Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị

Thứ Tư 14:46 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Cho đến lúc này đã có 23 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu ý kiến tại Hội trường. Các vị đại biểu Quốc hội phát biểu cho rằng đây là đạo luật quan trọng được chuẩn bị tương đối công phu và đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý. Dự án luật này đã đáp ứng được yêu cầu mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án hành chính và đổi mới mạnh mẽ cơ chế, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào tố tụng hành chính, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trong tố tụng hành chính.

Chúng tôi có đề nghị 5 nhóm vấn đề:

Về vấn đề khởi kiện vụ án hành chính tại Điều 104, tất cả các đại biểu đã phát biểu ý kiến đều nhất trí với dự thảo, tức là ở đây chúng ta có đổi mới về thủ tục và trình tự, không cần phải khiếu nại ra cơ quan hành chính. Nếu đương sự không đồng tình với quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật thì người ta có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án hoặc người ta có quyền lựa chọn bằng thủ tục khiếu nại ra cơ quan hành chính, sau đó người ta có quyền khởi kiện tại Tòa án hành chính. Đây là đổi mới mạnh mẽ về thủ tục.

Về phát biểu của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên tại phiên tòa tại Điều 161 của dự thảo luật. Vấn đề này đa số các đại biểu đã phát biểu đồng ý với dự thảo luật, nhưng cũng có một số các đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét thêm vấn đề này, tức là khi Kiểm sát viên tham dự phiên tòa thì không chỉ có thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật về tố tụng mà còn kiểm sát việc tuân theo pháp luật cả về nội dung. Vấn đề này chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan tiếp thu để giải trình báo cáo lại với Quốc hội.

Vấn đề thứ ba là về quyết định bản án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo  thủ tục giám đốc thẩm ở Điều 203 các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu thì  đều nhất trí với dự thảo tại Khoản 1, Điều 207 quy định thời hạn là 1 năm kể từ ngày bản án quyết định Tòa án có hiệu lực pháp luật và Khoản 1, Điều 211 là 2 năm kể từ ngày bản án và quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong thời hạn quy định tại Điều 207, nếu như người có thẩm quyền để kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm mà không thực hiện theo đúng quy định, tức là đã quá thời hạn đó rồi, nhưng công dân người ta đã gửi đến cơ quan Tòa án mình để yêu cầu đề nghị giám đốc thẩm trong trường hợp này thì thời hạn tại Khoản 1 không tính mà có lẽ tính lại từ Khoản 2 của Điều 211. Tuy nhiên, cũng có ý kiến của đại biểu Quốc hội là cân nhắc thêm thời hạn quy định tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện nay là nên quy định sớm hơn.

Vấn đề thứ tư là cơ chế kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Điều 228, Điều 229, Điều 237, Điều 238 thì đây là vấn đề rất lớn mà cũng rất mới trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Vấn đề này không phải bây giờ mới nêu ra mà đã nêu ra từ các khóa trước của Quốc hội chúng ta. Vấn đề này cũng xuất phát từ một thực tế hiện nay là các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan đề nghị giải thích việc không thống nhất, vướng mắc giữa qui định của Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trong việc giải quyết các khiếu kiện về đất đai. Hiện nay chúng ta thấy ba văn bản pháp luật đó không thống nhất với nhau, cho nên khi gửi về Tòa án thì Tòa án nói rằng không được qui định trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, cho nên không thụ lý và trả lại đơn thì đây là vấn đề mà có thể nói rất nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua nghiên cứu không chỉ có trong thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính mà qua nghiên cứu cả vấn đề dân sự, cả vấn đề hình sự thì Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban tư pháp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng nên có một cơ chế đặc thù hay ta nói đặc biệt để mà giải quyết vấn đề thế này. Bây giờ đang có hai loại ý kiến, đa số thống nhất với dự thảo, một vài ý kiến đề nghị băn khoăn cân nhắc thêm, có thể nói là cũng đồng ý với phương án như vậy, nhưng mà qui định trình tự thủ tục như thế nào cho nó hợp lý hơn có thể bảo đảm sự thống nhất trong tố tụng hiện nay. Vấn đề này xin báo cáo với Thường vụ Quốc hội chúng tôi sẽ có bản giải trình, tiếp thu và trình ra Quốc hội trong phiên mà xem xét thông qua.

Tuy nhiên ở đây xin nói thêm một ý nữa là thủ tục đặc biệt này, cho nên nó đã đặc biệt thì nên qui định rất ngắn gọn và dứt điểm luôn, chứ không nên kéo dài thời gian giải quyết vụ án như là thủ tục kháng nghị, kiến nghị bình thường là cứ trở lại từ giai đoạn tố tụng lần đầu là xem xét lại, sau đó lại sơ thẩm, phúc thẩm, tiếp tục giám đốc thẩm mà khi đã xem xét ở trình tự này rồi thì Hội đồng thẩm phán hay cơ quan xét xử này là ra phán quyết luôn và coi đây là phán quyết cuối cùng, như thế mới giải quyết được tình trạng hiện nay. Đó là hướng mà đại biểu Quốc hội cũng mong muốn như vậy.

Còn vấn đề quản lý Nhà nước về thi hành án và yêu cầu thi hành án hành chính, đây cũng là vấn đề được bàn luật rất nhiều. Trong quá trình chuẩn bị dự án báo cáo lần này thì chúng tôi thấy rằng đây là phương án khả thi hơn. Cũng có thể có vấn đề này, vấn đề kia, đang còn băn khoăn chỗ này, chỗ khác, nhưng cho đến bây giờ thì phương án được chọn trong dự thảo là phương án có thể nói hợp lý hơn. Xin phép đại biểu Quốc hội cho giữ phương án này, rồi chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh thêm một số ý nữa.

Ngoài những vấn đề đó ra, các vị đại biểu Quốc hội còn đề cập đến vai trò, trách nhiệm của luật sư trong tố tụng hành chính, vấn đề thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vấn đề giải thích từ ngữ, nhiều vấn đề liên quan đến các nội dung liên quan của dự án luật này thì Đoàn thư ký kỳ họp đã tổng hợp và chúng tôi sẽ chỉ đạo để tiếp thu, chỉnh lý giải trình lại với Quốc hội.

Với tinh thần đó mong các vị đại biểu Quốc hội nếu còn có thêm ý kiến thì cứ gửi bằng văn bản cho Đoàn thư ký, chúng tôi sẽ tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu. Xin cảm ơn Quốc hội. Bây giờ mời Quốc hội về nghỉ.

Các văn bản liên quan