Đại diện Ban Soạn thảo – ông Trương Hòa Bình phát biểu

Thứ Hai 11:15 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Nhìn chung Quốc hội thảo luận lần này những vấn đề nổi lên xoay quanh vấn đề như kỳ họp trước đã thảo luận và Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Tư pháp cũng đã có một bước tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo để lần này trình Quốc hội và những ý kiến phát biểu của tôi cũng đã được trình bày trong kỳ họp trước, hôm nay xin được phép nói lại một số ý.

Trước hết về vai trò của Viện kiểm sát, tôi thấy theo Hiến pháp và pháp luật, Luật tổ chức Viện kiểm sát, Nghị quyết 49 của Bộ chính trị đều nói lên Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nghị quyết 49 khẳng định trong giai đoạn hiện nay vẫn tiếp tục thực hiện chức năng này. Cho nên vai trò của Viện kiểm sát tham gia vào kiểm sát các hoạt động tư pháp trong đó có kiểm sát hoạt động tố tụng trong các vụ án ngoài hình sự thì còn có dân sự, hành chính, lao động, kinh tế v.v... là phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 49.

Còn để Viện kiểm sát tham gia đến mức độ nào thì tôi nghĩ đã tham gia hoạt động tư pháp, đã kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát việc tuân theo pháp luật thì sẽ tham gia tất cả. Tuy nhiên nếu như chúng ta không có một qui định để mở, để đảm bảo việc Viện kiểm sát tham gia vào kiểm sát các vụ án dân sự mà không ảnh hưởng đến hoạt động của tòa án thì cũng khó, vì nếu qui định cứng tham gia tất cả các phiên tòa thì nếu đội ngũ kiểm sát viên chưa đủ thì việc xét xử hơi chậm lại vì không phân công được kiểm sát viên tham gia phiên tòa, cho nên có một qui định khi xét thấy cần thiết là như vậy rồi giao thẩm quyền cho Viện trưởng, tất nhiên có những vụ án nó đơn giản, nó rõ v.v... thì không nhất thiết phải có Viện kiểm sát tham gia. Đấy là lý lẽ ở chỗ vai trò của Viện kiểm sát tôi xin nói lại mấy ý đấy.

Thứ hai, vấn đề quyết định thẩm quyền của tòa án. Về thẩm quyền của tòa án có quyền hủy quyết định của các cơ quan nhà nước, cơ quan, tổ chức khác rõ ràng trái pháp luật thì có đúng hay không. Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta phải trở lại nguyên lý tòa án là cơ quan xét xử duy nhất, đó là theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tòa án thực hiện quyền lực tư pháp của mình và tòa án xét xử ở 2 cấp, có cấp sơ cấp và cấp phúc thẩm. Nếu thấy quyết định rõ ràng trái pháp luật thì khi đưa ra xét xử thì tòa án ở cấp sơ thẩm có quyền hủy quyết định này, trừ quyết định của Thủ tướng. Nếu nói nguyên lý thì như thế, còn việc thế nào là rõ ràng thì có thể qua thụ lý hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ thì hiển nhiên thấy quyết định đó là sai rõ ràng, hoặc qua tranh tụng thì tòa án làm rõ và thấy rõ ràng trái pháp luật. Khi nào rõ ràng trái pháp luật thì mới hủy, còn không trái thì không hủy. Nếu không quy định ở đây, chỉ kiến nghị thì thực tiễn xét xử thời gian qua chứng minh tòa án kiến nghị thì cơ quan nhà nước có hủy, sửa quyết định này hay không là do quyền của cơ quan nhà nước. Việc giải quyết xét xử của tòa án trở thành không có hiệu lực, không thực thi được.

Có một số đại biểu phát biểu là nên xem xét việc quyết định hủy của tòa án đến mức độ nào, đến cấp nào thì về vấn đề này chúng tôi xin nghiên cứu, báo cáo Thường vụ Quốc hội trình lại Quốc hội xem xét. Nhưng về nguyên lý bởi vì đây là cấp sơ thẩm, còn cấp phúc thẩm, nếu sơ thẩm không xử thì phúc thẩm không thể tuyên hủy quyết định đó được, Tòa án nhân dân tối cao không xử sơ thẩm. Theo tinh thần cải cách tư pháp, tới đây chúng ta xây dựng hệ thống tòa án sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính cho nên ở cấp sơ thẩm phải có thẩm quyền hủy quyết định rõ ràng là trái pháp luật của cơ quan nhà nước và tổ chức khác là phù hợp. Vấn đề còn lại là có nên phân ra thẩm quyền hay không chúng tôi xin nghiên cứu tiếp và sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề cơ chế đặc biệt, lần thảo luận trước cũng như lần này, đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành, một số đại biểu còn phân vân, như vậy có làm tăng khiếu kiện hay không, có đảm bảo quyền lực tối cao của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hay không, có làm mất ổn định xã hội hay không v.v.... Vấn đề này về lý lẽ đã phân tích nhiều rồi, tôi xin phép không phân tích lại. Tôi chỉ xin nói đây là cơ chế đặc biệt để giải quyết, xem lại những quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mà thấy rằng có sai lầm nghiêm trọng. Cơ chế đặc biệt này để chính Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa sai đối với quyết định của mình, không phải một cấp tối cao nào khác giải quyết vấn đề này.

Báo cáo các đại biểu, ở các nước khác có Tòa án Hiến pháp hay Ủy ban bảo hiến thì người ta có cơ chế khác. Ở Mỹ họ giao cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện quyền xem lại các bản án có sai phạm, ở ta theo cơ chế tự hội đồng xem xét lại quyết định của mình nếu sai và thực hiện theo một lộ trình, quy trình chặt chẽ chứ không phải tất cả mọi khiếu nại đều được xem xét, cho nên quy định từ khâu thụ lý nhận đơn cho đến có văn bản kiến nghị có yêu cầu của Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban tư pháp v.v.... của Chánh án, Viện trưởng và cũng báo cáo với các đồng chí đối với các Ủy ban khác của Quốc hội thì phát hiện có quyền kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có ý kiến yêu cầu Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem lại và chắc chắn cũng theo cơ chế chuyển qua Ủy ban tư pháp để thẩm định. Vì theo Luật tổ chức Quốc hội thì các Ủy ban của Quốc hội có các chức năng, thẩm quyền được quy định và trong đó thì Ủy ban tư pháp được quy định chức năng giám sát hoạt động của Tòa án, cho nên việc đó tôi cũng xin nói lại rõ như thế. Báo cáo với các đại biểu Quốc hội đây là một cơ chế đặc biệt, luật pháp phù hợp với từng giai đoạn của tình hình thực tiễn của mỗi một nước trong từng giai đoạn. Cơ chế này là cơ chế phù hợp trong tình hình hiện nay đến khi nào chúng ta có một đội ngũ thẩm phán thật tốt, dân trí được nâng cao, hiểu biết pháp luật v.v..., các cơ chế hỗ trợ tư pháp tốt đảm bảo việc xét xử chắc chắn là đúng mà xã hội đang phát triển tốt, Tòa án thực sự là biểu tượng của công lý và lúc bấy giờ có thể thực hiện là Viện kiểm sát không còn chức năng hoạt động tư pháp mà là công tố và đảm bảo Tòa án sẽ xét xử đúng đắn lúc đó tình hình diễn biến khác thì chúng ta sửa luật, trong tình hình hiện nay quy định như thế này là phù hợp. Nhân đây tôi xin báo cáo với các đại biểu để chúng ta có đánh giá về chất lượng xét xử của tòa án, rõ ràng trong thời gian sau này chất lượng có sự chuyển biến và được nâng cao, tuy nhiên cũng còn tồn tại, yếu kém. Vì vậy, cũng cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao chất lượng của thẩm phán, chất lượng xét xử, đề cao tranh tụng. Đồng thời cũng còn có những tồn tại đó nên chúng ta phải có những cơ chế đặc biệt để giải quyết, để đảm bảo đúng những xét xử của tòa án chưa đảm bảo công lý cho người dân cần xem xét giải quyết lại. Trên tinh thần như vậy, tôi xin giải trình thêm như vậy. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan