Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thanh Phương – TP Cần Thơ đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:20 26-12-2012


Kính thưa đoàn Chủ tịch kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu tờ trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ ngày 6/11/2012 và hướng dẫn của đoàn thư ký, tôi xin được phát biểu thêm một số vấn đề mà tôi quan tâm như sau.

Một, về một số vấn đề chung. Tôi hoàn toàn thống nhất về luận cứ về sự cần thiết và mục đích, yêu cầu, các quan điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp trình trong tờ trình.

Về cấu trúc mới của Hiến pháp thể hiện tính chặt chẽ, sự kết hợp một số chương của Hiến pháp 1992 thành các chương mới phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế và vị trí mới của đất nước.

Việc kết hợp Chương 1 và Chương 11 của Hiến pháp 1992 thành chương mới là chế độ chính trị là sự phù hợp nhằm tiếp tục khẳng định chế độ chính trị của quốc gia. Chương V về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thành quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân để khẳng định mạnh mẽ quyền và nghĩa vụ của con người Việt Nam. Việc kết hợp Chương II về chế độ kinh tế và Chương III về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ thành chương mới về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường thể hiện tầm quan trọng của trục phát triển bền vững đó là kinh tế, xã hội và môi trường.

Riêng về cấu trúc các điều trong chương của Hiến pháp, tôi quan tâm đến trình tự một số điều của Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tôi đề xuất nên tiếp cận theo hướng con người trước, tức họ là ai và đến quyền con người và sau đó là quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo cách tiếp cận này thì các điều ở trong chương này được điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Cụ thể là Điều 18, Điều 19 xác định cần phải điều chỉnh là xác định công dân là ai nên được xếp sau Điều 15 để thể hiện người công dân Việt Nam trước khi đề cập đến quyền và nghĩa vụ của họ.

Hai là một số góp ý cụ thể. Ở Điều 13 của dự thảo có Khoản 1, Khoản 2 mô tả về quốc kỳ và quốc huy các chi tiết, nhưng chưa đủ, tôi kiến nghị bổ sung một số chi tiết còn thiếu như kích cỡ của ngôi sao với kích cỡ của quốc kỳ, màu sắc của quốc huy để đảm bảo sự thống nhất trong sử dụng.

Ngoài ra, nếu có thể nên mô tả ý nghĩa các chi tiết chính của quốc kỳ và quốc huy để mọi người dân có thể hiểu đúng và trân trọng quốc kỳ và quốc huy.

Ở Điều 5 nói về kinh tế Việt Nam. Khoản 1 xác định rõ nền kinh tế Việt Nam là nền kinh thế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng theo tôi không cần có cụm từ "mục đích phát triển kinh tế làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân" vì đây là điều tất nhiên và đã được khẳng định trong chế độ chính trị của quốc gia ở Điều 3.

Về Khoản 2, tôi đồng tình với việc xác định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, nhưng không nên xác định trong Hiến pháp là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Bởi vì trong quá trình phát triển các thành phần kinh tế có thể đóng vai trò khác nhau theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Ở Điều 56, nói về thành phần trách nhiệm của nhà nước trong phát triển kinh tế của đất nước, tôi đề nghị có bổ sung thêm một khoản với nội dung là: nhà nước có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đầu tư cơ chế chính sách để đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền của quốc gia. Tôi đề xuất này vì hiện nay ở đất nước ta sự phát triển không cân đối giữa các vùng, miền và nếu chúng ta không chú trọng đến điều này thì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh sẽ chậm đạt được.

Ở Điều 66 của Hiến pháp, xác định việc phát triển giáo dục khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu là rất phù hợp, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, phát triển dân trí, nâng cao trình độ và vị thế của Việt Nam. Để làm được điều này tôi đề nghị trong Điều 67, Khoản 2 nên bổ sung thêm: nhà nước tiến tới không thu học phí cho các bậc học mầm non, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Vì đây là một trong những điều kiện rất quan trọng để mọi người có cơ hội học tập.

Điều 117, tôi thống nhất chọn Phương án 1, tức là Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vì trong Hiến pháp xác định rõ vị trí pháp lý của Hội đồng nhân dân trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Từ đó Trung ương phải phân quyền cho địa phương để thực hiện quyền cho Hội đồng nhân dân cùng với xác định vị trí pháp lý của Ủy ban nhân dân như đã quy định trong Khoản 2 của Hiến pháp.

Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan