Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt – Vĩnh Phúc

Thứ Tư 14:21 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo lần thứ 4 cho thấy Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu tương đối nghiêm túc, có chọn lọc các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, cũng như các tầng lớp cử tri trên cả nước. Chính vì vậy dự thảo lần này có nhiều tiến bộ so với các dự thảo lần trước, đặc biệt đã quy định về điều kiện khởi kiện vụ hành chính, cá nhân, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa. Không đặt ra các điều kiện về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại ở cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, rồi mới có quyền khởi kiện ra tòa. Ở Điều 102, quy định này không chỉ mở rộng quyền cho người dân mà còn thể hiện sự khách quan, dân chủ hơn trong hoạt động tố tụng hành chính, góp phần bảo đảm cho luật có tính khả thi hơn. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề sau:

Thứ nhất, có thể thấy xuất phát từ tính chất của quan hệ hành chính trong quan hệ tố tụng hành chính, phía Nhà nước bao giờ cũng có lợi thế hơn về quyền lực, quan hệ về khả năng chi phối. Mặc dù dự thảo luật đã đưa ra nguyên tắc các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở Điều 9. Do đó, để thật sự đảm bảo quyền khởi kiện hành chính của người dân trước Tòa án, một trong những vấn đề quan trọng là phải quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự. Đặc biệt là quyền của người khởi kiện, người đã bị vi phạm quyền thông qua các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Quyền của người khởi kiện không chỉ được thể hiện ở nội dung các điều luật, quyền và nghĩa vụ của đương sự ở Điều 48 của dự thảo, quyền nghĩa vụ của nguồ khởi kiện ở Điều 49 của dự thảo, kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính ở Điều 52 mà còn được thể hiện thông qua các quy định về người đại diện, người làm chứng, người giám định. Đặc biệt, quy định về người đại diện, song dự thảo luật chưa thật sự đáp ứng yêu cầu này.

Chẳng hạn, quy định việc thu thập chứng cứ chủ yếu do các bên đương sự thể hiện ở tinh thần của Khoản 1, Điều 48; Khoản 1 và Khoản 2 ở Điều 77 quy định về thủ tục yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ ở Điều 86, có thể thấy quy định kiểu này về cơ bản chỉ phù hợp với bên bị khởi kiện là cơ quan Nhà nước với các lợi thế về quan hệ, hệ thống lưu trữ. Ngoài ra, không ngoại trừ khả năng hợp thức hóa hồ sơ theo hướng có lợi cho mình, bất lợi cho bên khởi kiện. Đối với bên khởi kiên, với mặt bằng dân trí hiện nay, với sự thiếu minh bạch. Không ít khâu trong hoạt động hành chính việc tìm kiếm chứng cứ là một việc không dễ. Ví dụ, trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng với các quy định phức tạp của pháp luật đất đai về trình tự, thủ tục với sự thiếu sự phối kết hợp với các cơ quan Nhà nước trong áp dụng thực thi pháp luật thì việc tìm kiếm, sưu tầm chứng cứ là một việc không ít khó khăn đối với những người dân mà ngay cả đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng chính lý do trên thì việc quy định đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ cũng phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh, chứng cứ cần thu thập; lý do vì sao tự mình không thu thập được; họ tên, địa chỉ của cá nhân; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu trữ chứng cứ cần thu thập đó là không khả thi, có lẽ chỉ phù hợp với một mặt bằng dân trí cao và một nền hành chính phát triển. Do đó đề nghị nghiên cứu quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của người khởi kiện, nghĩa vụ tìm kiếm chứng cứ của Tòa án cho phù hợp hơn và tránh gây bất lợi cho người khởi kiện.

Quy định về vai trò của luật sư với tư cách là người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên đương sự còn mờ nhạt, chưa khẳng định được vai trò của luật sư trong việc hoạt động tố tụng hành chính, điều này là chưa phù hợp, đặc biệt trong điều kiện hiện nay thì yêu cầu dân chủ hóa trong hoạt động tố tụng ngày càng cao trong việc khởi kiện hành chính Nhà nước ta thì chưa phải là tiền lệ và khi mà hầu hết người khởi kiện đều lép vế hơn so với bên bị kiện. Do đó đề nghị cần phải quy định rõ hơn vai trò của luật sư trong tố tụng hành chính ở tại dự thảo luật này.

Quy định về bí mật nhà nước ở một số điều luật như Điều 55, người làm chứng ở Khoản 2 Điều 89, công bố và sử dụng chứng cứ cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người khởi kiện do hiện nay khái niệm bí mật nhà nước đã được không ít cơ quan nhà nước áp dụng tràn lan và cũng có tùy tiện. Do đó cần phải nghiên cứu giới hạn phạm vi bí mật của Nhà nước cho phù hợp với quyền được tiếp cận thông tin của người dân trong điều kiện này.

Thứ hai, có thể thấy quy định quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa mà không cần phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ở tại Điều 102 là rất phù hợp trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên, hầu hết các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật đất đai, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đều quy định người dân chỉ có quyền khởi kiện hành chính khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó để đảm bảo tính khả thi của Luật tố tụng hành chính, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan, cần đồng thời sửa đổi các quy định về quyền khiếu nại, quyền khởi kiện hành chính của các văn bản hiện hành.

Thứ ba, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để đảm bảo tính phù hợp của các quy định trong nội tại bản dự thảo, ví dụ Điều 53 và Điều 54 của dự thảo luật quy định về người đại diện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Do vậy, tại Điều 8 cần bổ sung cụm từ: "người đại diện hợp pháp", "người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự" vào sau cụm từ "và đúng thời hạn cho đương sự". Đồng thời ở Khoản 1, Điều 54 cần bổ sung thêm quyền được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Ở Điều 55 quy định người làm chứng không giới hạn về độ tuổi là phù hợp. Song lại quy định người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về khai báo của mình bồi thường thiệt hại do khai báo sai sự thật, gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác là không phù hợp với người chưa thành niên.

Ở Điểm d, Khoản 2, Điều 56 quy định: người giám định có thể từ chối giám định nếu yêu cầu giám định vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không đủ tài liệu phục vụ cho việc giám định. Song tại Khoản 2, Điều 82 quy định: người giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định thì phải tiến hành giám định theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, dự thảo chưa có quy định về việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện hành chính trong giai đoạn chuyển tiếp, thực hiện Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính khi luật này có hiệu lực. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung này để đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, không gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan