VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Trả lời Công văn số 3251/LĐTBXH-PC của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Giấy mời họp số 535/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc góp ý và họp thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến như sau:
Về các điều kiện kinh doanh thuộc pham vi quản lý nhà nước của Quý Bộ, ngày 11/5/2018, VCCI đã có Công văn số 1000/PTM-PC gửi Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (Đồng kính gửi Quý Cơ quan) góp ý về Dự thảo Phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Quý Bộ.
Đối chiếu các góp ý tại thời điểm đó với Dự thảo, có thể thấy vẫn còn một số nội dung góp ý của VCCI chưa được Quý Cơ quan tiếp thu tại Dự thảo này, cũng chưa có giải trình thuyết phục về lý do không tiếp thu. Vì vậy, đối với Dự thảo này VCCI tiếp tục có một số ý kiến như dưới đây[1]:
- Về điều kiện kinh doanh dịch vụ việc làm (Nghị định 52/2014/NĐ-CP)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Bộ luật lao động thì “Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.
“Dịch vụ việc làm” là hoạt động có tính chất cung cấp dịch vụ cho người lao động, người sử dụng lao động. Nói cách khác, đây bản chất là dịch vụ môi giới việc làm, một quan hệ “tư” thuần túy giữa người cung ứng dịch vụ việc làm – người lao động; người cung ứng dịch vụ việc làm – người sử dụng lao động.
- Về sự cần thiết phải quản lý hoạt động dịch vụ việc làm bằng các điều kiện kinh doanh
Về cơ bản, hoạt động cung ứng dịch vụ việc làm có thể tác động tới lợi ích công cộng ở 02 góc độ:
- Từ góc độ tích cực, hoạt động này sẽ giúp cho người dân tìm kiếm được việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp, giúp cơ sở sản xuất kinh doanh tìm kiếm được nhân lực phục vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
- Từ góc độ tiêu cực, nếu là trường hợp cung ứng dịch vụ cho người sử dụng lao động có hoạt động kinh doanh ngầm, trái pháp luật, sử dụng lao động không tuân thủ các quy định của pháp luật lao động…, có thể khiến người lao động bị thiệt hại. Mặc dù vậy, trong những trường hợp như thế này, nguyên nhân chính là ở cơ sở sử dụng lao động chứ không phải ở đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm. Hơn thế nữa, nếu không có bên cung ứng dịch vụ việc làm, người sử dụng lao động, người lao động trong những trường hợp này vẫn có nhiều kênh khác để tìm đến được nhau.
Như vậy, trong tổng thể, có thể thấy mức độ tác động của hoạt động này tới các lợi ích công cộng có thể có nhưng không đến mức buộc Nhà nước phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh. Đó là chưa kể tới những lợi ích mà dịch vụ này mang lại cho thị trường lao động.
Vì vậy, đề nghị không nên xếp dịch vụ việc làm vào nhóm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chỉ nên coi đây là ngành nghề kinh doanh thông thường, quản lý bằng các biện pháp quản lý chung (theo pháp luật về đăng ký kinh doanh, đầu tư…)
- Về tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh cụ thể của hoạt động dịch vụ việc làm
Như trên đã đề cập, hoạt động dịch vụ việc làm không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, giả sử đây là ngành, nghề cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện kinh doanh, thì những điều kiện kinh doanh hiện hành cũng không hợp lý, ví dụ:
- Điều kiện về trụ sở:
Theo Điều 8 Nghị định 52/2014/NĐ-CP thì “Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh của doanh nghiệp phải ổn định và có thời hạn từ 03 năm (36 tháng) trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký doanh nghiệp thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm (36 tháng) trở lên”.
Quy định này suy đoán là có thể giúp cho các đối tác của doanh nghiệp dịch vụ việc làm có thể xác định được trụ sở làm việc, tạo niềm tin trong các giao dịch.
Tuy nhiên, quy định này can thiệp quá sâu vào quan hệ thỏa thuận hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, ít nhất là ở các góc độ sau:
- Về pháp luật, việc xác định thời hạn thuê bao lâu tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên – đây là quyền tự do hợp đồng đã được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ;
- Về thực tiễn kinh doanh, bản thân doanh nghiệp kinh doanh có nhu cầu thay đổi địa điểm kinh doanh trong quá trình kinh doanh vì các lý do khác nhau là chuyện bình thường và là quyền tự do đương nhiên của doanh nghiệp, Nhà nước không cần thiết và cũng không có quyền can thiệp.
- Về mục đích, mục tiêu “tạo niềm tin” không phải là mục tiêu công cộng thích hợp để làm căn cứ cho một điều kiện kinh doanh.
- Về hiệu quả, quy định này không có hiệu quả thực tế trong quản lý đối với doanh nghiệp (bởi doanh nghiệp vẫn có thể thay đổi trụ sở chính sau khi xin giấy phép).
- Điều kiện về nhân lực
Theo Điều 9 Nghị định 52/2014/NĐ-CP thì “Bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm ít nhất 03 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng”. Quy định này là bất hợp lý bởi:
- Không có tính đặc thù (nhân viên có trình độ cao đẳng trong lĩnh vực chuyên môn gì? Nếu bất kì chuyên ngành nào thì sẽ có ở bất kì ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác).
- Không rõ mục tiêu (quy định này nhằm hướng đến mục tiêu quản lý nào? Nếu chỉ để đảm bảo sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cung cấp chất lượng dịch vụ tốt dựa trên chất lượng nhân viên tốt thì đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không nên can thiệp).
- Điều kiện tài chính
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 52/2014/NĐ-CP thì “Doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính”. Điều kiện này là không hợp lý ít nhất vì các lý do:
- Việc yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền trong suốt quá trình hoạt động sẽ tạo khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp. Xét về phương diện kinh tế thì để một khoản tiền đóng băng, không được sử dụng kinh doanh là không hợp lý.
- Về mục đích của việc ký quỹ, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 52/2014/NĐ-CP thì “Tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp”. Như vậy, quy định tiền ký quỹ suy đoán là nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể chịu thiệt hại trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, như phân tích ở trên, các chủ thể trong mối quan hệ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên cơ sở hệ thống pháp luật tư. Hơn nữa, hoạt động này hoàn toàn không gây ra thiệt hại trên diện rộng cho nhiều chủ thể (kiểu như Ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính…). Do đó, mục tiêu này là không cần thiết (như đã nêu, đây chỉ là dịch vụ bình thường, không gây rủi ro lớn cho xã hội, và ở tất cả các lĩnh vực khác, các dịch vụ kiểu này đều không phải ký quỹ).
Như vậy, ngay cả khi dịch vụ việc làm cần được quản lý bằng điều kiện kinh doanh thì các điều kiện kinh doanh hiện tại cũng không hợp lý, mang lại hiệu quả nào có ý nghĩa.
Từ các phân tích nêu trên, có thể nhận “kinh doanh dịch vụ việc làm” không nên được xem là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung sửa đổi của Nghị định 52/2014/NĐ-CP vào Dự thảo theo hướng bỏ tất cả điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính tương ứng đang được quy định tại Chương 2: “Điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm”.
- Về điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Nghị định 143/2016/NĐ-CP)
- Khoản 4 Điều 3 quy định Điều kiện về vốn như sau: “Vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, cụ thể như sau: a) Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 05 tỷ đồng; b) Đối với trường trung cấp tối thiểu là 50 tỷ đồng; c) Đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng.”
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng bỏ điều kiện về vốn, bởi vì đây là yêu cầu tự thân của doanh nghiệp. Trong hoạt động giáo dục, các điều kiện về vốn tương tự cũng đã được đề nghị bãi bỏ.
- Khoản 5 Điều 3 quy định điều kiện: “Đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 14 Nghị định này (dự kiến về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý).” Nếu đã quy định đây là các điều kiện để bảo đảm việc hoạt động thì chỉ đến khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động mới phải đáp ứng. Do đó, để bảo đảm tính hợp lý của quy định đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện này.
- Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Nghị định 49/2018/NĐ-CP)
- Đề nghị bỏ điều kiện “Có trụ sở hoạt động ổn định và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức kiểm định; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8m2/người, có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp” (khoản 2 Điều 4) vì ít nhất các lý do:
- Điều kiện này can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ hoạt động của doanh nghiệp và hoàn toàn không có tính đặc thù đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (tại sao đối với kiểm định chất lượng giáo dục phải có điều kiện này? nếu không đáp ứng điều kiện này thì liệu có ảnh hưởng gì tới chất lượng kiểm định không?).
- Không rõ căn cứ nào để yêu cầu diện tích làm việc tối thiểu của kiểm định viên là 8m2/người (nếu không đủ 8m2/người thì sẽ gây ra hệ quả gì, ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng nào?). Trong khi đó, yêu cầu này là cản trở đáng kể cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ muốn tham gia vào thị trường này.
- Đề nghị cân nhắc sửa đổi điều kiện: “Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định.” (khoản 4 Điều 4) theo hướng giảm số lượng xuống còn 02 kiểm định viên (tức là giảm xuống mức tương tự như điều kiện về số lượng kiểm định viên để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động quy định tại Điều 4 Nghị định 44/2016/NĐ-CP) vì lý do (i) Không rõ căn cứ cho việc cần quá nhiều kiểm định viên như vậy đối với một doanh nghiệp mới thành lập, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ? (ii) Quy định này là rào cản gia nhập thị trường đáng kể cho doanh nghiệp vượt quá mức cần thiết (thực tế doanh nghiệp tùy vào năng lực hoạt động và nhu cầu của thị trường sẽ tự quyết định quy mô nhân viên của mình).
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Loại trừ các góp ý liên quan đến 03 Nghị định được sửa đổi, bổ sung riêng biệt (như diễn giải tại dự thảo Tờ trình) gồm: Nghị định số 48/2015/NĐ-CP, Nghị định số 55/2013/NĐ-CP và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP