Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Sơn – Quảng Ngãi

Thứ Ba 11:11 22-06-2010

Kính thưa Chủ tạo cuộc họp,

Kính thưa Quốc hội, qua ý kiến của một số đại biểu đã phát biểu tôi cũng hết sức thống nhất theo gợi ý 7 vấn đề mà Đoàn thư ký đã gợi ý thảo luận. Tôi xin quan tâm đến một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết của tòa án hành chính, nhiều đại biểu phát biểu và rất quan tâm cũng cho rằng tại sao lâu nay thì loại việc hành chính này không được giải quyết nhiều ở tòa án hành chính, có phải do thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người dân hay không. Quan điểm chúng tôi thấy rằng do Pháp lệnh thủ tục giải quyết hành chính của chúng ta quy định trình tự khởi kiện ra tòa án hành chính có thể quá rườm rà, phải qua một thủ tục yêu cầu giải quyết lần đầu. Bắt nguồi từ giải quyết lầu đầu đó gây nhiều khó khăn, chính vì vậy đơn khiếu kiện lên tòa án là rất ít. Từ đó tôi thống nhất với dự thảo và thống nhất một số các ý kiến đã phát biểu trước là không giới hạn mà mở rộng thẩm quyền, càng nhiều càng tốt như đại biểu Nhã đã phát biểu và một số ý kiến các đồng chí đã phát biểu trước.

Tôi thấy rằng mở rộng thẩm quyền giải quyết đối với tất cả các vụ việc hành chính, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như là Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp đã khẳng định và phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ chính trị, phù hợp với các luật khác mà lây nay chúng ta đã có áp dụng.

Còn một điều mà đại biểu Trừng đã đặt vấn đề nếu mà chúng ta mở rộng thẩm quyền như vậy thì liệu rằng các tòa án có quá tải hay không? Chỗ này tôi rất đồng ý với ý kiến của đại biểu Nhã ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đúng ra trong Báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo là phải nêu cho được lâu nay những loại việc mà cơ quan hành chính giải quyết là bao nhiêu mà nếu Bộ luật này thông qua thì sự việc, loại việc phải chuyển sang Tòa án là có bao nhiêu để chúng ta tính toán khả năng giải quyết của Tòa án như thế nào. Hiện nay việc giải quyết án hành chính ở Tòa án các cấp là coi trọng do điều kiện quy định ở các pháp lệnh. Nhưng nếu chúng ta nắm được toàn bộ đánh giá tác động này mà đưa vào tại Hội trường chúng ta thảo luận thì làm cơ sở để cho các đại biểu chúng ta phát biểu thống nhất nó dễ hơn. Bởi vì hiện nay cũng không biết là Bộ luật này ra đời đi vào thực hiện có hiệu lực thì không biết dồn sang Tòa hành chính là bao nhiêu vụ việc. Tôi đề nghị cũng nên có thông tin này đến với các đại biểu Quốc hội. Đó là ý kiến thứ nhất.

Ý kiến thứ hai về cơ chế xử lý đối với bản án quyết định của tòa án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng, nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhưng phát hiện ra có sai lầm. Vấn đề này, báo cáo Quốc hội, đây là một vấn đề hết sức gây bức xúc trong nhân dân hiện nay. Bởi vì chúng ta quy định cấp xét xử là 2 cấp xét xử, lâu nay chúng ta vẫn làm như thế và Bộ luật tố dụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các Bộ luật khác cũng vậy. Nhưng tôi nghĩ xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay, nếu chúng ta đã thấy vấn đề sai rồi mà không sửa thì tôi cũng thống nhất với một số ý kiến trước là làm mất lòng tin của người dân. Tôi nghĩ rằng nó vậy thôi, không ai, không có một cấp nào mà làm 100, 1000 việc lại không có việc sai, quan trọng là chúng ta thấy sai và có sửa sai được hay không? Còn nếu sai mà không sửa sai được thì tôi cho rằng người dân không tin. Dân không tin cơ quan pháp luật, không tin vào cơ quan Đảng, chính quyền thì không biết nói gì với dân như thế này.

Tôi nghĩ nên có quy định một cơ chế đặc biệt để xem xét lại trong các trường hợp này. Như vậy trong này có 2 việc thôi:

Một là hết thời hạn kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm.

Hai là án giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đã có hiệu lực pháp luật mà có sai sót. Tôi nghĩ đối với hết thời hạn là trách nhiệm chủ quan của ngành tòa án. Còn trong trường hợp án có hiệu lực pháp luật mà sai, tôi cho rằng nó có những lý do khác nhau. Hiện nay pháp luật của chúng ta quy định cũng rất nhiều việc chồng chéo, do vậy việc dẫn đến sai sót cũng không tránh khỏi.

Tôi đề nghị nên có một cơ chế đặc biệt để giải quyết những loại sai sót này. Tất nhiên phải quy định một cách hết sức chặt chẽ trong trường hợp nào, thậm chí trong trường hợp này nếu kháng nghị những loại việc này thì phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thật nghiêm chỉnh. Ví dụ như thế. Tôi tin rằng sắp tới đây cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là chúng ta sẽ thành lập tòa án tự thẩm thì giải quyết phần lớn là án giám đốc thẩm ở chỗ này rồi. Còn lại một số vấn đề quan trọng hơn là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét. Tôi cho rằng cần có một quy định thế này thì tôi thống nhất theo ý kiến như thế.

Vấn đề tiếp theo mà luật này chưa đặt vấn đề. Đó là có điều luật chuyển tiếp. Báo cáo với Quốc hội là lâu nay trong thực hiện giải quyết vụ việc hành chính theo pháp lệnh. Nhưng nếu không quy định điều luật trực tiếp thì đến khi bộ luật này có hiệu lực pháp luật thì những vụ án nào đã giải quyết có hiệu lực pháp luật rồi thì không có vấn đề gì. Nhưng một số vụ án còn đang giải quyết theo Pháp lệnh cũ thì Bộ luật tố tụng hành chính này giải quyết thế nào. Theo tôi, đây là một điều hết sức vướng. Một là có điều luật quy định cụ thể. Hai là để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết hướng dẫn, chỗ này thì cũng suy nghĩ và nên có quy định cụ thể hơn. Bởi vì hiện nay chúng ta đang còn tồn rất nhiều vụ án hành chính mà giải quyết theo thủ tục. Nếu chúng ta chuyển sang giải quyết theo tố tụng luật hành chính này thì tôi thấy rằng còn nhiều vấn đề phức tạp mà sẽ không biết giải quyết ra sao.

Tôi xin có hết ý kiến như vậy. Xin cám ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan