Rộng đường cho dân khởi kiện

Thứ Tư 10:26 23-06-2010

Quốc hội thảo luận về Luật Tố tụng hành chính:
Rộng đường cho dân khởi kiện

 

 

(LĐ) - Sáng 18.6, Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính. Nếu được ban hành thì đây sẽ là bộ luật hết sức rộng đường cho người dân khởi kiện chính quyền. 

Đây là lần đầu tiên Quốc hội xây dựng một luật quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính như: Trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính...

Cần mở rộng quyền cho người dân

Nói về tình trạng người dân vẫn còn ít lựa chọn hình thức khởi kiện các quyết định hành chính ra toà, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu bằng chứng: “Tại các phòng tiếp công dân, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo luôn ở tình trạng quá tải cho việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính, thế nhưng cả năm 2009, lượng án hành chính được toà án các cấp đưa ra xét xử chỉ có khoảng 1.300 vụ trên tổng số 265.000 vụ án các loại”.

Lý giải về điều này, ĐB Trần Thị Phương Hoa cho rằng: “Nguyên nhân chính là do người dân chưa thực sự tin tưởng việc giải quyết của toà án, việc thi hành án hành chính chưa được quy định cụ thể nên người dân thường lựa chọn con đường khiếu nại thay vì khởi kiện tại toà án”.

Từ lập luận đó, ĐB Hoa cho rằng luật không nên giới hạn một số lĩnh vực bắt buộc qua thủ tục giải quyết khiếu nại, mà hãy để người dân có quyền kiện thẳng ra toà.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Đăng Trừng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh và nhiều ĐB khác cũng ủng hộ ý kiến tổ chức, cá nhân khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ngay vụ án hành chính tại toà án.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga thì cho rằng, quy định có những việc phải thông qua giải quyết khiếu nại trước rồi mới được kiện ra toà là bất hợp lý và hạn chế quyền lựa chọn của người dân đối với việc chọn phương thức giải quyết hoàn toàn theo thủ tục tố tụng tư pháp.


Bỏ quên quyền khởi kiện của viên chức?

Quan tâm đến một bộ phận không nhỏ luôn phải chịu sự điều chỉnh bởi các quyết định hành chính, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH Ngô Đức Mạnh đặt câu hỏi: “Trường hợp viên chức có khiếu nại về quyết định của cơ quan sự nghiệp mà không phải cơ quan hành chính nhà nước thì có quyền khởi kiện không, khởi kiện vào đâu?”. Từ đó, ĐB Mạnh đề nghị luật cần mở rộng quy định viên chức có thể khởi kiện với các quyết định của chính cơ quan sự nghiệp mà họ đang làm việc.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng, hiện nay có mấy loại cán bộ công chức có thẩm quyền thực hiện hành vi hành chính và có quyết định hành chính, nhưng không phải ở cơ quan nhà nước, cũng không phải ở cơ quan hành chính nhà nước, đó là các cơ quan sự nghiệp. Họ cũng được giao một số hành vi hành chính, có thẩm quyền ra một số quyết định hành chính, nếu dự thảo luật chỉ bó khung lại là chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước thì tôi cho rằng chưa đủ, mà luật cần nghiên cứu thêm.

Cần có cơ chế giải quyết án oan đã hết thời hiệu kháng nghị

Vấn đề giải quyết vướng mắc khi phát hiện sai lầm của bản án quyết định có hiệu lực pháp luật, nhưng đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và trường hợp phát hiện sai lầm của quyết định giám đốc thẩm của HĐTP  TANDTC cũng đã được rất nhiều ĐB quan tâm góp ý kiến.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga phát biểu: “Đã đến lúc chúng ta không thể tiếp tục trả lời người dân là tuy Nhà nước thấy sai rồi, nhưng không thể sửa được do luật không cho phép. Các luật về tố tụng của chúng ta trong thời gian qua đã được sửa đổi rất nhiều lần, nhưng chưa lần nào giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo và dứt điểm”. ĐB Nga cũng đã dẫn chứng ra 2 vụ án oan hết sức đau lòng, nhưng hết thời hiệu kháng nghị để bày tỏ quan điểm cần phải có cơ chế để Quốc hội giao quyền cho HĐTP xem xét đề nghị Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị xét xử lại bản án và vẫn đảm bảo cơ chế TANDTC vẫn là cơ quan xét xử cao nhất.

Thống nhất với quan điểm này, ĐB  Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cũng cho rằng, việc trao thẩm quyền xem xét vụ án cho Chủ tịch Nước là không hợp lý vì sẽ trái với Hiến pháp. ĐB Vũ Hồng Anh đề nghị thủ tục xem xét các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng cần phải được quy định ngay trong dự thảo luật này và  hoàn toàn thuộc thẩm quyền của QH và cũng không trái với quy định của Hiến pháp hiện hành. 

Chí Tùng -Lao Động số 139 Ngày 19/06/2010 

 

Các văn bản liên quan