Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Ba 11:10 22-06-2010

Kính thưa Đoàn chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy đại biểu Lê Việt Trường phát biểu trước tôi có 2 ý kiến, nhưng tôi chỉ đồng ý ý kiến thứ hai. Còn tôi không đồng ý ý kiến thứ nhất mà ý kiến thứ nhất thì tôi lại đồng ý với ý kiến đại biểu Lê Thị Nga, tức vấn đề các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án hành chính nên mở rộng và mở rộng đến mức nào thì tôi theo khuynh hướng là mở rộng càng nhiều càng tốt, nên mở rộng đến vô cùng, tức là người dân có quyền khiếu kiện tất cả các hành vi hành chính, tất cả các quyết định hành chính, về phía dân chúng là như thế mà nếu đại diện cho cử tri thì chúng tôi cũng thiên về khuynh hướng như thế.

Thứ hai là yêu cầu này đúng với nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cũng đúng với những chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta và tôi cho rằng mở rộng như thế rất hợp lòng dân. Còn mở rộng như thế này thì có một nỗi lo, tức là liệu tòa án có quá tải không, liệu có khả thi không? Tôi cũng thấy nỗi lo này là đúng đắn. Tôi thấy báo cáo của Ban soạn thảo, báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật tố tụng hành chính khi mở rộng phạm vi khiếu kiện hành chính và thẩm quyền giải quyết của tòa án hành chính như thế này thì chưa rõ. Tôi đề nghị nên có báo cáo về chuyện này, nếu mở rộng như thế thì số lượng các vụ án hành chính tòa án thụ lý trong tương lai dự báo là bao nhiêu? Và để làm việc này tòa án cần phải thêm bao nhiêu thẩm phán, cần phải thêm bao nhiêu thư ký, cần phải thêm bao nhiêu thẩm tra viên, cần phải thêm bao nhiêu trụ sở, cần phải thêm bao nhiêu xe cộ v v...tôi nghĩ đáng ra các nước người ta làm luật như thế. Để làm việc này thì phải như thế này, cần ngân sách như thế này để Quốc hội xem trong điều kiện hiện nay ta có kham nổi không? Còn nếu nói tất cả làm việc này chỉ cần khoảng mươi ngàn tỷ thì có thể Quốc hội giải quyết luôn, vấn đề này dân cũng đồng tình. Và để giải quyết, xem xét tính khả thi tôi cũng đề nghị trong dự án luật này nên nghiên cứu thủ tục gọi là thủ tục rút gọn và có thể nghiên cứu luôn cả những thủ tục xét xử sơ, phúc thẩm. Tôi cũng đọc tài liệu, cũng tìm hiểu tham khảo một số nước thì tôi thấy những vụ án hành chính này, ở đây chúng ta chỉ quan tâm, chỉ nói nhiều đến quyết định nào là của Chủ tịch tỉnh, của Chủ tịch huyện v v...của người đứng đầu và cơ quan nhà nước đối với nhân viên, nhưng chúng ta chưa quan tâm lắm đến hàng loạt quyết định và hành vi hành chính của người có thẩm quyền như Cảnh sát giao thông, như Kiểm lâm, như thuế vụ. Tất cả những quyết định này là đối tượng để khiếu kiện hành chính, khi khiếu kiện hành chính thì tòa án hành chính có thể coi là những hành vi vi cảnh hoặc là hành vi vi phạm hành chính, người ta chỉ xử với một thẩm phán và quyết định ngay, đó là quyết định sơ thẩm. Như thế này có khuyến khích người dân khiếu kiện hay không? Quan điểm của tôi hình như xã hội càng văn minh, kinh tế thị trường càng thấm sâu khiếu kiện càng nhiều chứ không phải bớt đi, không phải cứ xã hội văn minh là bớt khiếu kiện đi, bằng con đường tư pháp này, chúng ta giải quyết khiếu kiện của người dân. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chúng ta có thể dùng thủ tục rút gọn được không vì trong hình sự, án hình sự khó như thế chúng ta còn có thủ tục rút gọn, tại sao trong hành chính cũng có việc khó, việc dễ, tại sao ta không làm thủ tục rút gọn.

Ý kiến xem xét lại bản án giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hiệu lực pháp luật, tôi đồng ý như ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trước tôi như đại biểu Trần Văn Độ, đại biểu Lê Việt Trường, nếu chưa có phương án nào hay hơn chúng ta vẫn giữ nguyên như hiện nay, không lại làm rối thêm hoạt động tư pháp. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan