VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định quy trình khắc phục sự cố môi trường do tràn dầu trên biển
VCCI_Góp ý Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức ngoài tố tụng
Kính gửi: Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 2171/BTP – PLDSKT của Bộ Tư pháp về việc phối hợp rà soát và đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về hợp đồng và pháp luật giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức tố tụng ngoài tòa án, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, trung tâm trọng tài, có một số ý kiến như sau:
- Các khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến thực tiễn thi hành pháp luật về hợp đồnga.
a. Về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định hai trường hợp ngoại lệ, vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức nhưng hợp đồng không bị coi là vô hiệu, đó là:
- (1) Giao dịch được xác lập theo quy định bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch;
- (2) Giao dịch được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch.
Quy định trên có một số điểm chưa rõ ràng, khiến cho quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
- Về cách hiểu “văn bản không đúng quy định của pháp luật” (trường hợp thứ nhất)
Quy định tại điểm (1) nêu là chưa rõ về cách hiểu: một giao dịch đã được xác lập bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật được hiểu như thế nào? Liên quan tới vấn đề này, một số văn bản chuyên ngành có quy định về (i) các loại hợp đồng nào phải được xác lập bằng văn bản (ví dụ: Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, Hợp đồng xây dựng, …), và/hoặc (ii) các nội dung bắt buộc cần phải có trong hợp đồng (ví dụ: Luật xây dựng quy định hợp đồng phải có ít nhất 14 nội dung như khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, tiến độ thực hiện …; Luật kinh doanh bất động sản quy định hợp đồng phải có 12 nội dung; …).
Như vậy, “văn bản không đúng quy định của pháp luật” được hiểu là gì: một hợp đồng không được lập thành văn bản? hợp đồng lập thành văn bản nhưng không có đầy đủ các nội dung bắt buộc?
Khoản 1 Điều 117 BLDS quy định về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, trong đó không có yếu tố nào liên quan đến hình thức của giao dịch. Và quy định này là hợp lý, bởi yếu tố hiệu lực của giao dịch dân sự nên chỉ xem xét đến mặt nội dung cũng như ý chí của các bên, hình thức chỉ là biểu hiện bên ngoài của việc thể hiện ý chí của các chủ thể, không thể xem là yếu tố quyết định đến hiệu lực của giao dịch. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 117 BLDS lại quy định “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp có quy định”. Điều này dường như là chưa nhất quán về quan điểm có hiệu lực của giao dịch dân sự trong chính điều luật này.
Kể cả pháp luật chuyên ngành về hình thức hợp đồng cũng có một số quy định theo hướng không coi hình thức là căn cứ vô hiệu hợp đồng. Ví dụ, Luật xây dựng, mặc dù quy định các nội dung của hợp đồng xây dựng, nhưng khoản 1 Điều 139 khi xác định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng cũng không đặt ra điều kiện về mặt hình thức.
Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với bản chất của giao dịch dân sự, BLDS nên quy định theo hướng, không xem xét yếu tố hình thức là điều kiện để xem xét tính hiệu lực của giao dịch dân sự, tức là bỏ quy định tại khoản 2 Điều 117 BLDS.
- Về cách xác định “hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch” (cả hai trường hợp)
Trên thực tế, đối với một số lĩnh vực, việc xác định chính xác hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch là khá khó khăn, vì nghĩa vụ của các bên không thể phân chia được theo phần. Vì vậy, cần phải có quy định để giải quyết cho trường hợp này.
b. Về thời điểm giao kết hợp đồng (Điều 400)
Điều 400 đang được thiết kế thành 4 khoản, trong đó khoản 1 đang được hiểu là nguyên tắc chung về thời điểm giao kết của hợp đồng, các khoản 2-4 là các quy định về thời điểm giao kết hợp đồng đối với từng hình thức cụ thể.
Tuy nhiên, cách thức thiết kế quy định như Điều 400 có lẽ là chưa hợp lý:
- Việc để nguyên tắc chung thành một khoản ngang hàng với các khoản quy định về các trường hợp cụ thể sẽ khiến cho quy định trở nên thiếu rõ ràng và chưa thống nhất về thời điểm giao kết hợp đồng;
- Hiện đang có quy định mâu thuẫn giữa nguyên tắc với trường hợp cụ thể. Cụ thể, theo nguyên tắc tại khoản 1 thì thời điểm hợp đồng được giao kết là thời điểm “bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết”. Tuy nhiên, đối với trường hợp hợp đồng bằng văn bản thìtheo quy định tại khoản 4, thời điểm giao kết hợp đồng lại là thời điểm “bên sau cùng ký vào văn bản”. Trên thực tế, hai thời điểm này có thể là khác nhau, vì trong trường hợp hai bên không cùng ký một thời điểm tại cùng một địa điểm, bên sau cùng ký vào văn bản nhưng chưa gửi cho bên đề nghị, thì theo quy định tại khoản 1, hợp đồng sẽ chưa được giao kết, nhưng theo quy định tại khoản 4 hợp đồng đã được giao kết.
Do đó, để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị sửa đổi Điều 400 theo hướng:
“Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết, thể hiện cụ thể trong từng trường hợp như sau:
- Thời điểm giao kết hợp đồng, trong trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn, là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
- Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
- Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm các bên đề nghị nhận được văn bản đã được bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 2 Điều này”.
- Các khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp
a. Về thẩm quyền của trọng tài
Điều 2, Luật trọng tài thương mại 2010 (Luật TTTM) đã quy định các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền của trọng tài, gồm: (i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Tuy nhiên, quy định nói trên của Luật TTTM lại không nhất quán với quy định tại một số luật khác về thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Ví dụ: Luật Nhà ở (Điều 177 Khoản 2) quy định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nhà ở “2. Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên quan đến hợp đồng về nhà ở, hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật”, hoặc Luật Đất đai (Điều 203) cũng chỉ quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
- Trên thực tế, trong nhiều trường hợp nêu trong các Luật trên, các tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên quan đến hợp đồng về nhà ở, hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư là các tranh chấp phát sinh giữa các bên/một trong các bên có hoạt động thương mại (ví dụ: tranh chấp giữa người mua nhà với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư với cư dân của nhà chung cư, …). Đây đều là các trường hợp mà theo Luật TTTM thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này.
Trong khi đó, Luật TTTM không quy định về ngoại lệ “trừ trường hợp luật có quy định khác” về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp được liệt kê tại Điều 2. Do đó không rõ trong trường hợp này sẽ phải tuân thủ quy định nào: Luật TTTM hay Luật khác.
Do đó, đề nghị thống nhất về thẩm quyền giải quyết của trọng tài trong các tranh chấp trong hệ thống pháp luật theo hướng:
- Hoặc là sửa Luật TTTM để bổ sung thêm ngoại lệ “trừ trường hợp luật khác có quy định khác”;
- Hoặc là sửa các Luật liên quan (Luật Nhà ở, Luật Đất đai) để phù hợp với Luật TTTM
b. Khái niệm “trọng tài nước ngoài”
Khoản 11 Điều 3 Luật TTTM quy định: “Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam”.
Khái niệm này là chưa bao quát hết trên thực tế, khiến cho một số trường hợp rất khó xác định là trọng tài nước ngoài hay trong nước.
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật TTTM thì “Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận”. Trên thực tế, trọng tài vụ việc không chỉ lựa chọn trình tự, thủ tục của một trung tâm trọng tài (trong nước hoặc nước ngoài) mà được thành lập theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Ủy ban pháp luật trọng tài thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (Quy tắc UNCITRAL). Với khái niệm trên, thì đối với trường hợp hội đồng trọng tài được thành lập theo Quy tắc UNCITRAL thì không xác định được là trọng tài nước ngoài hay không (bởi, Quy tắc UNCITRAL không được xem là pháp luật trọng tài nước ngoài – đang được hiểu là quy định của một quốc gia cụ thể nào đó)?
Vì vậy, để đảm bảo tính toàn diện và phù hợp với thực tế, đề nghị sửa đổi khoản 11 Điều 3 Luật TTTM theo hướng:
- Hoặc là quy định “Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật không phải pháp luật Việt Nam do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam”
- Hoặc là quy định “Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc quốc tế do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam”.
c. Xác định Cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
Theo quy định tại Điều 8, Luật TTTM thì “ Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết”.
Việc chỉ giới hạn thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài ở cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyếtđã gây ra một số khó khăn trên thực tế cho các bên thi hành án, cụ thể:
- Các doanh nghiệp thường có hoạt động kinh doanh tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi đó, theo thống kê của một số trung tâm trọng tài thì, nơi các Hội đồng trọng tài ra phán quyết chủ yếu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp không có trụ sở kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải mất nhiều thời gian để tới Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh để nộp đơn yêu cầu thi hành án. Sau khi cơ quan thi hành án tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhận được đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài thì các cơ quan này lại phải ủy thác cho cơ quan thi hành án tại nơi bên phải thi hành có trụ sở hoặc tài sản. Quy trình này gây gia tăng chi phí và thời gian cho cả cơ quan thi hành án dân sự và bên phải thi hành.
Vì vậy, đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng mở rộng phạm vi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài lập phán quyết trọng tài hoặc nơi bên phải thi hành phán quyết trọng tài có tài sản hoặc nơi bên phải thi hành phán quyết trọng tài có trụ sở chính.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về hợp đồng và pháp luật giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức tố tụng ngoài tòa án. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.