Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Long – Đắc Lắk

Thứ Ba 11:12 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia vào một số vấn đề như sau:

Trước hết, nói về thẩm quyền điều kiện để khởi kiện ra Tòa án. Theo Điều 25 tôi nhất trí với phân tích của đồng chí Lê Thị Thu Ba, tôi không nói lại, tôi chỉ nói thêm mấy ý. Tôi nhất trí cao với phương pháp loại trừ, nhưng không phải trừ tất cả từ quyết định hành chính, hành vi hành chính, còn riêng về đối tượng loại trừ ghi trong Điều 25 tôi cho là không phù hợp, chỉ ghi loại trừ là loại trừ những vấn đề thuộc về an ninh quốc gia. Bây giờ cũng có thể một cơ quan hành chính, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố nhưng nó cũng là vấn đề an ninh quốc gia, không riêng gì quốc phòng, ngoại giao hay công an là an ninh quốc gia. Ví dụ, phòng cháy chữa cháy, cảnh sát giao thông, hay vấn đề quan hệ khác. Tôi nghĩ cách loại trừ như thế không được.

Liên quan đến Điều 25 nó gắn với Điều 67. Tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo xem cho kỹ. Khi làm Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng bằng phương pháp loại trừ này chúng ta đưa hết tất cả các đối tượng mà nếu như bị khiếu nại, bị kiện thì đều phải bồi thường. Cuối cùng không giải quyết được, rồi Quốc hội cũng quy định một số lĩnh vực trong lĩnh vực hành chính. Tôi nói về hành vi hành chính thì chúng ta không thể tưởng tượng được nó là bao nhiêu, mà ghi ra cũng không thể ghi ra đầy đủ. Do đó cho nên cuối cùng Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước phải chọn một số lĩnh vực về hành chính để có thể bồi thường. Lần này chúng ta đưa hết ra, đưa tất cả các hành vi hành chính, đặc biệt là những hành vi không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức. Ví dụ, từ vấn đề hộ tịch, hộ khẩu cho đến vấn đề quyền đăng ký kinh doanh, vấn đề giấy phép xây dựng nhà, vấn đề quyền sở hữu nhà ở hoặc quyền sử dụng đất đai, người ta có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước phải cấp, phải giải quyết cho họ, nhưng không giải quyết mà gây cho họ biết bao nhiêu thiệt hại. Chẳng hạn không cấp giấy phép kinh doanh hoặc không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã gây cho họ bao nhiêu khó khăn thì chúng ta không tưởng tượng được bao nhiêu thứ kiện. Chính vì thế, cho nên tôi nghĩ rằng phương pháp loại trừ là tốt, nhưng cách loại trừ của Điều 25 này nó chưa hợp lý.

Còn riêng về hành vi hành chính theo tôi là phải có giới hạn. Nếu như loại trừ thì hành vi hành chính không thể giải quyết được. Gắn với Điều 67 là điều kiện khởi kiện thì tôi nhất trí với ý kiến đồng chí Lê Thị Nga là hành vi hành chính bị khởi kiện được quy định trong luật này thì khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu cơ quan Nhà nước giải quyết mà không giải quyết theo thời hạn pháp luật quy định thì họ có quyền khởi kiện ra Tòa, không cần phải khiếu nại. Ở đây tôi muốn nói hành vi là tất cả những quyền được yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giải quyết thì khó quy định cụ thể, tức là không phải dùng phương pháp loại trừ mà phải là liệt kê, tối thiểu là những quyền cơ bản của công dân và những quyền thiết yếu hàng ngày của công dân, chúng ta có thể lọc ra được.

Quyết định hành chính thì tôi nghĩ rằng phương pháp loại trừ là được, hễ có quyết định là xác định được đối tượng thì phải xem xét, nhưng hành vi thì nó hơi phức tạp. Việc giải quyết các vụ án hành chính này nó liên quan đến việc bồi thường và trách nhiệm bồi thường thì trong luật này chúng ta chỉ quy định một điều là Điều 5 chúng ta quy định áp dụng theo Luật trách nhiệm bồi thường để giải quyết những vấn đề liên quan. Theo tôi, quy định như vậy là chưa đầy đủ lắm mà phải quy định cụ thể hơn là trách nhiệm của cơ quan tòa án giải quyết vụ án hành chính là phải giải quyết vấn đề bồi thường theo trình tự thủ tục và theo quy định của luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để cho nó chặt chẽ.

Liên quan đến Điều 26, thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện. Tôi đề nghị thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện là chúng ta quy định rộng hơn theo hướng 2 cấp xét xử. Tất cả các vụ việc sơ thẩm thì đều là tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết. Còn lại những vấn đề cần thiết thì tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên giải quyết, để sau này chúng ta không phải bận công việc tăng thêm thẩm quyền nữa. Tôi cho đấy là vấn đề phù hợp. Có thể một số vấn đề liên quan đến vấn đề đối ngoại hay là quốc tế có thể giao cho tòa án cấp tỉnh thì phù hợp hơn. Còn hiện tại chúng ta ghi quy định như Điều 26 thì chưa phù hợp. Giả thiết mà không được như ý kiến của tôi vừa nêu trên thì những quyết định của cấp sở, giám đốc sở, của đơn vị thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng nên giao cho tòa án cấp huyện, cấp quận để giải quyết.

Về vấn đề thi hành bản án và quyết định của tòa án tôi đề nghị phải quy định chặt chẽ hơn, chứ chỉ dừng lại ở Điều 159 thì tôi cho là không đủ. Ở đây, ít nhất thì cũng phải quy định trình tự thủ tục thi hành bản án và quyết định hành chính trong đấy có loại ra loại nào về tài sản, trách nhiệm về dân sự thì giao cho cơ quan thi hành án dân sự. Còn những vấn đề khác phải giao cho cơ quan có thẩm quyền nào đó để tổ chức thi hành các quyết định đó. Đặc biệt là vấn đề sửa đổi các quyết định, bãi bỏ các quyết định hoặc là khắc phục những yêu cầu của bản án mà quyết định đã ghi và cuối cùng cũng phải quy định về vấn đề biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định bản án hành chính chứ không thể là không cưỡng chế. Nếu không thì tòa án cứ tuyên ra để đó rồi cơ quan có thẩm quyền cũng để im đó và không có biện pháp thì nó là không nên.

Về điều khoản thi hành tôi đề nghị liên quan đến vấn đề thi hành mà quyết định toà án tôi đề nghị lần này sửa luôn tất cả các quy định có liên quan mà hiện nay còn chồng chéo ở Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo và Luật bồi thường nhà nước, để cho nó thống nhất với Luật tố tụng hành chính này, mặc dầu chúng ta biết rằng những luật đó đều có chương trình sửa đổi trong tương lai, nhưng lần này tôi nghĩ cứ phải sửa cho nó chắc và nó thống nhất. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan