảnh (động, tĩnh, bao gồm cả chữ viết). Vậy giới hạn ở đây là gì?
+ “cung cấp theo yêu cầu đến người sử dụng”: Rất nhiều trường hợp có thể xếp vào diện này (mọi sản phẩm hình ảnh, âm thanh gửi qua Internet sau khi có yêu cầu (kể cả là của 01 người) đều sẽ thuộc dạng này)
+ “hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình”: Đây là yếu tố rất quan trọng để xác định phạm vi dịch vụ phát thanh truyền hình, tuy nhiên khái niệm này lại sử dụng chính thuật ngữ “dịch vụ phát thanh truyền hình” đang cần định nghĩa, do đó hoàn toàn không có ý nghĩa trong việc xác định thế nào là “dịch vụ phát thanh, truyền hình”.
Như vậy, theo các khái niệm/định nghĩa trên thì phạm vi của dịch vụ phát thanh, truyền hình là rất rộng rộng, vì bất kỳ dịch vụ ứng dụng viễn thông nào có “nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh” đều được xem là dịch vụ phát thanh, truyền hình. Liệu có thể hiểu các website dạng trang tin điện tử, thương mại điện tử có các “nội dung có hình ảnh và âm thanh” cũng được xem là một dạng dịch vụ phát thanh, truyền hình và phải áp dụng cơ chế quản lý của dịch vụ này? Nếu được được hiểu theo cách này thì cần đánh giá lại nguồn lực cũng như tính khả thi của bộ máy khi thực hiện quản lý đối với dịch vụ này và cần giải quyết mối quan hệ chồng lấn về quản lý của các quy định có liên quan (báo chí, mạng xã hội, thương mại điện tử, …).
- Về bổ sung quy định về nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (điểm c khoản 6 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định 06):
Dự thảo bổ sung thêm khoản 5 Điều 14 Nghị định 06 theo đó “Đơn vị cung cấp dịch vụ có áp dụng công nghệ chèn, thay thế kênh chương trình phải cung cấp kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương trên địa bàn”. Quy định này dường như chưa phù hợp với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet vì đối với loại cung cấp dịch vụ này hầu như không thể xác định được địa bàn hoạt động theo địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu áp dụng đối với loại cung cấp dịch vụ này thì địa bàn hoạt động sẽ được xác định như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
- Về biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (khoản 10 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 19)
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 Nghị định 06 như sau: “Biên dịch 100% các chương trình phóng sự, phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, truyền hình thực tế và trò chơi truyền hình trên các kênh khác và trên dịch vụ theo yêu cầu, trừ các chương trình phóng sự trực tiếp trên kênh tin tức”. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Bởi vì các chương trình được cung cấp trên dịch vụ dạng này có số lượng lớn, nếu phải biên tập với tỷ lệ 100% sẽ mất một chi phí khá lớn.
Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định 06 thì việc biên dịch chương trình nước ngoài sẽ do đơn vị có Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài thực hiện và đơn vị có giấy phép này là các cơ quan báo chí. Như vậy, liệu các cơ quan, đơn vị báo chí có Giấy phép, có đủ năng lực để biên dịch số lượng lớn các chương trình với nhiều ngôn ngữ khác nhau không?
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định về tỷ lệ tối đa các chương trình phải được biên dịch.
- Về cấp Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (Điều 20)
Dự thảo điều chỉnh thời hạn Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền từ 10 năm (theo quy định tại Nghị định 06) xuống còn 05 năm. Lý do được đưa ra là “giấy phép biên tập còn phụ thuộc vào bản quyền và thời hạn đại lý được ủy quyền và thời hạn của Giấy chứng nhận đại lý” và thời hạn giấy chứng nhận đại lý cung cấp kênh nước ngoài tối đa 5 năm.
Lý do này dường như chưa thực sự thuyết phục, bởi Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền được cấp cho chủ thể có cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, khác đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài. Mối quan hệ giữa đại lý được ủy quyền cung cấp các kênh chương trình nước ngoài với chủ thể biên tập là mối quan hệ hợp đồng, nếu đại lý được ủy quyền này hết thời hạn giấy phép/thời hạn ủy quyền thì chủ thể biên tập có thể ký kết với đại lý ủy quyền khác để tiếp tục cung cấp dịch vụ biên tập với kênh truyền hình đã biên tập trước đó. Trong trường hợp, kênh truyền hình nước ngoài không có đại lý ủy quyền nhưng vẫn được biên tập và cung cấp kênh thì đây thuần là mối quan hệ dân sự và có thể giải quyết theo pháp luật dân sự giữa các bên. Vì tính chất này, việc rút ngắn thời hạn giấy phép biên tập với lý do trên là chưa hợp lý, trong khi đây lại là quy định có tính chất gia tăng thủ tục hành chính.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ nguyên thời hạn giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền như quy định tại Nghị định 06, tức là 10 năm.
- Về đăng ký danh mục nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình (Điều 21)
Dự thảo bổ sung quy định đối với nội dung theo yêu cầu và nội dung giá trị gia tăng, theo đó “tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet không thấp hơn 30%”. Theo giải trình thì “quy định này nhằm mục đích để khuyến khích việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung chương trình phát thanh, truyền hình trong nước” và tỷ lệ này được xây dựng trên cơ sở tham khảo Quyết định 2156/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Mục tiêu chính sách là đúng đắn, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định này ở điểm sau:
+ Tính khả thi: Hiện nay, số lượng chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet rất phong phú và có số lượng lớn. Yêu cầu tỷ lệ số lượng chương trình trong nước không thấp hơn 30% trong tổng số chương trình cung cấp dường như khó đáp ứng được nếu không có đủ chương trình trong nước để cung cấp;
+ Tính hợp lý: Việc cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet dựa vào nhu cầu của khách hàng, yêu cầu cứng về tỷ lệ % tổng số chương trình cung cấp phải là chương trình trong nước, theo ý kiến của doanh nghiệp, sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và dường như chưa phù hợp với tính chất của thị trường.
+ Mục tiêu quản lý: Quy định này nhằm khuyến khích việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung chương trình trong nước. Nhưng đây lại là biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu chương trình trong nước hay, hấp dẫn tự bản thân các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này sẽ sử dụng dịch vụ này để đưa đến khách hàng và thị trường sẽ quyết định cũng như thúc đẩy sự phát triển của nội dung chương trình trong nước. Nếu chương trình trong nước không hay, không phù hợp với thị hiếu của khách hàng, thì dù có được cung cấp cũng không được xem, trong khi đó quyền lợi của khách hàng lại bị ảnh hưởng vì phải thu hẹp phạm vi chương trình đáng lẽ ra mình muốn xem (các doanh nghiệp để đáp ứng điều kiện này phải thu hẹp lại nội dung chương trình cung cấp để đạt tỷ lệ theo yêu cầu).
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng khuyến khích cung cấp chương trình trong nước trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet.
- Về bản quyền nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình (khoản 13 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 22 Nghị định 06)
Dự thảo bổ sung khoản 3 Điều 22 Nghị định 06 theo đó “Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn danh mục các sự kiện thể thao có tác động đến xã hội phải được tiếp phát lại trên các hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình quảng bá theo từng giai đoạn”.
Quy định này không rõ về khái niệm “tác động đến xã hội”, điều này có thể dẫn tới việc xác định rất nhiều chương trình, sự kiện vào trong Danh mục.
Mặt khác, đối với những sự kiện thể thao các doanh nghiệp đã phải bỏ ra chi phí lớn để mua bản quyết phát sóng, việc yêu cầu phải được tiếp phát lại trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình quảng bá sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp đã bỏ chi phí ra có được bản quyền phát sóng các sự kiện thể thao này.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định vấn đề này rất rõ ràng, thận trọng, và đánh giá tác động một cách kỹ càng, chưa bổ sung quy định này vào Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Ngoài ra gửi kèm theo đây là các ý kiến của doanh nghiệp gửi đến VCCI, rất mong quý Cơ quan cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./
[1] Trong Công văn này sẽ gọi tắt là Nghị định 06
[2] Xem phân tích về những điểm chưa rõ trong các định nghĩa liên quan tới dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu của người sử dụng trong mục 3.2 của Công văn này
[3] Phụ lục 4, Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi 2016)
o Mục 135: Kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng Internet
o Mục 132: Kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
[4] Xem thêm các lập luận chi tiết tại Công văn 2707/PTM-PC