Góp ý của ĐBQH Huỳnh Nghĩa – TP Đà Nẵng đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:11 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản thống nhất với 9 nội dung cần sửa đổi trong Hiến pháp năm 1992 mà Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội. Tôi tham gia 3 vấn đề sau đây:

Một là về bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của đảng trong các văn kiện Đại hội đảng lần thứ XI và cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Về bản chất dân chủ, về phạm vi và phương thức thực hiện dân chủ nhân dân, đó là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của nhà nước, của cả hệ thống chính trị với các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do đảng lãnh đạo, thể chế hóa các điểm mới này trong dự thảo Hiến pháp đã thực hiện quan điểm vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo tôn trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền tự do dân chủ của con người trên cơ sở các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nguyên tắc quyền lực nhà nước có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Với quan điểm này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ và tôn trọng quyền con người đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Khẳng định chủ thể phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền con người gắn quyền con người với lợi ích của dân tộc, của đất nước. Có thể nói đây là lần đầu tiên chúng ta quy định rõ quyền về con người trong Hiến pháp. Vì vậy, tôi đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần nghiên cứu để diễn đạt thật đầy đủ, sâu sắc quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa.

Hai, về chế định chính quyền địa phương tôi đề nghị cần có thái độ rõ ràng trong Hiến pháp về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Hiện nay trong dự thảo không thấy có những sửa đổi căn bản quan trọng thể hiện quan điểm Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết của Trung ương Đảng liên quan về việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có bộ máy của chính quyền địa phương. Đó là bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp.

Về mô hình tổ chức thẩm quyền của chính trị, nông thôn có như vậy mới làm sáng tỏ tư tưởng của Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta làm mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước một cách rõ ràng hơn, cụ thể hơn, bản chất nhân dân và chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chính điều này càng thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong quan hệ với quyền làm chủ của nhân dân theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Có như vậy chúng ta mới có cơ sở vững chắc về mặt pháp lý để tổ chức xây dựng các mô hình chính quyền theo đặc thù của địa phương. Vấn đề này tại các hội thảo khoa học đã được đề cập nhiều lần nhưng vẫn chưa đi vào tận cùng, trong lúc đó chủ trương nghiên cứu chính quyền đô thị đã được Chính phủ giao cho Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lập đề án mấy năm nay. Vì vậy, sửa đổi Hiến pháp lần này tôi đề nghị Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần xác định địa vị pháp lý của Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. Theo tôi cả hai phương án được đưa ra trong dự thảo chỉ là sự đôi co về câu chữ. Vì chỉ có khác nhau duy nhất ở cụm từ "cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương" mà không hề làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân là cơ quan đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật của địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương theo sự phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Tôi đề nghị trong dự thảo cần phải có cơ chế rõ ràng về mặt pháp lý cho đúng tư tưởng của Bác Hồ và của Đảng ta để Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực, trên thực tế đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của địa phương, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và góp phần cho sự phát triển chung của đất nước.

Ba, về thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Bảo Hiến. Đây là vấn đề rất mới đối với nước ta. Mặc dù Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đề cập đến, nhưng không lựa chọn phương án này và cho rằng cần phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, đề cao vai trò của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong việc đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Nhưng tôi cho rằng, việc nghiên cứu, thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Bảo Hiến là bước tiến mới, cũng là quá trình cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp mà nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định và được thể tại Điều 2 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Vì vậy, tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm đề xuất với Quốc hội thảo luận thành lập cơ quan này theo hướng là một cơ quan có chuyên môn cao, hoạt động thường xuyên, quy tụ những chuyên gia pháp luật đầu ngành và kỳ cựu của đất nước có trình độ pháp lý cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, trung thành với nhân dân, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm việc hết lòng, hết sức nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Có như vậy cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế bảo Hiến mới có quy định hiệu quả trên thực tế, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi qua thực tiễn, xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan