Góp ý của ĐBQH Phạm Trọng Nhân – Bình Dương đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:52 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Tôi cho rằng, đây là nhu cầu khách quan và là công việc hệ trọng của quốc gia trong việc thể chế hóa cương lĩnh, đường lối của Đảng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung lần này cần có những quan điểm toàn diện hơn, biện chứng nhưng phải thể hiện rõ nét ý chí của chủ thể Hiến Pháp. Phải kết tinh cao nhất tinh thần của cả dân tộc đã được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Như vậy, theo tôi, chúng ta phải nhìn lại cả quá trình lịch sử và có sự tổng kết, đánh giá một cách cẩn trọng, lắng nghe từng hơi thở thực tiễn, nhằm thể hiện một cách toàn diện các lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội.

Trên tinh thần đó, tôi tán đồng rất cao với nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết lấy ý kiến toàn dân về bản dự thảo Hiến pháp này.

Theo gợi ý của đoàn Chủ tịch, tôi xin phép tham gia một số ý kiến sau.

Trước hết, qua nghiên cứu tổng thể bản dự thảo, tôi thấy Ban soạn thảo đã có rất nhiều cố gắng trong nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến, biên tập và giải thích những nội dung được điều chỉnh trong dự thảo.

Ngay lời nói đầu, theo tôi, không đâu tốt hơn để thể hiện những ý chí của chủ thể Hiến pháp. Qua nghiên cứu lời nói đầu của bản dự thảo này, tôi nhận thấy tuy có cô đọng nhưng không có nhiều thay đổi. Những quan điểm, ý chí khi Hiến pháp 1992 ra đời đến nay đã trên 20 năm. Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét, khởi dựng lại, ngoài tiêu chí tính khái quát cao, ngắn gọn, xúc tích và có ý nghĩa thì trên hết lời nói đầu cần thể hiện một cách mạnh mẽ, đanh thép về ý chí của dân tộc Việt Nam, phải thể hiện một cách mạnh mẽ và dứt khoát quan điểm lãnh đạo của Đảng và sứ mệnh của bản Hiến pháp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng từ quan điểm này với cơ sở Luật biển đã được Quốc hội thông qua.

Theo tôi chúng ta cũng cần nghiên cứu một cách cẩn trọng để đưa tuyên bố chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vào trong Hiến pháp. Biết rằng đây là một nội dung nhạy cảm và một cuộc tranh đấu khó khăn lâu dài, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội chín muồi và hết sức cần thiết để chúng ta thể hiện tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền với những chứng cứ lịch sử rõ ràng và sự ủng hộ của phần đông dư luận thế giới. Có thể hôm nay chúng ta chưa làm được nhưng với ý chí ngoan cường không dễ bị khuất phục của dân tộc Việt Nam, tôi có niềm tin vững chắc rằng các thế hệ tiếp nối sẽ thực hiện lời tuyên bố của chúng ta hôm nay đó là toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam là bất tử, là bất khả xâm phạm.

Cũng trong Lời nói đầu có nội dung tôi cũng đề nghị xem xét lại đó là "Gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước trên thế giới", nội dung này cũng đề nghị chúng ta tuyên bố trong các điều của Hiến pháp.

Tôi thống nhất với quan điểm dù chúng ta cố gắng xây dựng một bản Hiến pháp hoàn hảo. Tuy nhiên, điều đó rất khó bởi bản Hiến pháp chỉ phù hợp cho từng giai đoạn hoặc từng thời kỳ phát triển theo quan điểm của chủ thể Hiến pháp. Nếu chúng ta xem lại các lần sửa Hiến pháp thì các nội dung được đưa ra bàn thảo để chỉnh thì đa phần là các nội dung, các câu, từ có tính giai đoạn với tầm hạn ngắn, nếu không muốn nói những mệnh đề đó được đóng khung cho một quan điểm của từng giai đoạn phát triển nhất định. Để đảm bảo tính ổn định với một tầm hạn lớn, dài, theo tôi Hiến pháp phải mang một xứ mệnh lịch sử to lớn với tầm nhìn dài hạn, định hướng cho chiến lược phát triển đất nước phù hợp với cương lĩnh đã được bổ sung và sửa đổi phát triển. Điều đó có nghĩa là ngoài vai trò tạo nền tảng dân chủ và pháp lý vững chắc thì Hiến pháp phải là  một bản tuyên ngôn về xứ mệnh lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiến pháp sẽ định hướng cho được quá trình phát triển trên cơ sở đảm bảo và hoàn chỉnh các chế định pháp lý, tạo khuôn khổ cho toàn bộ hệ thống pháp lý phát triển một cách thuận lợi trong một hệ thống thống nhất.

Bên cạnh đó nhiều nội dung trong bản dự thảo đã bổ sung làm rõ mang tính giải thích. Tuy nhiên theo tôi còn quá dài và không cần thiết và khá chung chung rải rác ở phần nội dung như quyền con người, quyền công dân, các hiến định về thể chế kinh tế. Tôi cho rằng  với đạo luật gốc các nội dung hiến định chỉ nên thể hiện cách khái quát và tuyên bố nhưng phải rõ ràng, xác định mạnh mẽ ý chí cơ bản của chủ thể Hiến pháp. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn từng câu, từ sao cho cô đọng, xúc tích, nhưng phải ý nghĩa và tính kiên định cao, phải bao hàm toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về đời sống kinh tế - xã hội.

Về thể thức trình bày, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét đặt tên cho điều. Thực tế hiện nay tuy cố gắng đọc nghiên cứu nhưng rất khó tìm được ngay những nội dung mong muốn. Vì vậy, theo tôi ngoài tên chương thì chúng ta nên xem xét đặt tên cho điều, các khoản trong điều của Hiến pháp đề nghị thống nhất cách đánh số khi được đặt tên, điều và ghi rõ các tuyên bố chính sách tại từng khoản chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện những nội dung trùng lặp và chúng ta sẽ sắp xếp lại các nội dung cho phù hợp với từng lĩnh vực.

Trong bản dự thảo lần này, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét thiết kế thêm các điều mục hiến định về cơ chế kiểm tra, giám sát luật của nhà nước và bảo vệ quyền của con người và quyền của công dân. Theo tôi nội dung này rất quan trọng và cần thiết. Trên đây là một số đóng góp ý kiến cho bản dự thảo. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan