VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản
VCCI_Góp ý Nghị định sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn
Kính gửi: Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 1760/TY-KD của Cục Thú y về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Về sửa đổi thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu (khoản 1, 2, 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 1, 2, 3 Điều 8 Thông tư 25)
So với quy định hiện hành thì Dự thảo có điều chỉnh về thủ tục kiểm dịch, theo đó:
- Bổ sung quy định thực hiện thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch qua Cổng thông tin một cửa quốc gia
- Gộp thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch vào thực hiện một lần, trước khi nhập khẩu
- Phản hồi của cơ quan nhà nước sẽ thực hiện thông qua thư điện tử trong trường hợp thủ tục được thực hiện qua thư điện tử
Những sửa đổi này là tiến bộ, dự kiến sẽ tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thủ tục đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo xem xét vấn đề sau:
Theo quy định tại Điều 46 Luật thú y thì:
- (1) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký kiểm dịch động vật thì Cục Thú y sẽ đồng ý/không đồng ý kiểm dịch động vật nhập khẩu và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kiểm dịch;
- (2) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khai báo kiểm dịch động vật, Cục Thú y quyết định và thông báo cho doanh nghiệp về địa điểm, thời gian để tiến hành kiểm dịch.
Như vậy, sẽ có hai khoảng thời gian căn cứ vào hai thời điểm nhận hồ sơ đăng ký và nhận hồ sơ khai báo. Dự thảo đã gộp hai thời điểm nộp hồ sơ đăng ký và hồ sơ khai báo làm một, vậy thời gian để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết và trả lời các doanh nghiệp về việc thực hiện kiểm dịch là bao lâu tính từ thời điểm nhận hồ sơ? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ khoảng thời gian này để đảm bảo tính minh bạch của thủ tục hành chính.
Góp ý tương tự đối với:
- Thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn tạm nhập tái xuất, tạm nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 1, 2, 3 Điều 14 Thông tư 25;
- Thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập kho ngoại quan quy định tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 15 Thông tư 25.
- Sửa đổi khoản 1, khoản 3, khoản 4 Phần II Phụ lục I (khoản 9 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo có một số sửa đổi đối với các nhóm sản phẩm thịt, sữa và trứng trong Phụ lục I Thông tư 25. Nếu quy định hiện hành quy định theo hướng liệt kê cụ thể các sản phẩm động vật phải kiểm dịch, thì Dự thảo lại quy định theo hướng chung (ví dụ: Thông tư 25 quy định “Sữa tươi, sữa chua, bơ, phomat, sữa hộp, sữa bột, sữa bánh và các sản phẩm từ sữa”, Dự thảo sửa đổi thành “sữa và các sản phẩm từ sữa”). Như vậy, xét về phạm vi kiểm dịch, thì sửa đổi tại Dự thảo là mở rộng hơn, vì bất kì loại “sữa” và “sản phẩm từ sữa” nào cũng thuộc diện phải kiểm dịch.
Trong thời gian qua, việc xác định các đối tượng động vật, sản phẩm động vật trên cạn phải kiểm dịch gặp một số bất cập. Một số doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, yêu cầu phải kiểm dịch những sản phẩm từ động vật nhưng đã trải qua quá trình chế biến sâu (ví dụ: sữa hộp, sữa bột, các loại bánh có nguyên liệu là sữa …) là chưa hợp lý, bởi vì bản thân các loại sản phẩm này đã phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, hơn nữa do quy trình chế biến nên những nguy cơ phải kiểm dịch là rất thấp.
Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nhất là hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thì việc sửa đổi Phụ lục I Thông tư 25 tại Dự thảo dường như chưa tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Phụ lục I và sửa đổi Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch theo hướng: chỉ kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế; những sản phẩm đã qua chế biến sâu thì cần được loại bỏ ra khỏi Danh mục.
- Sửa đổi khoản 1 phần II của Phụ lục XII Thông tư 25 (khoản 13 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo quy định “Trường hợp lô hàng không phải lấy mẫu kiểm tra, trong thời gian 01 ngày làm việc, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu sau khi kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa đạt yêu cầu”. Quy định này là chưa rõ ở mốc thời gian 01 ngày làm việc tính từ thời điểm nào?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Góp ý tương tự đối với trường hợp thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật nhập khẩu không phải lấy mẫu kiểm tra quy định tại khoản 14 Điều 1 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.