VCCI_Góp ý Đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa của Tổng cục Hải quan
Kính gửi: Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 6374/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
- Về đăng ký sử dụng, thu hồi tài khoản người sử dụng hệ thống trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (Điều 11)
- Cấp tải khoản cho tổ chức chứng nhận sự phù hợp:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo thì các Bộ, ngành “tổng hợp yêu cầu cấp tài khoản của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức được chỉ định thực hiện kiểm tra chuyên ngành và gửi văn bản thông báo đến Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia để được cấp tải khoản”. Quy định được hiểu là tổ chức chứng nhận sự phù hợp muốn có tài khoản trên Cổng thông tin một cửa quốc gia phải thông qua bộ quản lý chuyên ngành. Lý do được giải trình là “các tổ chức đánh giá sự phù hợp do các Bộ công nhận và chỉ định tham gia xử lý thủ tục hành chính. Do vậy, việc cấp tài khoản cần thông qua đầu mối tổng hợp của các Bộ, ngành”.
Liên quan đến quy định trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Việc yêu cầu tổ chức chứng nhận sự phù hợp phải qua hai vòng thủ tục mới được cấp tài khoản tại Cổng thông tin là chưa hợp lý và giải trình trên chưa thuyết phục. Bởi vì, Cổng thông tin hoàn toàn có thể kiểm tra được thông tin khi các tổ chức này đăng ký trực tiếp trên Cổng thông tin dựa vào thông tin công khai của các Bộ quản lý chuyên ngành về các tổ chức chứng nhận sự phù hợp (được cấp phép và chỉ định). Do đó, các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức được chỉ định thực hiện kiểm tra chuyên ngành do các Bộ công nhận và chỉ định tham gia xử lý thủ tục hành chính và vì vậy cần thông qua đầu mối các Bộ tổng hợp là chưa thuyết phục.
- Quy định trên chưa rõ ở cách hiểu:
- Sẽ có hai thủ tục hành chính để tổ chức chứng nhận sự phù hợp có được tài khoản tại Cổng thông tin: (1) tổ chức chứng nhận sự phù hợp “yêu cầu cấp tài khoản” gửi đến Bộ quản lý chuyên ngành và (2) Bộ quản lý chuyên ngành sẽ gửi yêu cầu tới Cổng thông tin (?). Nếu được hiểu theo cách này thì, thủ tục (1) lại không được quy định trong Dự thảo, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, hơn nữa theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính phải quy định ở cấp Nghị định trở lên (khoản 4 Điều 14).
- Các Bộ ngành sẽ chủ động tập hợp danh sách các tổ chức chứng nhận sự phù hợp và yêu cầu cấp tài khoản cho các tổ chức này? Nếu được hiểu theo cách này thì làm thế nào các tổ chức chứng nhận biết mình được cấp tài khoản? Cơ quan nhà nước sẽ chủ động thông báo cho các tổ chức này?
Bên cạnh đó, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo đã đặt ra nhiệm vụ cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với các bộ, ngành: “Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch khuyến khích phát triển thị trường các dịch vụ thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay”. Thời gian qua, một số bộ ngành cũng đã bắt đầu xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Do vậy, có thể dự báo sắp tới số lượng tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức được chỉ định thực hiện kiểm tra chuyên ngành sẽ gia tăng và kèm theo đó là nhu cầu được cấp và sử dụng tài khoản trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia sẽ gia tăng.
Tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức được chỉ định thực hiện kiểm tra chuyên ngành là một trong những chủ thể thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo theo hướng, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chủ động đăng ký tài khoản trực tiếp trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Về quy trình, các bộ, ngành khi ủy quyền/chỉ định cho từng tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức được chỉ định kiểm tra chuyên ngành cần thông báo ngay (bằng hình thức văn bản điện tử) tới Đơn vị quản lý Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Đơn vị quản lý Cổng Thông tin một cửa quốc gia sau khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký tài khoản của Tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức được chỉ định thực hiện kiểm tra chuyên ngành và căn cứ vào thông tin do các bộ, ngành cung cấp về việc ủy quyền/chỉ định để giải quyết theo quy trình tại Khoản 1 Điều 11.
- Khóa tài khoản
Điểm a khoản 5 Điều 11 Dự thảo quy định về thủ tục để khóa tài khoản, trong đó:
- Khóa tài khoản trong trường hợp thông thường: người khai hoặc Bộ, ngành gửi tới Đơn vị quản lý Cổng Thông tin bằng văn bản trước 05 ngày kể từ thời điểm đề nghị khóa tài khoản trong đó nêu rõ thông tin tài khoản, lý do khóa tài khoản, thời điểm đề nghị khóa tài khoản.
Quy định này chưa rõ ở điểm: i) thời điểm khóa: tài khoản sẽ bị khóa ngay khi Đơn vị quản lý Cổng Thông tin nhận đơn đề nghị hay là trong khoảng thời gian bao lâu kể từ khi nhận được văn bản? ii) trong mọi trường hợp, tài khoản sẽ được khóa nếu người khai hoặc Bộ, ngành gửi văn bản yêu cầu? Nếu cần phải có sự xem xét về lý do khóa tài khoản thì những trường hợp nào được khóa, những trường hợp nào không?
- Khóa tài khoản trong trường hợp khẩu cấp ảnh hưởng đến an ninh, an toàn dữ liệu, người sử dụng hệ thống hoặc các Bộ, ngành có thể gửi thông báo về Đơn vị quản lý Cổng Thông tin thông qua hình thức điện thoại hoặc thư điện tử để Đơn vị quản lý Cổng Thông tin kịp thời khóa tài khoản
Quy định này chưa rõ ở điểm: khi gọi điện hoặc gửi thư điện tử đến yêu cầu khóa tài khoản, đối tượng yêu cầu có cần chứng minh mình là chủ tài khoản không? Bởi vì trường hợp này có thể dẫn tới nguy cơ bất kì người nào cũng có thể gọi điện đến để khóa tài khoản của người khác và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ tài khoản.
Để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
- Thu hồi tài khoản
Quy định tại Dự thảo chưa làm rõ được vấn đề:
- Bộ, ngành có quyền yêu cầu thu hồi tài khoản của các doanh nghiệp không hay là chỉ yêu cầu thu hồi các tài khoản do mình yêu cầu lập quy định tại khoản 2, 3 Điều 11 Dự thảo?
- Khi nhận được yêu cầu thu hồi tài khoản, Đơn vị quản lý Cổng Thông tin có xem xét các lý do đề nghị thu hồi để quyết định thu hồi tài khoản không? Nếu có thì những lý do nào sẽ thu hồi tài khoản?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên để đảm bảo minh bạch trong quy định.
- Hồ sơ hành chính (Điều 14)
- Về phương thức thực hiện thủ tục hành chính
Khoản 4 Điều 14 Dự thảo quy định “trường hợp thủ tục hành chính theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chưa cho phép sử dụng chứng tử điện tử đối với một số chứng từ cụ thể hoặc trong trường hợp hệ thống gặp sự cố thì chứng từ giấy được nộp để thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia phải tuân thủ quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về hình thức, nội dung, phương thức nộp, xuất trình”.
Theo quy định này thì hồ sơ hành chính trong trường hợp này này sẽ được thực hiện theo phương thức thông thường – tức là hồ sơ giấy, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì đơn vị tiếp nhận hồ sơ hành chính này là các cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, còn trường hợp này đang là thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, như vậy các chủ thể sẽ phải nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước nào? Hay là quay trở lại thực hiện theo phương thức truyền thống?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
- Về tính đồng bộ
Theo nội dung của Tờ trình thì “Cơ chế một cửa quốc gia đã được chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đã kết nối chính thức 11/14 Bộ, ngành liên quan tính đến tháng 7/2017; có 47/245 thủ tục hành chính được triển khai tính đến 31/3/2018[1]”. Có thể thấy, số lượng thủ tục hành chính được kết nối thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là khá ít (chưa đến 20%). Trên thực tế, trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia, số thủ tục thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử là rất ít (chỉ có Thủ tục khai báo hóa chất), số còn lại thì vẫn diễn ra tình trạng bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, thì các doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.
Dự thảo xác định hai trường hợp nộp các chứng từ điện tử trong hồ sơ hành chính trong đó có trường hợp nộp hồ sơ giấy. Điều này được hiểu nhằm phù hợp với thực tế, không phải trường hợp nào tài liệu cũng nộp bằng phương thức điện tử theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, cần thúc đẩy các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định theo hướng cho phép nộp các tài liệu trong hồ sơ hành chính bằng phương thức điện tử. Điều này sẽ khiến cho thủ tục hành chính thực hiện ở Cổng Thông tin một cửa quốc gia có ý nghĩa. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên ngành rà soát các văn bản pháp luật liên quan để quy định theo hướng các tài liệu có thể nộp theo phương thức điện tử, cũng như đặt lộ trình cho việc chuyển đổi sang phương thức điện tử trong việc thực hiện các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia.
- Tiếp nhận và xử lý các vướng mắc của người sử dụng hệ thống
Góp ý đối với dự thảo Nghị định ngày 10/05/2018, VCCI đã có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung vai trò chủ trì của Bộ Tài chính, thiếu cơ chế theo dõi công tác giải quyết vướng mắc đối với các Bộ, ngành trong việc xử lý vướng mắc liên quan đến người khai. Bộ Tài chính có giải trình: tại điểm e, khoản 4, Điều 17 đã quy định rõ Tổng cục Hải quan là đơn vị đầu mối tiếp nhận vướng mắc và tham vấn các Bộ, ngành trong trường hợp cần thiết để phản hồi, hướng dẫn cho người khai.
Tuy nhiên, Điều 10 Dự thảo về trách nhiệm của các Bộ, ngành lại chưa nêu trách nhiệm trên. Ngoài ra, Điều 16 Dự thảo có nêu các vướng mắc được phản ánh trực tiếp tới bộ phận hỗ trợ của Bộ ngành đối với các vướng mắc thuộc phạm vi, chức năng của Bộ, ngành mình còn đối với vướng mắc cần xử lý liên ngành, vượt phạm vi xử lý của Bộ, ngành thì gửi tới bộ phận hỗ trợ của Tổng cục Hải quan. Lưu ý rằng Điều 7 Dự thảo cũng chưa nêu được trách nhiệm của Đơn vị quản lý cổng trong việc tiếp nhận và xử lý vướng mắc.
Như vậy, Dự thảo vẫn chưa quy định rõ ràng cơ chế theo dõi giải quyết đối với việc xử lý vướng mắc liên quan đến người khai. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ tiếp nhận tất cả các vướng mắc và theo dõi việc giải quyết của các Bộ, ngành đối với các vướng mắc của người khai.
- Trách nhiệm của các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành (Điều 28)
- Ban hành Danh mục hàng hóa đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan
Khoản 1 Điều 28 Dự thảo quy định cụ thể các loại Danh mục về kiểm dịch động vật, thực vật, thủy sản, an toàn thực phẩm, văn hóa và giao cụ thể cho các Bộ về việc ban hành Danh mục. Trong khi đó các vấn đề còn lại thì lại quy định theo hướng chung chung “các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa kiểm tra chất lượng; kiểm tra tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và kiểm tra chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành”. Điều này khiến cho quy định trở nên thiếu nhất quán. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các Danh mục hàng hóa sẽ là đối tượng kiểm tra chuyên ngành và trách nhiệm của các Bộ cụ thể trong việc ban hành các Danh mục này.
- Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lĩnh vực kiểm dịch thực vật có sự chồng lấn về đối tượng kiểm tra, có nghĩa cùng một loại hàng hóa, phải thực hiện hai lần kiểm tra chuyên ngành: an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật do một cơ quan tiến hành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Điều này là chưa hợp lý và tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo quy định nguyên tắc xử lý cho trường hợp một loại hàng hóa nhưng phải kiểm tra chuyên ngành ở nhiều nhóm vấn đề thì cần phải có sự phối hợp để đảm bảo doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành một lần.
- Quy định chuyển tiếp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Dự thảo thì “từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2019 hàng hóa thuộc Danh mục kiểm tra chuyên ngành trước thông quan được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định này”.
Khoản 4 Điều 21 quy định “Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan được kiểm soát theo từng thời kỳ, do Bộ, Ngành xây dựng và công bố trên Cổng thông tin thương mại Việt Nam”. Theo quy định này thì, Bộ, Ngành sẽ có toàn quyền quyết định việc xác định thời kỳ các hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.
Kết hợp hai quy định trên có thể thấy, thời hạn hàng hóa kiểm tra chuyên ngành áp dụng theo quy định tại Nghị định này bị kéo dài, vì các Bộ có thể xác định thời kỳ kiểm tra chuyên ngành dài hạn, do đó mục tiêu, ý nghĩa khi quy định về các thủ tục hành chính thực hiện ở Cổng thông tin một cửa quốc gia trở nên ít ý nghĩa. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định này” trong quy định tại khoản 1 Điều 43 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Trang 3 Tờ trình