Góp ý của ĐBQH Trần Minh Diệu – Quảng Bình đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:25 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chúng tôi thấy, Ủy ban dự thảo đã có sự đầu tư lớn, công phu. Nội dung sửa đổi đã tập trung vào những vấn đề thực sự cần thiết có đủ cơ sở và đã được thực tiễn chứng minh. Tuy nhiên cũng có một số nội dung sửa đổi chưa thật cần thiết, lý lẽ chưa thuyết phục. Xung quanh vấn đề này tôi có một số ý kiến sau đây:

Thứ nhất, Điều 97 của Hiến pháp năm 1992 quy định đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Điều 85 của dự thảo thiết kế lại đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu ra đại biểu. Về mặt logic sửa lại như vậy là không ổn bởi lẽ đã nói đại diện cho nhân dân cả nước thì đương nhiên có nhân dân ở đơn vị bầu ra đại biểu. Vì vậy, không cần phải nói thêm là đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu ra đại biểu. So với quy định cũ cách diễn đạt này vừa thừa, vừa không rõ ý không làm sâu sắc hơn vai trò và chức năng đại diện của đại biểu Quốc hội. Vì thế đề nghị giữ lại quy định ở Điều 97 của Hiến pháp 1992 đó là "đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân không chỉ cho nhân dân ở đơn vị bầu ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước".
Vấn đề thứ hai, Điều 6, Hiến pháp 1992 quy định nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Điều 6 của dự thảo sửa lại "nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng cả kiến thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại biểu, các cơ quan khác của Nhà nước". Tôi đồng tình với việc bổ sung thêm "các hình thức dân chủ trực tiếp", nhưng không đồng tình bổ sung thêm là "các cơ quan khác của Nhà nước", vì nó vừa thừa, vừa thiếu, vừa không chính xác ở chỗ, các cơ quan khác của Nhà nước là cơ quan nào và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước thì các cơ quan khác của Đảng, Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức xã hội khác thì sao. Bổ sung thêm các tổ chức khác của Nhà nước sẽ làm mờ nhạt địa vị pháp lý của các cơ quan đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo tôi Quốc hội và Hội đồng nhân dân tự nó, với cơ cấu và sự lựa chọn như hiện nay đã là cơ quan đại diện cho mọi thành phần, mọi tổ chức trong xã hội, bao gồm các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, các tôn giáo và các tổ chức khác trong xã hội do nhân dân trực tiếp bầu chọn bằng hình thức phổ thông đầu phiếu.

Từ phân tích trên đề nghị diễn đạt lại Điều 6 của dự thảo như sau: "nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua cơ quan đại biểu là Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu và chịu trách nhiệm trước nhân dân".

Vấn đề thứ ba, Điều 120 của Hiến pháp 1992 quy định "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương", Điều 117 của dự thảo tiếp tục khẳng định quan điểm này tại phương án 1, như vậy là chính xác. Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến đề xuất thiết kế thêm phương án 2 của Điều 117 với nội hàm Hội đồng nhân dân chỉ là cơ quan đại biểu của nhân dân ở địa phương, không quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Với lý do để đảm bảo quyền lực Nhà nước là thống nhất, không phân tán, chúng tôi không đồng tình với cách lý giải này bởi lẽ, không thể nói có quyền lực Nhà nước ở địa phương thì phân tán quyền lực chung của Nhà nước mà ngược lại thực hiện quyền lực Nhà nước của nhân dân ở các địa phương là điều kiện cho việc thống nhất và tập trung quyền lực chung của nhân dân cả nước, là điều kiện bảo đảm cho mỗi người dân và mỗi cộng đồng nhân dân ở địa phương thực hiện quyền lực Nhà nước của mình theo chủ trương của Đảng và theo quy định của pháp luật. Từ phân tích trên tôi đề nghị Điều 117 của dự thảo cần phải được khẳng định theo phương án 1 Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Vấn đề thứ tư là việc thay đổi tên Chương Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành Chương chính quyền địa phương với lý do như cách giải trình của Ủy ban soạn thảo là chưa thuyết phục bởi lẽ nói đến chính quyền nhà nước ở địa phương thì không chỉ nói đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như thiết kế của dự thảo mà còn phải nói đến cơ quan tư pháp là Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân trong khi đó các cơ quan Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân từ Trung ương đến địa phương đã được dự thảo quy định tại Chương VIII, dự thảo cũng không thiết kế mô hình chính quyền Trung ương mà chỉ thiết kế mô hình theo các cơ quan nhà nước ở Trung ương là Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.

Ở địa phương không có lý do gì để quy định chính quyền địa phương với nội hàm khập khễnh không đầy đủ của thiết chế bộ máy. Vì thế chúng tôi đề nghị không thay đổi tên gọi quen thuộc chính xác của chương này là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tại chương này Khoản 2, Điều 116 dự thảo quy định tổ chức chính quyền các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật quy định như vậy là hợp lý. Khi xây dựng Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân sẽ bàn kỹ thêm về vấn đề này.

Tuy nhiên để làm sâu sắc hơn bản chất nhân dân trong bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương thì Hiến pháp cần phải quy định thiết chế chung của bộ máy chính quyền theo hướng ở đâu tồn tại đơn vị hành chính lãnh thổ thì ở đó phải có cơ quan đại biểu của nhân dân. Theo đó đề nghị diễn đạt lại Khoản 2, Điều 116 như sau: tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật quy định theo mô hình ở đâu có chính quyền nhà nước của nhân dân thì ở đó có cơ quan đại biểu của nhân dân. Chế định có tính nguyên tắc này là cơ sở pháp lý để thực hiện quan điểm quan trọng và xuyên suốt trong quá trình sửa đổi cũng như sau này là thực hành Hiến pháp đó là bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội 

Các văn bản liên quan