Góp ý của ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh – Hòa Bình đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:32 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban Dự thảo đã trình kỳ họp kỳ này và các ý kiến phát biểu trước tôi. Ở đây tôi xin đề cập đến vấn đề dân tộc thiểu số trong bản Hiến pháp 1992 và những kiến nghị bổ sung, sửa đổi trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa Quốc hội, nước ta là một quốc gia thống nhất đa dân tộc gồm 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với 85,7% số còn lại là dân tộc thiểu số với trên 12,2 triệu người chiếm tỷ lệ 14,3%. Với lịch sử phát triển hàng ngàn năm cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn sát cánh bên nhau cùng xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiến pháp năm 1992 là sự kế thừa của các bản Hiến pháp trước đó đã cho thấy giá trị vai trò và ý nghĩa to lớn trong thực hiện phát triển của đất nước. Các quyền cơ bản của công dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn được đảm bảo.

Về chính trị đồng bào các dân tộc được bình đẳng về quyền làm chủ đất nước, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, được thực hiện quyền tham chính của mình thông qua thực hiện dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp bầu cử và ứng cử vào cơ quan Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Về kinh tế đảng, nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc thiểu số giảm nhanh.

Về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội các dân tộc thiểu số được nhà nước tạo điều kiện đặc biệt nhằm tăng cơ hội tiếp cận với nền giáo dục quốc dân, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, văn hóa các dân tộc thiểu số được phát triển hài hòa trong nền văn hóa các dân tộc. Có thể khẳng định trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 quyền của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cụ thể hóa trong nhiều chính sách pháp luật đã tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội thuận lợi phát triển về mọi mặt. Khẳng định tính nhất quán trong chính sách dân tộc của Đảng, nhà nước qua các thời kỳ đó là các dân tộc Việt Nam đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau để cùng phát triển.

Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, chính sách phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam đang từng bước luật hóa khẳng định quyền bình đẳng giữa các dân tộc, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số trong Hiến pháp năm 1992 vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là qua nghiên cứu về việc quyền tham chính của đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy thành phần, số lượng tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, số đại biểu các dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội còn thấp. Trong tổng số 53 dân tộc thiểu số bình quân các khóa chỉ từ 29-33 dân tộc có đại biểu trong Quốc hội. Đến nay Quốc hội đã trải qua 13 khóa vẫn có 5 dân tộc thiểu số chưa một lần có đại diện tham gia Quốc hội. Số lượng thành phần dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia công tác quản lý trong bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn thấp so với tỷ lệ dân số trên địa bàn. Đặc biệt, số người dân tộc thiểu số tham gia bộ máy lãnh đạo quản lý càng lên cao càng ít.

Về kinh tế, vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số phát triển chậm hơn so với cả nước và chưa vững chắc, khoảng cách giàu, nghèo, trình độ phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số so với cả nước ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiện nay cả nước còn hàng trăm xã chưa có đường giao thông lên trung tâm, chưa có điện sinh hoạt, chưa có trường học, chưa có nước sinh hoạt, nhà văn hóa. Hiện nay còn trên 300 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phải sống cuộc sống du canh, du cư. Văn hóa dân tộc thiểu số ngày càng mai một, kể cả văn hóa vật thể và phi vật thể, không gian sinh tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ngày càng thu hẹp, tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học nghệ thuật, phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân tộc ngày một mai một. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc thiểu số chưa được quan tâm, nghiên cứu bảo tồn, vinh danh để phát triển. Giáo dục, đào tạo miền núi vùng dân tộc thiểu số rất thấp, tỷ lệ huy động người đi học chất lượng giáo dục còn chưa đồng đều giữa các dân tộc và giữa các địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống so với cả nước. Hiện cả nước còn tới 11% đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, không biết chữ phổ thông, số lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo chiếm từ 85-94%.

Về y tế và chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn còn chưa được tiếp cận với thành tựu của nền y học nước nhà, cơ sở y tế còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh, cán bộ, y bác sĩ. Một số dân tộc thiểu số rất ít người, có chất lượng sức khỏe, có chất lượng dân số rất thấp, tỷ lệ thấp còi, bà mẹ trẻ em chết sau khi sinh chiếm tỷ lệ cao, cuộc sống của người cao tuổi trong đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn cơ cực, chưa được tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội ưu việt dành cho người cao tuổi, đó là những khiếm khuyết của bản Hiến pháp năm 1992 cần hoàn thiện trong bản Hiến pháp mới.

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa quan trọng, tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và các ý kiến đã phát biểu, đề nghị Quốc hội làm rõ thêm những quy định được nêu tại Điều 5 trong bản dự thảo gồm nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng đoàn kết giữa các dân tộc, các dân tộc tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại Điều 50 của bản dự thảo đề nghị bổ sung quy định công dân là người dân tộc thiểu số được nhà nước tạo điều kiện thực hiện quyền bình đẳng, quyền và nghĩa vụ của mình.

Tại Điều 65 đề nghị bổ sung quy định nhà nước có chính sách bảo tồn phát huy phát triển nền văn hóa các dân tộc thiểu số.

Tại các Điều 63, 64, 65, 66, 67, 68 nói về chế độ, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục khoa học chúng tôi đề nghị bổ sung các quy định để thể hiện rõ quan điểm nhà nước đảm bảo cho các dân tộc thiểu số được bình đẳng tiếp cận với sự phát triển của nền y học, đảm bảo cho các dân tộc thiểu số được bình đẳng tiếp cận với nền y học, hệ thống an sinh, hệ thống giáo dục và sự phát triển khoa học giáo dục của nước nhà.

Tại các Điều 76, 81 đề nghị làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc với việc thẩm định, thẩm tra, quyết định các chính sách dân tộc thiểu số được tham gia tham khảo ý kiến khi Quốc hội, Chính phủ ban hành các quy định thực hiện chính sách dân tộc. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định quyền cử đại diện của dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc thiểu số ít người tham gia Quốc hội để xây dựng Quốc hội của chúng ta là cơ quan quyền lực, nhà nước cao nhất đại diện cho nhân dân trong đó có các dân tộc thiểu số cùng xây dựng và phát triển đất nước.

Về dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Hội đồng dân tộc của Quốc hội chủ trì lấy ý kiến đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam vào bản dự thảo Hiến pháp lần này. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan