Góp ý của ĐBQH Lê Nam – Thanh Hoá đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:52 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Đảng và nhà nước được đông đảo cán bộ đảng viên các tầng lớp nhân dân cả nước dành sự quan tâm đặc biệt. Đông đảo cử tri mong đợi cùng với thành tựu và quá trình đổi mới để bản Hiến pháp sửa đổi lần này hy vọng như luồng gió mới hội tụ sức mạnh dân tộc thời đại thúc đẩy đất nước dân tộc trên con đường hội nhập phát triển. Nghiên cứu Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi thống nhất với sự cần thiết với mục đích yêu cầu quan điểm, phạm vi và nội dung sửa đổi. Nhưng nghiên cứu kỹ toàn văn dự thảo sửa đổi thì thấy các nội dung cụ thể cần phải được tham gia đóng góp tích cực hơn nữa mới đạt được mục đích yêu cầu đặt ra. Trong phát biểu của mình, tôi tập trung làm rõ thêm về những nội dung của Hiến pháp liên quan đến vị trí của sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam được ghi trong Điều 4 của Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tiếp tục khẳng định làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Trên cơ sở định hướng này bản dự thảo đã thiết kế có những nội dung đổi mới thể hiện rõ bản chất mối quan hệ của Đảng với nhân dân, lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân, bổ sung thêm bên cạnh tổ chức của Đảng, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Những ngày vừa qua tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên của Đảng và đông đảo các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm đến sinh hoạt của Đảng, Quốc hội. Có thể nói chưa bao giờ nhân dân quan tâm đến Đảng ta như ngày hôm nay. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật cũng cho thấy sau mấy chục năm từ khi thống nhất đất nước đến nay chưa bao giờ Đảng ta đứng trước những khó khăn thách thức trước sự nghiệp của mình và yêu cầu của nhân dân như thế. Ở một khía cạnh khác cũng chưa bao giờ các thế lực thù địch lại có các cách thức tần suất, phương tiện tấn công hết sức nguy hiểm vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tình hình đó có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chưa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng một cách đúng đắn, vì vậy mới có các vụ việc đổ vỡ, vi phạm và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại, các khu đô thị bỏ hoang, vấn đề khiếu kiện đất đai, các tiêu cực tham nhũng nghiêm trọng chưa được đẩy lùi. Tất cả hệ lụy đó đều là do thiếu văn bản hệ thống pháp luật và chế độ pháp lý cho hoạt động của Đảng, các tổ chức Đảng và đảng viên.

Các tổ chức của Đảng và cán bộ đảng viên hoạt động và thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng trên cơ sở điều lệ Đảng và các Nghị quyết, chỉ thị của cấp trên nhưng lãnh đạo như thế nào, trách nhiệm trước nhân dân và pháp luật ra sao thì chưa rõ. Tôi xin nêu một ví dụ ở địa phương, ở Trung ương người đứng đầu các cơ quan chính quyền bao giờ cũng quản lý điều hành theo pháp luật và theo sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy sở tại. Phần lớn công việc quan trọng đều có chủ trương của cấp ủy, địa phương, nếu không may có sai lầm thì rất khó truy cứu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu phía nhà nước bởi đồng chí ấy phải chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy, đảng. Mà một ban thường vụ cấp ủy người đứng đầu lại là tập thể bởi theo nguyên tắc quyết định theo đa số.

Đó là chưa nói đến trên thực tế có nhiều trường hợp người ta nhân danh tổ chức đảng, nhân danh đảng vì những động cơ cá nhân nhằm trục lợi thông qua chỉ đạo các nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và công tác tổ chức cán bộ. Trong hoạt động của đảng hiện đang có nhiều việc mà không có sự trùng khớp với các quy định của pháp luật và việc thực hiện. Ví dụ cũng là Trung ương ủy viên nhưng ở Trung ương 65 tuổi mới nghỉ hưu còn ở địa phương thì dừng lại là 60 tuổi. Nói tóm lại đang có quá nhiều bất cập cần phải xác định làm rõ hơn, cụ thể hóa những nguyên lý, nguyên tắc, cơ chế vận hành, phương thức lãnh đạo của Đảng đặt ra cho việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Từ những suy nghĩ trên đây, tôi tha thiết đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp phải quy định rõ ràng các chế định pháp lý về Đảng Cộng sản Việt Nam và rất cần thiết phải nghiên cứu để xây dựng một số điều đủ khả năng quy định về bản chất của Đảng, nội dung, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Đảng, của tổ chức Đảng, đảng viên của Đảng trước đất nước, trước nhân dân và trước  pháp luật.

Đảng ta lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn của lịch sử và khẳng định tính chính danh không bàn cãi. Do vậy, nếu quy định rõ ràng về Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp một cách công khai, minh bạch thì không có gì mà ngại ngần khi quy định Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Đảng chủ trì hay vai trò của Ủy ban Kiểm tra Đảng trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Hay Đảng khẳng định vai trò nắm giữ công tác tổ chức cán bộ gắn với phương thức đổi mới lãnh đạo, sự cần thiết để người đứng đầu tổ chức Đảng là người đứng đầu chính quyền Nhà nước ở cả địa phương và Trung ương.

Quy định rõ và đầy đủ về Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp sửa đổi là nhằm làm rõ, khẳng định hơn về vị thế, vị trí của Đảng ta. Mặt khác, đó cũng là công cụ pháp lý cực kỳ quan trọng ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, không để tổ chức, cá nhân nào đứng lên trên, đứng ra ngoài Hiến pháp, pháp luật. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan