Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Tư 14:43 27-10-2010

Kính thưa Chủ tịch Đoàn,

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản, tôi hoan nghênh và tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu chính lý dự thảo Luật tố tụng hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nhiều ý kiến đã phát biểu trước tôi. Tôi tin rằng cử tri và nhân dân rất hoan nghênh và mong chờ luật sớm được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong thực tế. Đây sẽ là công cụ để họ có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đây cũng sẽ là một công cụ pháp lý, một biện pháp mạnh của Nhà nước đối với việc giải quyết căn bệnh đùn đẩy, vòng vo trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc ban hành văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Bên cạnh đó, để luật có thể hoàn thiện hơn, tôi xin đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung một số nội dung như sau:

Vấn đề thứ nhất, ở Điều 56, người được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Dự thảo luật quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm nếu Tòa án xét thấy cần thiết. Tôi đề nghị luật cần quy định họ có quyền được tham gia cả phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm chứ không phải trong trường hợp nếu Tòa án xét thấy cần thiết. Vì như vậy sẽ phù hợp với quy định trước đó là họ có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng. Mặt khác, khẳng định quyền của họ được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ giúp cho việc xét xử của Tòa án được minh bạch rõ ràng và thuận lợi hơn.

Vấn đề thứ hai, ở Điều 85, trưng cầu, giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo. Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thời gian qua, không ít trường hợp đương sự gửi đến các cơ quan có thẩm quyền những chứng cứ giả mạo, thông tin sai sự thật hoặc là xúc phạm danh dự cá nhân người khác gây phức tạp quá trình xem xét, giải quyết. Nhiều cơ quan điều tra cũng không có đủ cơ sở pháp lý để xử lý những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu cáo, xúc phạm danh dự cá nhân người khác.

Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị cần bổ sung quy định vào hai khoản: ở Khoản 2 là trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiện vi phạm hành chính hoặc tội phạm thì Tòa án chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Như vậy sẽ tạo được cơ hội để cho các cơ quan điều tra không coi là bây giờ chúng tôi không có căn cứ pháp lý, để có thể thực hiện xem xét những trường hợp như vừa rồi tôi đã nêu. Thứ hai là ở Khoản 3, người đưa ra chứng cứ giả mạo phải chịu chi phí giám định và phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác.

Ngoài hai nội dung này, tôi còn một số ý kiến thuộc về kỹ thuật văn bản, tôi sẽ gửi sau. Xin hết.

Các văn bản liên quan