Góp ý của ĐBQH Bế Xuân Trường – Bắc Kạn đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:42 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi cơ bản nhất trí như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Như đã biết từ năm 1946 đến nay đất nước ta có 3 lần sửa đổi Hiến pháp  một cách cơ bản. Hiến pháp năm 1959 làm cơ sở hiến định để chúng ta thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc để chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất giải phóng dân tộc. Hiến pháp năm 1980 là Hiến pháp cả nước ta đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng đây cũng là một thời kỳ lịch sử đặc biệt khó khăn đối với đất nước ta, các thế lực thù địch thực hiện bao vây phong tỏa cấm vận kinh tế Việt Nam. Mặt khác đến cuối Thập kỷ 80 đầu 90 thì chủ nghĩa xã hội Đông Âu Liên Xô sụp đổ. Hiến pháp năm 1992  đây là Hiến pháp mà thời kỳ đổi mới của đất nước ta, có thể nói rằng đây là một đạo luật cơ bản, là cơ sở hiến định để cho chúng ta thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói rằng 3 lần sửa đổi này mỗi bản Hiến pháp cũng đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử đối với Tổ quốc, dân tộc và đất nước. Nhưng đặc biệt Hiến pháp năm 1992 có thể nói rằng đã đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, giữ được ổn định chính trị, quốc phòng an ninh chúng ta được giữ vững và chúng ta tiếp tục hội nhập vào thế giới, vào khu vực ngày càng sâu rộng như ngày hôm nay.

Tuy nhiên sau 20 đổi mới và chúng ta đã có tổng kết Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ 11 vừa qua bổ sung phát triển mới trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Do vậy cũng có những nội dung của Hiến pháp năm 1992 đến nay không còn phù hợp mà cần phải nghiên cứu, bổ sung cho đáp ứng với sự phát triển của đất nước. Tôi thấy rằng Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo cũng đã quán triệt một cách sâu sắc, đầy đủ về mục đích yêu cầu những quan điểm định hướng lớn của Đảng đưa ra. Do vậy, nội dung của bản dự thảo này được chuẩn bị một cách công phu tương đối chu đáo và khoa học. Tuy nhiên còn một số chưa thật hợp lý, sau đây tôi xin đi vào 2 nội dung. Các nội dung khác các đồng chí đã phát biểu rồi, tôi không phát biểu lại nữa.

Nội dung thứ nhất. Tại Điều 54 về chế độ kinh tế. Theo cách soạn thảo của Ban soạn thảo thì sáp nhập hai điều là Điều 15 và Điều 43 và viết lại là phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện công bằng, bảo vệ môi trường sau đó mới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tôi cho rằng viết như thế chưa hợp lý. Cần phải đảo lại mệnh đề này là ở Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ lên hàng đầu. Bởi vì đây vừa là mục đích, vừa là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của cả thời kỳ quá độ ở đất nước ta. Chúng ta có xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ thì chúng ta mới không bị lệ thuộc về chính trị đối với bất kỳ một quốc gia nào cả. Thực tiễn vấn đề này đã được chứng minh. Lệ thuộc về kinh tế sẽ lệ thuộc về chính trị. Hai nữa là chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đó chính là phát triển được kinh tế của đất nước. Đây là nội dung cơ bản, quan trọng, khẳng định bản chất ưu việt của chế độ. Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện nâng cao, dân sẽ tin vào Đảng, Chính phủ.

Kinh tế, xã hội phát triển nó sẽ là cơ sở để ổn định chính trị, xã hội. Mặt khác, kinh tế, xã hội phát triển sẽ tạo ra một nguồn lực cho đất nước để hiện đại hóa quốc phòng, an ninh. Như vậy, xây dựng được nền kinh tế độc lập tự chủ nó sẽ gắn kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh vững chắc. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh đối với đất nước ta. Do vậy, ý thứ nhất tôi phân tích như vậy.

Nội dung thứ hai thì đảo lại là phát triển kinh tế, xã hội kết hợp chặt chẽ, hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm môi trường. Trong yếu tố này, kinh tế, xã hội, môi trường đây là ba yếu tố đặc biệt rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của một đất nước. Nói một cách khác, đây là ba trụ cột, vì có phát triển kinh tế, mục đích cuối cùng là để bảo đảm ổn định chính trị xã hội, hai là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường thì mới bảo đảm được phát triển kinh tế một cách bền vững. Từ lý do như vậy, tôi xin đảo lại mệnh đề này viết lại là "Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng, bảo vệ môi trường".

Nội dung thứ hai là Chương Chủ tịch nước, Điều 94 Khoản 5 là "Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh". Về mặt nội hàm nó chưa đầy đủ, bởi vì tôi biết hiện nay có người cho rằng mâu thuẫn và xin chia quyền lợi, nhưng tôi cho rằng không phải, Đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, đồng chí Tổng bí thư là Bí thư quân ủy Trung ương, điều này đã được ghi trong Điều lệ Đảng. Còn đồng chí Chủ tịch nước trên cơ sở lãnh đạo tập thể, phát huy vai trò của cá nhân, chịu trách nhiệm trước tập thể về nhiệm vụ này, như vậy nội hàm của Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang là gì? Phải chăng đó là vấn đề về tổ chức, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận an ninh nhân dân thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh mà trong nội hàm không có, chỉ xác định là tổng động viên, huy động lực lượng, phương tiện khi có chiến tranh xảy ra. Cái quan trọng nhất bây giờ để huy động được lực lượng, phương tiện cho chiến tranh phải được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ từ trong thời bình. Ngạn ngữ có câu "lo giữ nước từ khi nước còn thịnh vượng", như vậy phải chăng vấn đề xây dựng nền quốc phòng, xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng vũ trang để khi có chiến tranh chúng ta mới chuyển được thế trận quốc phòng sang thế trận chiến tranh nhân dân, mới huy động sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh. Theo tôi cần bổ sung nội hàm của Chủ tịch nước vào cho đầy đủ, xin hết.

Các văn bản liên quan