Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Ba – Đồng Nai

Thứ Ba 11:12 22-06-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Về tham gia ý kiến đối với Luật tố tụng hành chính, quan điểm của cá nhân tôi cũng trùng với quan điểm đa số của Ủy ban Tư pháp đã được báo cáo tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tuy nhiên, tại phiên họp này, tôi xin phép được phát biểu thêm một số vấn đề để làm rõ thêm:

Vấn đề thứ nhất, về quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại hoặc khiếu kiện ra tòa án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định tại Điều 2 của dự thảo luật, có mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, trong dự thảo luật quy định quyết định hành chính hoặc là hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện v.v... Ở đây, chúng tôi muốn phân tích ở 2 điểm:

Điểm thứ nhất, cơ quan hành chính Nhà nước có bao trùm hết các loại hành vi và quyết định hành chính của những người có thẩm quyền mà họ thực hiện nhiệm vụ ra quyết định hành chính và có hành vi hành chính hay không? Tôi cũng đồng nhất với ý kiến một số quan điểm các đồng chí đã phát biểu trước, tức là không chỉ có cơ quan hành chính Nhà nước mà ở trong Nhà nước ta đã có mấy loại cơ quan. Thứ nhất, cơ quan Nhà nước gồm có Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đây là những cơ quan Nhà nước. Còn cơ quan hành chính Nhà nước thì đã rõ, tôi không phân tích thêm.

Nhưng ngoài ra, hiện nay cũng có mấy loại cán bộ công chức có thẩm quyền thực hiện hành vi hành chính và có quyết định hành chính nhưng không phải ở cơ quan Nhà nước cũng không phải ở cơ quan hành chính Nhà nước, đó là các cơ quan sự nghiệp. Theo quan điểm chúng ta tổ chức các cơ quan sự nghiệp, nhưng giao một số hành vi hành chính cũng như có thẩm quyền ra một số quyết định hành chính, nếu dự thảo luật chỉ bó khung lại là chỉ có các cơ quan hành chính Nhà nước thì tôi cho rằng chưa đủ, ngoài ra có một đối tượng nữa đó là các tổ chức chính trị, chính trị xã hội có thuộc trong đối tượng điều chỉnh này không vì theo Luật Công chức thì rõ ràng các cơ quan này người đứng đầu, người có thẩm quyền cũng có quyền ra quyết định hành chính. Đây cũng là vấn đề Ban soạn thảo cũng cần phải cân nhắc thêm để thực hiện cho đầy đủ.

Vấn đề thứ hai, ở đây không chỉ nói rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính bằng văn bản hoặc một hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước mà còn nói là của người có thẩm quyền, như vậy chúng ta được hiểu rằng quyết định hành vi hành chính không phải chỉ có Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hay Bộ trưởng hay Thủ trưởng các đơn vị, mà còn có những người có thẩm quyền được giao một số nhiệm vụ ở các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện nhiệm vụ này. Như ý kiến đồng chí Trần Đình Nhã đã phát biểu, chúng tôi nghĩ rằng dự thảo luật này cũng đã bao gồm quyết định hành chính và hành vi hành chính như đồng chí đã nêu.

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi phát biểu thêm đó là khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 25. Điều 25 có quy định về quyết định và hành vi hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án giải quyết. Ở đây quy định theo phương án loại trừ. Về đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội hầu như đều tán thành phương án này. Nhưng tôi muốn phát biểu thêm ở chỗ là các quyết định tức là trừ quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định, thì ở đây là một vấn đề mà tôi nghĩ rằng ở đây quy định mang tính chất loại trừ, như vậy có nghĩa rằng là các quyết định thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và ngoại giao thì cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, nó là những quyết định nào, hành vi nào mà không thuộc thẩm quyền giám sát của tòa án thì chúng ta còn phải chờ Chính phủ quy định. Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp thì chúng tôi có đề nghị nên loại trừ theo nguyên tắc tức là phải xác định thật cụ thể và những quyết định hành vi đó nó thuộc những trường hợp thật đặc biệt. Ở đây thật đặc biệt theo quan điểm chúng tôi đó là những vấn đề nó thuộc loại việc mà an ninh quốc gia, tức là bí mật an ninh quốc gia. Tức là những trường hợp mà quyết định hành chính và hành vi hành chính mà thuộc lĩnh vực mà phải bảo vệ vì nó là bí mật an ninh quốc gia, tôi nghĩ mới không giao cho tòa án giải quyết. Còn lại phải giao cho tòa án giải quyến tất cả, như thế thì nó mới đảm bảo hơn.

Một vấn đề thứ hai nữa là các hành vi, hành chính mang tính nội bộ của cơ quan Nhà nước. Ở đây mang tính nội bộ cơ quan Nhà nước nhưng mà chúng ta cũng không nói, như thế rõ ràng chúng ta vẫn phải chờ quy định của Chính phủ. Theo tôi việc quyết định hành chính và hành vi hành chính mà thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao thì nên giao cho Chính phủ quy định thì hợp lý, vì cái này không phải chỉ có nước ta mới có, mà một số nước trên thế giới họ cũng đều có quy định các lĩnh vực thuộc về loại bí mật quốc gia người ta không giao cho tòa án giải quyết, điều đó là phù hợp. Nhưng hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính Nhà nước, tôi nghĩ việc này cũng không có gì là bí mật, cho nên việc này phải được xác định thật cụ thể, nếu không đưa vào trong điều luật này được thì ở Điều 2, giải thích từ ngữ phải nói rõ hành vi hành chính mang tính nội bộ gồm những hành vi như thế nào. Tôi đề nghị nên xem xét vấn đề đó.

Về vấn đề thẩm quyền giải quyết, tôi nghĩ rằng có liên quan đến điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, nếu như ở Điều 25 chúng ta quy định về khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo hướng loại trừ, có nghĩa là chúng ta mở rộng, tạo điều kiện cho người dân có thể tự lựa chọn để khiếu kiện ra tòa rộng hơn so với quy định trước đây. Nhưng nếu ở điều quy định về điều kiện khởi kiện ở tòa mà chúng ta lai bó lại thì có nghĩa là quy định ở Điều 25 không còn có ý nghĩa nữa. Vì ở Điều 25 chúng ta quy định thẩm quyền giải quyết rất rộng, tức là chỉ loại trừ một số việc như tôi đã phân tích, theo quan điểm của tôi chỉ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Như vậy điều kiện chúng ta quy định người dân muốn kiện ra tòa thì phải khiếu nại hành chính trước rồi mới kiện ra tòa, như vậy vô hình chung chúng ta lại bó lại và người dân muốn đến được tòa thì phải đi một đường vòng rất xa, tức là phải qua khiếu kiện. Một số lĩnh vực như trong dự án này xác định là "có tính chất chuyên môn sâu" hay là gì. Tôi cho như thế không cần thiết, chúng ta nên mở rộng cho phù hợp.

Thứ nhất là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49.

Thứ hai là phù hợp tinh thần chúng ta đã cam kết với các Tổ chức thương mại thế giới.

Thứ ba là phù hợp với điều kiện chúng ta cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian sắp tới. Đấy là những vấn đề liên quan đến những thẩm quyền.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi muốn nói ở đây là điều kiện khởi kiện về quyết định hành chính, nếu như chúng ta quy định như dự thảo luật đã nêu thì có những khó khăn nhất định. Như chúng ta đã biết các đồng chí phát biểu nhiều về việc nếu quy định như thế thì việc sẽ dồn sang tòa và như thế liệu tòa án có giải quyết được hết không, có quá tải đối với tòa án không? Theo tôi nghĩ chuyện này không phải như thế. Không phải khi chúng ta quy định điều kiện như thế mà tất cả người dân đều ra tòa hết và người ta có thể lựa chọn nhưng sự lựa chọn đó phải hoàn toàn theo tinh thần tự do dân chủ chứ không phải chúng ta bắt buộc họ đi đường vòng. Nhưng người ta có chọn ngay ra tòa hay không thì đây cũng là một vấn đề, Chúng tôi thấy rằng qua thực tiễn theo dõi thì không phải người dân muốn ra tòa ngay đâu, vì nếu đi bằng con đường hành chính trước thì như vậy con đường còn dài. Và nếu ở cơ quan hành chính bác yêu cầu của họ thì họ còn có cơ may kiện ra tòa nữa. Như vậy cũng không phải là khi chúng ta mở rộng điều kiện mà người dân sẽ dồn hết đơn khiếu nại, khởi kiện của họ ra tòa. Cho nên chúng tôi cho rằng chúng ta yên tâm không sợ tòa án quá tải. Nhưng nếu mở được ra như vậy với điều kiện chúng ta nâng năng lực và hiệu quả của hoạt động xét xử của Tòa án tôi nghĩ rằng đây là một việc làm rất tốt bởi vì nếu được Tòa án giải quyết thì đây là một cơ quan giải quyết khiếu kiện chuyên nghiệp, còn như hiện nay Chính phủ đã không thành lập cơ quan tài phán hành chính vì rõ ràng trong điều kiện các cơ quan hành chính hiện nay không có người giải quyết khiếu kiện chuyên nghiệp. Ví dụ hiện nay Ủy ban nhân dân có ai giúp cho đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân để giải quyết việc này, chúng ta thấy rằng không có cơ quan chuyên nghiệp, có thanh tra giúp, nhưng không phải tất cả là thanh tra, cho nên tôi nghĩ con đường ra tòa là con đường dân chủ và chuyên nghiệp nhất và với điều kiện là tòa án độc lập với chất lượng, với dịch vụ của tòa án được nâng lên thì tôi hy vọng rằng con đường này là con đường tiến bộ và tốt nhất cho người dân. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan