Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Hai 11:05 28-03-2011

Kính thưa quý vị Chủ tọa.

Kính thưa các vị đại biểu.

Tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về cơ bản thống nhất với những nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên tôi xin phát biểu về bốn vấn đề như sau để Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm.

Trước hết về sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát vào các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm. Chúng tôi thấy việc tham gia này cần thiết, lý lẽ như Báo cáo giải trình mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày. Tôi xin nói thêm để các đại biểu Quốc hội cân nhắc trong xử án thì án dân sự là phức tạp, thậm chí còn phức tạp hơn cả án hình sự và đây là nơi dễ nảy sinh tiêu cực nhất. Cho nên việc tham gia của Viện kiểm sát hết sức cần thiết. Chính vì vậy mà chúng tôi không thật tán thành với nội dung qui định ở trong dự thảo luật, tức là nói rằng Viện kiểm sát có thể tham dự phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm nếu xét thấy cần thiết. Theo tôi đề nghị bỏ chữ "xét thấy cần thiết", sự tham gia của Viện kiểm sát phải là bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Thứ hai, Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rất rõ trong phiên sơ thẩm thì đại biểu Viện kiểm sát nói gì, còn trong phiên phúc thẩm thì đại biểu Viện kiểm sát nói gì, nhưng trong qui định của dự thảo luật thì lại không nói rõ là đại biểu của Viện kiểm sát có quyền và có nghĩa vụ phát biểu những gì ở trong phiên phúc thẩm, chúng tôi xin đề nghị bổ sung điều này vào trong luật.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi xin phát biểu là thẩm quyền của tòa án đối với các quyết định của cơ quan, tổ chức khác. Chúng tôi rất tán thành qui định là tòa án có quyền tuyên hủy những quyết định trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức khác. Tuy nhiên trong luật còn nói rõ là tòa án cấp nào thì được tuyên hủy những quyết định của cấp nào, chứ nếu mà không thì tòa án cấp huyện lại tuyên hủy các quyết định của cấp tỉnh thì chắc là khó. Còn các cơ quan, tổ chức khác thì không phải chỉ là cơ quan hành chính, còn rất nhiều loại cơ quan, tổ chức khác nhau, cho nên cần phải nói rõ là tòa án cấp nào được tuyên hủy những quyết định của cấp nào.

Hai nữa theo tôi cần bỏ từ "rõ ràng", tòa án có quyền tuyên hủy những quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác thế là đủ, không nên nói là "tuyên hủy những quyết định rõ ràng trái pháp luật" vì nếu không rõ ràng thì tòa án có quyền gì đi chăng nữa cũng không dám tuyên hủy.

Thứ ba, về Hội đồng định giá tài sản. Trong tranh chấp dân sự thì tài sản là yếu tố vô cùng quan trọng, nhiều khi nó chính là nguồn gốc tranh chấp dân sự. Cho nên việc định giá tài sản là việc quan trọng nhất trong xử án dân sự. Vì vậy, theo tôi cần có quy định những người có quan hệ ruột thịt, họ hàng thân tình với một trong các bên đương sự thì không được tham gia Hội đồng định giá tài sản. Đương sự cả bên nguyên lẫn bên bị có quyền đề nghị thay đổi thành viên Hội đồng định giá tài sản nếu thấy việc tham gia của các thành viên đó không đảm bảo tính khách quan, công bằng trong định giá tài sản. Vấn đề này trong tòa án gọi là nguyên tắc hồi tỵ. Tôi nghĩ trong trường hợp này cần phải áp dụng nguyên tắc hồi tỵ như thế này. Cũng phải quy định ai được quyền xem xét và chấp nhận kiến nghị của đương sự. Theo chúng tôi thì giao cho Chánh án tòa án chứ không phải thẩm phán được quyền quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kiến nghị của đương sự.

Thứ tư, về cách diễn đạt. Nhìn chung chúng tôi thấy dự thảo luật này diễn đạt tốt. Tuy vấn đề pháp luật rất khó nhưng tôi đọc thấy dễ hiểu, chính xác. Tuy nhiên, có chỗ rất quan trọng diễn đạt chưa tốt. Ví dụ tại Điều 310a, trang 26 trong tài liệu, Khoản 1 diễn đạt lủng củng, có thể gây hiểu lầm, viết như thế này "Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây" Không có thời gian để phân tích câu chữ nhiều, tôi xin nói cách diễn đạt này ngược và rất rối, nói: "Khi có căn cứ cho rằng" hoặc "Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng" mình viết ngược lại. Hoặc ở đây có 3 trường hợp phải xem xét lại viết như thế này tách bạch ra không rõ, đặc biệt nói: "Tất cả các trường hợp theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao các quyết định đó được xem xét lại" là không đúng, không đúng với quy định ở ngay dưới. Theo quy định của dự thảo luật ở Khoản 2, Khoản 3 chỉ có khi nào Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên phải xem xét lại quyết định sai của mình. Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán không đương nhiên phải xem xét, Hội đồng thẩm phán xem xét chính kiến nghị đó có hợp lý hay không thì lúc đó mới xem xét đến quyết định đã sai của mình. Nếu viết: "Tất cả các trường hợp này được xem xét nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây" và liệt kê ra 4 trường hợp kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là không chính xác, chỗ này phải viết lại, chỗ này không đơn thuần là câu chữ, mà là luật, tôi xin đề nghị xem xét lại.

Tôi xin phát biểu thêm một vài vấn đề để trao đổi với các đồng chí đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tôi không phải dân luật cho nên tôi không dám dùng từ tranh luận, tôi chỉ xin trao đổi thôi. Có một số vị đại biểu nói "việc đương sự cốt ở hai bên" cho nên ở đây không cần đến vai trò của Viện kiểm sát, bởi vì Viện kiểm sát là đại diện cho quyền lợi của nhà nước, tôi rất băn khoăn về việc này bởi vì tôi thấy đúng là "việc đương sự cốt ở hai bên" nhưng hai bên không đồng ý với nhau thì chúng ta đưa nhau ra tòa, nếu đã đưa nhau ra tòa và sau khi phân tích hai bên cùng rút lui ý kiến của mình thỏa thuận với nhau thì chắc chắn chẳng cần đến Tòa án và Viện kiểm sát làm gì. Chính vì hai bên rất căng thẳng với nhau cho nên mới cần phải có xét xử và lúc đó Viện kiểm sát giám sát xem xét xử như vậy có đúng đường lối không, có đúng pháp luật không, đặc biệt trong những việc dân sự như tranh chấp về thừa kế rất phức tạp cần phải có sự giám sát của Viện kiểm sát bên cạnh xét xử công minh của Tòa án, đó là ý thứ nhất chúng tôi muốn phát biểu.

Thứ hai là tôi không thuộc Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân nhưng tôi nghĩ rằng nếu nói Viện kiểm sát là đại diện quyền lợi của nhà nước thì không đúng, ngay ở tên là Viện kiểm sát nhân dân thì nó đã nói đây là đại diện của cả nhân dân và khi phân tích, xem xét thì Viện kiểm sát phải xem xét xử có đúng pháp luật không và có bảo vệ được quyền lợi của người dân hay không. Ngay cả trong trường hợp có tranh chấp giữa 1 cá nhân với 1 tổ chức, 1 cơ quan nhà nước, thậm chí tranh chấp liên quan đến tài sản chung thì Viện kiểm sát hay Tòa án cũng phải đứng về phía lẽ phải chứ không vì là cơ quan Nhà nước lại xử cho tổ chức Nhà nước được mặc dù điều đó là trái. Tôi xin bày tỏ lại quan điểm của tôi như vậy, nếu không đúng xin các vị cứ trao đổi lại.

Ý thứ ba, hiện nay qua giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trước đây là Ủy ban pháp luật của Quốc hội phát hiện ra một số vụ án đã đưa đến Hội đồng thẩm phán quyết định nhưng vẫn sai, thậm chí có những vụ án hiện nay Hội đồng thẩm phán cũng thừa nhận là sai nhưng không có cơ chế để giải quyết. Sau khi luật này ra đời chúng ta giải quyết những trường hợp đó như thế nào, có hồi tố không đề nghị Quốc hội cho ý kiến, dĩ nhiên luật có hiệu lực sau đây 6 tháng nếu như được thông qua. Vậy hồi tố là khó nhưng chắc trong trường hợp này khi bản án đó rất sai, người dân oan, trên thực tế cũng không thi hành được. Tôi đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu sau khi thông qua luật này ra Nghị quyết về việc xem xét một số vụ án đã quá rõ là sai và chưa có thi hành án. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan