VCCI_Góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều có quy định, thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp
VCCI_Góp ý Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
Kính gửi: Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp
Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 4224/BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và Công văn số 649/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc tham gia thẩm định Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
- Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Điều 8)
- Quy định chưa rõ: Khoản 3 Điều Dự thảo quy định mức phạt đối với hành vi “không thả đủ số lượng cá thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản xuất được vào vùng nước tự nhiên trong thời gian quy định khi nghiên cứu tạo nguồn giống và sản xuất giống thủy sản”. Quy định này là không rõ số lượng bao nhiêu được cho là “đủ”? Đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng định lượng được, hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định;
- Tính thống nhất của quy định: Điểm b khoản 4 Điều 8 quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với một số hành vi vi phạm trong Điều 8 là “tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư từ 03 tháng đến 06 tháng”. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính thì “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn” là một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng “giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” không được xem là “giấy phép, chứng chỉ hành nghề” (khoản 8 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính). Như vậy, tước giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư không được xem là hình thức xử phạt theo quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Dự thảo là chưa thống nhất. Đề nghị Ban soạn thảo loại bỏ cụm từ “giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư” trong quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Dự thảo.
- Vi phạm về khảo nghiệm giống thủy sản (Điều 13)
- Điểm b khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi khảo nghiệm giống thủy sản “không có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật theo quy định”. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 Luật thủy sản thì cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản phải đáp ứng điều kiện “có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm”. Quy định tại Dự thảo và Luật thủy sản đều chưa rõ về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu quy định cụ thể tại Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật thủy sản về vấn đề này[1].
Góp ý tương tự đối với điểm b khoản 3 Điều 23 về vi phạm điều kiện đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
- Cũng quy định về các hành vi vi phạm về không đáp ứng các điều kiện trong quá trình khảo nghiệm và thực hiện khảo nghiệm không đúng nội dung theo đề cương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, quy định giữa cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản (Điều 12) và cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Điều 23) lại có các khung xử phạt khá chênh lệch. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về vấn đề này.
- Vi phạm về nhãn giống thủy sản, hồ sơ vận chuyển (Điều 14)
Khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định xử phạt đối với “hành vi vận chuyển giống thủy sản có nhãn hàng hóa ghi không đúng quy định”. Dự thảo xử phạt hành vi này đối với người vận chuyển nhưng không đồng thời là chủ hàng là chưa hợp lý. Bởi vì, trong trường hợp này, bên vận chuyển chỉ là bên cung cấp dịch vụ vận chuyển, họ không thể biết được/bắt buộc phải biết việc ghi nhãn của giống thủy sản thế nào là đúng, thế nào là không? Mặt khác, theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn thì trách nhiệm ghi nhãn thuộc về nhà sản xuất/nhập khẩu.
Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 1 Điều 14 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1]Khoản 4 Luật thủy sản ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết về các điều kiện hoạt động của cơ sở khảo nghiệm