Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang

Thứ Tư 14:44 27-10-2010

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội!

Về cơ bản, tôi tán thành rất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của  Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau đây tôi xin được phát biểu và trao đổi một số vấn đề sau khi đã nghe một số vị đại biểu Quốc hội tham luận về dự thảo luật này.

Thứ nhất, về giải thích tự ngữ tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật thì chúng tôi thấy đoạn đầu định nghĩa quyết định hành chính là phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành cũng như định nghĩa trong dự thảo luật khiếu nại trình Quốc hội tại kỳ hợp này. Sở dĩ có đoạn hai mà chúng tôi thấy rằng trong thực tiễn Tòa án xét xử các vụ án hành chính thời gian qua là đứng về phía cơ quan hành chính Nhà nước, người có có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính Nhà nước đã lách luật không thực hiện đúng quy định của pháp luật hành chính về hình thức ra quyết định hành chính, cho nên ra thông báo, ra kết luận v.v... Chính vì hình thức này theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành là người dân không thể khởi kiện được vì Tòa án không thụ lý, vì đây không phải quyết định hành chính. Cho nên đoạn 2, Khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật chúng tôi thấy khắc phục được hiện nay đảm bảo quyền dân chủ của người dân, giờ ta bỏ ra người dân biết bám vào đâu, luật hiện hành không quy định chẳng lẽ cứ để người dân chạy mãi. Chính quy định như vậy vừa bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng đồng thời cũng răn đe những người không làm đúng quy định pháp luật. Điều 3 quy định: "Trong luật này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau" Trong luật này quy định những trường hợp cũng được quyền khởi kiện, quy định này không mâu thuẫn với các văn bản khác, chúng ta không thể coi vì đưa vào đoạn 2, Khoản 1, Điều 3 sẽ lại vô hiệu hóa hoặc mâu thuẫn với các văn bản khác. Tôi đề nghị nên giữ như Khoản 1, Điều 3 của Dự thảo luật.

Vấn đề thứ hai, vấn đề xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm sau khi đã quá thời hạn kháng nghị, Điều 207 của Dự thảo luật đã phân làm 2 thời hạn: Thứ nhất là quy định cho đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan được nộp đơn yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật; Người có thẩm quyền kháng nghị chỉ được kháng nghị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật. Nhưng trong thực tiễn hiện nay đã xảy ra rất nhiều trường hợp, trả lời đơn khiếu nại đương sự không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng qua giám sát, qua xem xét lại phát hiện ra sai lầm, lúc đó đã quá thời hạn 2 năm, chúng ta xử lý ra sao? Quy định tại Điều 207 của Dự thảo luật đối với trường hợp quá thời hạn 2 năm trả lời không đúng hoặc chưa trả lời vẫn phải xem xét giải quyết cái sai cho đương sự, như thế mới hợp lý.

Thứ ba, về cơ chế đặc thù, tôi tán thành với nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận và chia sẻ, đây là cơ chế hết sức đặc biệt, không phải cứ kéo dài mãi việc xét xử vụ án, Tòa án xét xử hai cấp theo nguyên tắc xét xử hai cấp theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân, sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thì xét xử thủ tục phúc thẩm, đến đó là bản án của Tòa án có hiệu lực và tất cả các cơ quan, tổ chức phải thi hành. Tuy nhiên có cơ chế đặc biệt là Giám đốc thẩm tái thẩm hiện hành để xem xét lại những sai sót của các cấp Tòa án đã xét xử trước, cho nên hết sức đặc biệt. Đây không phải là vấn đề mới, chúng tôi biết từ Quốc hội Khóa IX, Khóa X, Quốc hội cũng rất quan tâm đến vấn đề này để yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất một cơ chế và đến thời điểm này trình ra Quốc hội lần này là phù hợp. Vậy những đề xuất trong Dự thảo luật có vướng gì Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân không? Chúng tôi thấy không vướng bởi vì Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân quy định Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nhưng luật không quy định là quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng, nếu như đã quy định là quyết định cuối cùng thì đương nhiên chúng ta không thể giám sát lại được, là quyết định cao nhất cho nên đưa ra một cơ chế để Hội đồng thẩm phán tự sửa lại, sửa sai của mình theo cơ chế hết sức đặc thù. Như hiện hành thì Luật tổ chức Tòa án nhân dân cũng cụ thể các quy định của Hiến pháp về nguyên tắc xét xử, nhưng các nguyên tắc cơ bản trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân phải được tiếp tục cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng. Ví dụ Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành đều cụ thể hóa các nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể quyết định theo đa số, nhưng cụ thể hơn là đối với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi xét xử giám đốc thẩm thì quyết định của Hội đồng thẩm phán phải được 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng thẩm phán biểu quyết tán thành, Luật tổ chức không quy định nhưng Luật tố tụng dân sự và hình sự phải quy định cái đó để có bước cụ thể hóa các nguyên tắc. Vậy thì bây giờ nếu như chúng ta chấp nhận phương án đề xuất Quốc hội xem xét thông qua lần này mà các thành viên của Hội đồng thẩm phán lại tiếp tục xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm của mình có trái hay không, thì chúng tôi cho rằng không vướng. Chính bản thân các Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành quy định là những trường hợp phải thay đổi thẩm phán, thẩm phán từ chối xét xử thì trong trường hợp đã xét xử vụ án đó trừ trường hợp các thành viên của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các thành viên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì được xét xử đồng thời, nhiều lần đối với vụ án đó, Luật của chúng ta hiện hành đang quy định rồi, chứ có phải là cái gì vướng đâu, Tòa án đang thực hiện. Chúng tôi thấy là như vậy.

Tiếp nữa là khi xét xử Giám đốc thẩm thì thông thường không có mặt các đương sự, nhưng pháp luật tố tụng hiện hành đều quy định là trong trường hợp xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền mời đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan, đến tham dự phiên tòa. Bây giờ dự thảo của chúng ta đi theo hướng là trong trường hợp cần thiết thì Hội đồng thẩm phán mời các cá nhân, tổ chức khác có liên quan để nghe ý kiến của người ta thì cũng phù hợp với các quy định hiện hành trong các Luật tố tụng.

Về sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì cũng có ý kiến cho rằng mở rộng cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của mình, thì chúng tôi đề nghị là không nên. Bởi vì hiện hành các cơ quan thi hành án trong quá trình thi hành án nếu phát hiện các bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì có quyền kiến nghị với người có thẩm quyền, chúng tôi đề nghị nên để theo phương án này thì hợp lý và Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền tham dự phiên họp của Hội đồng thẩm phán.

Còn vấn đề có đại biểu cho rằng cần phải tăng thêm, mở rộng thêm điều kiện để đảm bảo  chặt chẽ hơn. Tôi sẽ xin gửi lại, xin hết.

 

Các văn bản liên quan