VCCI_Góp ý về cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa xuất nhập khẩu
Kính gửi: Cục Giám sát quản lý về hải quan
Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 2506/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc đề nghị cho ý kiến đối với Danh mục Hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Danh mục), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến sơ bộ[1] như sau:
- Các kiến nghị cải cách chung cho toàn bộ Danh mục
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành là biện pháp quản lý Nhà nước đặc thù trong kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong thời gian qua, hoạt động này nổi lên nhiều bất cập, nhiều điểm “vướng” khiến cho thủ tục hải quan mất nhiều thời gian, chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, công đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và kỳ vọng vào quyết tâm và hành động của Chính phủ và các Bộ ngành trong việc cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu mà Quý Cơ quan tổng hợp (sau đây gọi tắt là Danh mục) đã nhận diện được các hoạt động kiểm tra chuyên ngành cụ thể nào đang thực hiện hiện nay. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành hiệu quả hoạt động rà soát phục vụ cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành như mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Từ Danh mục này, cơ bản có thể thấy những vấn đề bất cập lớn sau đây:
- Nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có Danh mục hàng hóa cụ thể phải kiểm tra). Điều này sẽ gây bất cập trong thực tế triển khai khi các chủ thể áp dụng sẽ khó khăn trong nhận diện các loại hàng hóa phải được kiểm soát;
- Một số biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm còn chưa áp dụng theo cơ chế quản lý mới (trong khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP, văn bản cơ sở cho vấn đề này, đã có những thay đổi căn bản về cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm của các sản phẩm hàng hóa);
- Có sự chồng lấn và thiếu rõ ràng về cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm với hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật;
- Chưa có sự đồng bộ trong quy trình vận hành giữa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành (liên quan tới kiểm tra chất lượng hàng hóa)
Cụ thể, về bản chất, việc kiểm tra chất lượng là việc xem xét hàng hóa nhập khẩu có đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật hoặc các tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa như tuyên bố của doanh nghiệp không. Như vậy, đây chính là hoạt động chứng nhận sự phù hợp mà các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, hoạt động theo quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật, có đủ năng lực để thực hiện. Theo logic này thì việc kiểm tra chất lượng hàng hóa hoàn toàn có thể thực hiện được một cách khách quan thông qua hoạt động kiểm tra và cấp chứng nhận của các tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Như vậy, với các hàng hóa mà chỉ phải kiểm tra chất lượng hàng hóa (không phải kiểm tra vì các mục tiêu khác như an ninh quốc phòng…) thì mục tiêu này có thể thực hiện được thông qua quy trình sau: doanh nghiệp thuê dịch vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp để kiểm tra chất lượng hàng hóa >>> doanh nghiệp được cấp chứng nhận >>> doanh nghiệp xuất trình ngay cho cơ quan hải quan. Quy trình này không cần bất kỳ sự can thiệp nào về chuyên môn hay thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hiện đang theo các quy trình không giống nhau. Cụ thể: (i) Một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành về chất lượng theo quy trình nói trên, trong đó cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành chỉ định các tổ chức chứng nhận sự phù hợp tiến hành kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm và giấy chứng nhận sự phù hợp sẽ là cơ sở để cơ quan hải quan thông quan(ii) Một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành khác có tính chất tương tự, việc kiểm tra vẫn do cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành trực tiếp thực hiện (ví dụ: kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm muối nhập khẩu (mục 96 …).
Do đó, để hoạt động kiểm tra chuyên ngành vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần có những cải cách chung đối với tất cả các lĩnh vực như sau:
- Cần xây dựng các Danh mục hàng hóa cụ thể thuộc diện phải kiểm soát ở từng lĩnh vực; với nguyên tắc áp dụng theo kiểu loại trừ – hàng hóa chưa được nêu cụ thể trong Danh mục nào phải được đương nhiên xuất-nhập khẩu mà không cần làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành;
- Đối với việc kiểm soát về an toàn thực phẩm: Cần thiết kế lại toàn bộ theo quy trình mới theo tại Nghị định 15
- Đối với việc kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật: cần thiết kế quy trình để đảm bảo doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một thủ tục tại một cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Đối với việc kiểm tra chất lượng hàng hóa: Thống nhất chuyển về một quy trình thống nhất, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bởi các tổ chức chứng nhận sự phù hợp (doanh nghiệp tự động thuê dịch vụ của tổ chức này, căn cứ vào loại hàng hóa cụ thể của mình và yêu cầu pháp luật về kiểm tra đối với loại hàng hóa tương ứng; không cần xin giấy tờ gì từ cơ quan quản lý chuyên ngành trước đó); kết quả kiểm tra được doanh nghiệp xuất trình trực tiếp cho cơ quan hải quan (không cần sự can thiệp hay giấy tờ xác nhận kết quả kiểm tra nào của cơ quan quản lý chuyên ngành).
Để quy trình này được khả thi, thuận lợi, cần thực hiện đồng thời cải cách về việc chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp, theo đó: (i) Cần có cơ chế để tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng năng lực chuyên môn đều có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp của các sản phẩm hàng hóa (tránh tình trạng chuyển độc quyền kiểm tra chuyên ngành từ “một cơ quan quản lý chuyên ngành” sang “một/một số tổ chức chứng nhận sự phù hợp”) và (ii) Việc lựa chọn chấp thuận tổ chức chứng nhận sự phù hợp được phép tham gia thẩm định chất lượng hàng hóa trong kiểm tra chuyên ngành bởi Cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành cần được thực hiện dựa trên các tiêu chí khách quan (về năng lực) và không hạn chế số lượng (thay vì tình trạng chỉ định độc quyền hoặc gần như độc quyền một/một số ít tổ chức chứng nhận sự phù hợp như hiện nay).
- Các kiến nghị cải cách đối với các hoạt động kiểm tra chuyên ngành cụ thể
- Về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm
Kiểm tra an toàn thực phẩm là một trong những hoạt động kiểm tra chuyên ngành quan trọng, do ba Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Trong Danh mục, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực này được liệt kê tại các mục 18, 26, 27, 90, 91, 186.
Nghị định 15[2] vừa được ban hành đã có những thay đổi quan trọng trong cơ chế quản lý đối với hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, cụ thể:
- Doanh nghiệp được tự công bố chất lượng sản phẩm (đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm[3]);
- Doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố sản phẩm (đối với Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định[4]);
- Các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm sẽ được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu (trừ các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm)[5];
- Phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu
- Kết quả của kiểm tra an toàn thực phẩm là: Thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu[6];
Các hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm được liệt kê trong Danh mục chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 15, vì vậy cần điều chỉnh lại, ví dụ:
- Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) (mục 19)
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với rượu nhập khẩu (chưa có quy chuẩn kỹ thuật) hiện vẫn theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP, theo đó rượu nhập khẩu phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) trước khi nhập khẩu và phải đáp ứng các quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu” (điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP).
Trong khi đó, theo cơ chế quản lý mới tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì rượu thuộc thực phẩm doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm. Như vậy, sẽ không còn Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do cơ quan Nhà nước cấp mà là Bản tự công bố sản phẩm. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại mục 18 thành “Bản tự công bố sản phẩm”.
Góp ý tương tự, để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định 15, đề nghị điều chỉnh Mục 26, “bản công bố hợp quy hoặc bản công bố phù hợp an toàn thực phẩm đối với thuốc lá điếu, xì gà” thành “Bản tự công bố sản phẩm”.
- Giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 91)
“Giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm” là một trong những thành phần của hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm và kết quả cuối cùng của quá trình này là “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm Đạt/Không đạt yêu cầu nhập khẩu”. Như vậy, việc yêu cầu phải có cả Giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm và Thông báo kết quả ltrong hồ sơ để thông quan hàng hóa là không cần thiết. Do đó, đề nghị bỏ Mục 91 (Giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm).
- Phương thức kiểm tra
Theo quy định tại Nghị định 15 thì việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực hiện theo một trong ba phương thức: kiểm tra giảm; kiểm tra thông thường; kiểm tra chặt.Đối với phương thức kiểm tra thông thường, kiểm tra chặt, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ tiến hành kiểm tra, còn đối với phương thức kiểm tra giảm, cơ quan hải quan sẽ là cơ quan nhận hồ sơ và kiểm tra.
Tuy nhiên, trong Danh mục hiện không có hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan theo phương thức giảm. Do đó, đề nghị bổ sung cơ quan kiểm tra chuyên ngành là cơ quan hải quan trong trường hợp kiểm tra theo phương thức giảm này.
- Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm phải kiểm tra an toàn thực phẩm (Mục 186 của Danh mục)
Theo quy định của Thông tư 52[7] thì kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu sẽ áp dụng đối với cả các thực phẩm đã được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Quy định này không còn phù hợp, bởi Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định “những sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm” sẽ được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (khoản 1 Điều 13). Nghị định 15 cũng quy định các loại sản phẩm phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm (Điều 6), trong đó có nhiều sản phẩm thuộc Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm theo mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư 40[8] – Danh mục sử dụng căn cứ để kiểm tra an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị điều chỉnh lại hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm tại Mục 186 của Danh mục theo hướng loại các sản phẩm thực phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (các đối tượng quy định tại Điều 6 Nghị định 15[9]) ra khỏi nhóm đối tượng phải kiểm tra.
- Về kết quả của hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo quy định tại Nghị định 15 thì kết quả của hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ là “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm Đạt/Không đạt yêu cầu nhập khẩu”. Như vậy, để thông quan thì các doanh nghiệp phải có “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm Đạt yêu cầu nhập khẩu”.
Đề nghị điều chỉnh tên của loại tài liệu này tại Mục 90 của Danh mục: “Thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”
- Cùng một loại hàng hóa nhưng có hai hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Theo quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT[10] thì các hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm nhập khẩu sẽ phải được kiểm tra an toàn thực phẩm. Các loại thực phẩm này được liệt kê trong Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT (Mục 91 của Danh mục).
Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT quy định các loại thực vật nhập khẩu phải được kiểm dịch thực vật. Các loại thực vật này được quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT (Mục 97 của Danh mục).
Đối chiếu Phụ lục 03 và Phụ lục 05 thì có nhiều loại hàng hóa là giống nhau, có chung mã số HS. Như vậy, sẽ có nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc thực vật sẽ phải thực hiện hai lần kiểm tra chuyên ngành: kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, do cùng một cơ quan nhà nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu.
Vì vậy, đề nghị gộp chung hoạt động kiểm soát về kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực vật đối với các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật nhập khẩu làm một để đảm bảo doanh nghiệp chỉ phải thực hiện một thủ tục.
- Một số giấy phép/hoạt động cần xem xét để bãi bỏ
- Xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà (Mục 48 Danh mục)
Theo quy định tại Thông tư 37[11] thì trước khi làm thủ tục nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, thương nhân phải làm thủ tục để có được xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu theo chế độ cấp phép tự động.
Việc duy trì loại giấy phép này là không cần thiết, bởi ít nhất các lý do sau:
- Nếu mục tiêu là quản lý thương nhân nhập khẩu: Cũng theo Thông tư 37 “chỉ thương nhân được Bộ Công Thương chỉ định … mới được phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà” (khoản 2 Điều 5) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) là thương nhân nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà được chỉ định (Điều 6). Như vậy, đối với hoạt động nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà thì ở Việt Nam chỉ có duy nhất VINATABA được phép nhập khẩu, không có thương nhân nào khác được thực hiện hoạt động này. Và bản thân việc chỉ định bởi Bộ Công Thương đã bảo đảm được mục tiêu kiểm soát thương nhân nhập khẩu này;
- Nếu mục tiêu là quản lý việc nhập khẩu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 37 thì hồ sơ gồm: Đơn; Hợp đồng nhập khẩu; Hóa đơn thương mại; Vận đơn hoặc chứng từ vận tải của lô hàng. Thông tư 37 không quy định về các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận/từ chối xác nhận, chỉ quy định “kể từ ngày nhận được đầy đủ, hợp lệ”, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành xác nhận Đơn đăng ký nhập khẩu. Như vậy, đây là thủ tục cấp phép tự động – nghĩa là Bộ Công Thương không quản lý hay hạn chế gì việc nhập khẩu, thương nhân cứ nộp bộ hồ sơ đầy đủ là được cấp phép. Nếu chỉ để xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ, thương nhân thì thủ tục này hoàn toàn có thể thực hiện bởi cơ quan hải quan (mà không cần thiết phải thực hiện ở cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành).
Từ những phân tích trên, đề nghị cân nhắc bỏ giấy phép “xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà” (mục 48).
- Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công Thương phân giao (Mục 66 của Danh mục)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 83[12] thì “trên cơ sở nhu cầu định hướng về xăng dầu nhập khẩu, thực tế tiêu thụ nội địa năm trước liền kề và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan”.
Dựa trên mức giao tối thiểu của Bộ Công Thương, nhu cầu của thị trường thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu quyết định khối lượng xăng dầu nhập khẩu các loại để tiêu thụ tại thị trường trong nước (khoản 4 Điều 33 Nghị định 83) và thực hiện đăng ký hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu với Bộ Công Thương (Điều 34).
Như vậy, có thể hiểu là đối với sản phẩm xăng dầu, Nhà nước quản lý bằng phương thức sử dụng mệnh lệnh hành chính buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu một số lượng xăng dầu tối thiểu hằng năm. Suy đoán mục tiêu của phương thức quản lý này là nhằm “đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội”,
Trên thực tế, phương thức này có thể là thích hợp trong bối cảnh trước đây, khi số lượng đầu mối xăng dầu hạn chế chỉ ở một số ít các doanh nghiệp theo chỉ định của Bộ Công Thương và thị trường luôn hiện hữu nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nếu các doanh nghiệp này cố ý nhập khẩu ít để tạo khan hiếm trên thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi quyền nhập khẩu xăng dầu về nguyên tắc đã được mở cho bất kỳ doanh nghiệp nào đáp ứng các điều kiện để được cấp phép nhập khẩu xăng dầu, và các doanh nghiệp này phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh, lo ngại về tình trạng độc quyền gây thiếu hụt nguồn cung là không thỏa đáng và hoàn toàn không thể là căn cứ để sử dụng biện pháp can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (trong việc xác định số lượng hàng hóa mua vào). Cụ thể:
- Khi thị trường xăng dầu đã được quản lý theo cơ chế mở, vấn đề nguồn cung, nhu cầu của người tiêu dùng thuần túy là vấn đề của thị trường. Nếu nhu cầu của thị trường tăng cao, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xăng dầu với số lượng lớn để đáp ứng và ngược lại. Như vậy, nguồn cung của xăng dầu sẽ dựa vào quy luật của thị trường quyết định;
- Trong trường hợp nhu cầu của thị trường không lớn hoặc lượng xăng dầu đang có trên thị trường nội địa đủ cung ứng được cho thị trường, thì việc doanh nghiệp tiếp tục phải nhập khẩu cho đạt hạn mức nhập khẩu tối thiểu sẽ khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn.
- Về tính minh bạch: Nghị định 83 cũng như Thông tư 38[13] không quy định về các tiêu chí để cơ quan nhà nước quyết định các hạn mức cho thương nhân. Điều này khiến cho quy trình trở nên thiếu minh bạch và tạo ra dư địa cho tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Tất nhiên, trên thực tế số lượng các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu cũng không lớn, do các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 83 là rất cao mà chỉ một số ít thương nhân có tiềm lực tài chính lớn mới có thể tham gia thị trường (điều kiện theo hướng áp đặt quy mô; hệ thống phân phối được thiết kế theo từng cấp bậc (thương nhân nhập khẩu, phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ), tương ứng với mỗi cấp bậc là các điều kiện kinh doanh khá là khắt khe..). Đây cũng sẽ là một trong những nguy cơ thực tiễn khiến cho nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn bởi các thương nhân đầu mối này.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này thì biện pháp quản lý không thể là tiếp tục áp dụng cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp như trước mà phải là (i) giảm bớt các điều kiện kinh doanh để nhiều chủ thể kinh doanh có thể tham gia vào hoạt động nhập khẩu xăng dầu, qua đó đảm bảo nguồn cung trên thị trường và (ii) sử dụng triệt để công cụ quản lý cạnh tranh (pháp luật cạnh tranh) để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp này.
Do vậy, đề nghị bỏ “Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công Thương phân giao” (mục 66).
Góp ý tương tự với “Kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu được Bộ Công Thương xác nhận” (Mục 65).
- Quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển (Mục 79), Hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển (Mục 80), Biên bản giao nhận tàu biển (Mục 81)
Theo quy định tại Nghị định 171[14] thì quy trình mua, đóng mới tàu biển được quy định theo 02 nhóm: đối với dự án mua, bán, đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước thì phải tuân thủ những ràng buộc chặt chẽ về hình thức, quy trình thực hiện mua, đóng mới; đối với dự án sử dụng vốn khác thì doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự quyết định.
Do đó, các tài liệu như “Quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển”, “Hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển”, “Biên bản giao nhận tàu biển” căn cứ để cơ quan hải quan làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 171 chỉ áp dụng cho các trường hợp mua, đóng mới tàu biển sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Vì vậy, cần quy định rõ đối tượng phải cung cấp các loại giấy tờ trên chỉ bao gồm các dự án sử dụng vốn nhà nước (loại trừ các trường hợp sử dụng vốn từ các nguồn khác).
- Chứng thư giám định đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng có mã số HS thuộc chương 84, 85 quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (Mục 146)
Thông tư 23 hiện đang áp dụng cơ chế quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng dựa trên tiêu chí “tuổi” máy móc, thiết bị., theo đó tất cả các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng sẽ phải chịu chung cơ chế quản lý, và tiêu chí để xác định sẽ là “tuổi của thiết bị”.
Trong khi đó, về mặt logic, không phải loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng tiềm ẩn nguy cơ cao tới mức phải kiểm soát bằng cơ chế đặc biệt. Thậm chí với nhiều trường hợp, nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng còn là cơ hội để doanh nghiệp và nền kinh tế tiếp nhận công nghệ tốt với giá hợp lý.
Trên thực tế, việc kiểm soát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng chỉ nên tập trung vào mục tiêu bảo vệ các lợi ích quan trọng như[15] (i) Bảo vệ các lợi ích công cộng như: bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người hay an ninh, quốc phòng (không nhập khẩu máy móc, thiết bị rác, gây nguy hại môi trường…); (ii) Đảm bảo việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, không lãng phí (không nhập khẩu máy móc thiết bị cũ với giá cao, gây thiệt hại cho ngân sách).
Như vậy, không phải bất kỳ máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng cần kiểm soát khi nhập khẩu mà chỉ trong những trường hợp cụ thể có ảnh hưởng tới các mục tiêu/lợi ích nói trên
Do đó, việc phân loại cơ chế quản lý đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng cũng cần được thiết kế theo hướng này, cụ thể:
- Phân loại cơ chế quản lý đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo nguồn gốc vốn sử dụng để mua sắm:
- Đối với trường hợp mua sắm bằng vốn từ ngân sách Nhà nước: Nhà nước cần kiểm soát bằng các điều kiện nhất định để đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng đúng quy định và có hiệu quả;
- Đối với trường hợp mua sắm bằng tiền vốn ngoài ngân sách Nhà nước: Nhà nước không cần kiểm soát mục tiêu “sử dụng vốn hiệu quả” của các hoạt động mua sắm này (bởi hiệu quả hay không hiệu quả thì chủ thể bỏ vốn tự chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng gì tới ngân sách Nhà nước).
- Phân loại cơ chế quản lý theo nguy cơ mà các loại máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có thể gây ra cho các lợi ích công quan trọng:
- Đối với các loại máy móc thiết bị có nguy cơ cao: Cần kiểm soát bằng điều kiện nhập khẩu và áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt nguồn vốn sở hữu vốn của doanh nghiệp (do dù mua sắm bằng nguồn vốn nào thì mức độ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng của các máy móc, thiết bị này là như nhau và đều cần phải kiểm soát).
Chú ý là hình thức kiểm soát tại Thông tư này là tiền kiểm (ngay khi hàng hóa được nhập khẩu về) nhằm đảm bảo tốt hơn các lợi ích công cộng quan trọng chứ không phải là hình thức kiếm soát duy nhất. Trên thực tế, pháp luật hiện hành trong các lĩnh vực chuyên ngành đều đang duy trì nhiều hình thức kiếm soát khác nhằm đảm bảo chất lượng và mức độ an toàn về các lợi ích công cộng của các loại máy móc thiết bị công nghệ (nói chung, không phụ thuộc vào tình trạng sử dụng), trong đó đặc biệt là kiểm soát bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
- Đối với các loại máy móc, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ ngoài Danh mục trên (tức là nguy cơ không lớn): Không cần kiểm soát bằng điều kiện nào. Do việc nhập khẩu các loại này không tạo ra tác động đáng kể nào tới những lợi ích công cộng cần bảo vệ nên doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với việc nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ của mình, hiệu quả thì hưởng, không hiệu quả thì tự mình và chỉ một mình mình chịu, Nhà nước không nên can thiệp.
Từ những phân tích trên, đề xuất ban hành Danh mục các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cần phải kiểm soát (theo tiêu chí nguy cơ cao và tiêu chí vốn sử dụng để mua sắm) và chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với các máy móc, thiết bị trong Danh mục mà thôi.
- Giấy phép nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp (chỉ áp dụng đối với thiết bị sử dụng điện năng) (Mục 160)
Việc duy trì cấp giấy phép nhập khẩu đối với các hàng hóa trong lĩnh vực in như hiện tại là chưa hợp lý, bởi ít nhất các lý do sau:
- Không rõ mục tiêu quản lý Nhà nước:
Điều 27 Nghị định 60[16] xác định các loại thiết bị in phải được cấp phép nhập khẩu mà không có quy định nào về tiêu chí cấp phép đối với các loại máy móc này. Đây không chỉ là sự thiếu minh bạch (dựa vào điều kiện nào để cấp phép) mà còn cho thấy dường như bản thân cơ quan Nhà nước không làm rõ được mình muốn kiểm soát gì thông qua giấy phép này.
Nếu là kiểm soát các máy móc thiết bị in để nhận biết các thông tin về các loại máy móc này, thì các thông tin này hoàn toàn có thể thu thập tại cơ quan hải quan mà không cần phải cấp phép.
Nếu là kiểm soát các máy móc thiết bị in đã qua sử dụng để đảm bảo yếu tố về môi trường, thì đã có cơ chế kiểm soát đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng (như phân tích ở mục d phía trên)
- Việc không quản lý không tạo ra nguy cơ đáng kể nào:
Trước thời điểm Nghị định 60 có hiệu lực (01/11/2014) việc nhập khẩu thiết bị in là tự do (không chịu biện pháp quản lý nhậ khẩu nào đặc thù). Đây cũng là giai đoạn mà hoạt động nhập khẩu phát triển mạnh, đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và góp phần tăng trường ngành in – ngành công nghiệp hỗ trợ hiếm hoi ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Giai đoạn này cũng không chứng kiến nguy cơ nào lớn từ việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị in này.
Từ sau 1/11/2014, với cơ chế quản lý mới, doanh nghiệp phải bỏ ra thêm rất nhiều chi phí tuân thủ, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước cũng không phát hiện ra nguy cơ nào lớn hơn so với trước đây.
Do đó, từ góc độ thực tiễn, không rõ lý do tại sao phải thay đổi phương thức quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in trong khi trước đó việc nhập khẩu “tự do” không tạo ra nguy cơ nào?
Từ những phân tích, đề nghị bỏ “Giấy phép nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp (chỉ áp dụng đối với thiết bị sử dụng điện năng)” (Mục 160).
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Danh mục Hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Ngày 14/5/2018, VCCI nhận được Công văn 2506/TCHQ-GSQL đề nghị góp ý trước ngày 14/5/2018. Thời hạn quá ngắn vì vậy VCCI không thể tiến hành lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội. Những ý kiến tại Công văn này là trên cơ sở nghiên cứu của cán bộ VCCI
[2] Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
[3] Khoản 1 Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP
[4] Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP
[5] Khoản 1 Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP
[6] Khoản 2, 3 Điều 19 Nghị định 15/2018/NĐ-CP
[7] Thông tư 52/2015/TT-BYT ngày 21/12/2015 quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
[8] Thông tư 40/2016/TT-BYT
[9] Điều 6. Đăng ký bản công bố sản phẩm
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm sau đây:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
- Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
[10] Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT
[11] Thông tư 37/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 30/12/2013 quy định nhập khẩu thuốc lá điều, xì gà
[12] Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý xăng dầu
[13] Thông tư 38/2014/TT-BCT
[14] Nghị định 171/2016/NĐ-CP
[15] Quan điểm này được thể hiện trong Công văn số …./PTM-PC của VCCI ngày 02/3/2015 gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ
[16] Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động in