Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường – An Giang

Thứ Ba 11:08 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật Tố tụng hành chính tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Trước hết tôi tán thành với đại biểu Thái Thị An Chung nêu, tức là chúng tôi còn đang băn khoăn khái niệm về quyết định hành chính, ở đây chúng ta cần phải tính đến thực tiễn là Việt Nam chúng ta trong cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn có một số loại văn bản khác, tức là bằng thông báo, công văn hay kết luận v.v... do Chánh Văn phòng của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước ký và gửi cho các đối tượng phải chấp hành. Đôi khi những cái đó nó chứa đựng những nội dung hết sức quan trọng có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, đối tượng này tôi nghĩ phải được xem xét trong phạm vi giải thích từ ngữ để chúng ta không bỏ sót và sau này trong thực tiễn khi tiến hành xét xử tòa án sẽ không bị lấn cấn. Ví dụ nhiều thông báo quan trọng lắm nhưng khi chúng ta làm Luật Giao thông đường bộ vừa qua có một văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của người đứng đầu Chính phủ phải xem xét để bổ sung vào biển báo giao thông là một nội dung cho phép quảng cáo thì cuối cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp lại. Cho nên đối tượng loại văn bản này cũng cần phải được đưa vào trong nội dung điều chỉnh của luật này.

Vấn đề thứ hai, ý kiến của tôi khác với ý kiến của đại biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh và đại biểu Lê Thị Nga, tức là chúng ta mở rộng quyền của công dân ra nghĩa là khi cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại do quyết định hoặc hành vi hành chính thì có quyền hoặc yêu cầu cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo hoặc có thể khởi kiện thẳng ra tòa hành chính. Tôi thấy nên cân nhắc. Bởi vì đại biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh có nói rằng tòa án hành chính Thành phố Hồ Chí Minh có thể đang đi bình thường, nhưng nếu cởi trói bằng luật này thì có thể chạy. Nhưng tôi hình dung ngược lại, có thể khi luật này ban hành theo hướng đó thì tòa hành chính của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang đi chậm có thể phải dừng lại. Bởi vì quá tải trên vai quá sức không thể nào gánh được. Tôi đi từ thực tiễn của chúng ta theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao gửi kèm theo dự án này, tức là năm 2008 cả nước chúng ta đã nhận được xấp xỉ 1.400 đơn khởi kiện. Và tòa án đã tiến hành thụ lý 12.000 vụ và xét xử trong đó chỉ có 6% là cải sửa một phần, hoặc hủy bỏ một phần, hơn 4% là hủy hoàn toàn. Như vậy chỉ có khoảng 120 vụ kiện trong cả nước có vấn đề. Có nghĩa là cơ quan hành chính hay người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính có làm sai. Còn lại trên 1.000 vụ trong số đó là cơ quan hành chính và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính người ta làm đúng cả thì có nhất thiết chúng ta phải đặt ra vấn đề sinh ra một cơ quan, trao thêm thẩm quyền để ngồi làm thêm một động tác là hợp thức dán thêm một con tem nữa để khẳng định những quyết định hành chính hay hành vi hành chính của cơ quan hành chính là đúng hay không. Ở đây phải nói chúng ta làm luật này nhưng chúng ta đặt trong mối quan hệ là tới đây chúng ta sẽ sửa Luật khiếu nại, tố cáo và tách ra thành 2 luật, trong đó có Luật khiếu nại, chúng ta hoàn thiện nó, chúng ta đưa vào đó các quy định để chúng ta tăng cường trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.

Chúng ta giải quyết bằng con đường đó như thế cũng phù hợp với chủ trương tốt đẹp của chúng ta đó là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Chúng ta đặt vấn đề không cẩn thận, nếu quá nhấn mạnh thì sẽ dường như là chỉ có tòa án là đáng tin hơn, còn lại quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan quản lý hành chính nhà nước là kém tin hơn. Chúng ta tạo trong xã hội chúng ta một suy nghĩ cho rằng trong mọi trường hợp có lẽ tòa là đáng tin hơn cả. Lẽ ra chúng ta phải đi theo hướng tới đây sửa Luật khiếu nại, chúng ta tăng cường năng lực và trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, làm sao 1.000 vụ này cơ bản người ta làm đúng rồi thì phải được thừa nhận luôn chứ không phải mất công đưa ra tòa để đóng thêm một con dấu vào nữa đảm bảo là đúng. Từ cách tiếp cận đó tôi cho rằng bây giờ tòa án quá tải rồi, bây giờ lại mở rộng thêm nữa các điều kiện là cứ thích là khởi kiện thì tòa án sẽ không đủ sức để làm, lúc đó sẽ đứng lại chứ không phải là chạy nữa.

Điểm cuối cùng tôi xin tham gia, tôi đồng quan điểm với đại biểu Trần Văn Độ là nền văn minh pháp lý của nhân loại nói chung, của từng quốc gia nói riêng có điểm dừng của nó cho nên khi đã có Hội đồng thẩm phán mà quyết định rồi thì chúng tôi hoàn toàn thống nhất quan điểm cho rằng đấy là quyết định cuối cùng. Chúng tôi có tham khảo ý kiến, khi tìm hiểu, nghiên cứu ở Úc thì thấy người ta cũng nói thế, chúng tôi hỏi là liệu có qua Tòa thượng thẩm của các vị thì liệu có oan sai không? Họ trả lời là có, nhưng cái đó nó chỉ là cá biệt và nền văn minh pháp lý của chúng tôi nó chỉ đến thế thôi và chúng ta thừa nhận, chứ không phải nó là phổ biến. Nếu nó là phổ biến thì phải có hình thức khác, nhưng nó là cá biệt thì người ta chấp nhận chuyện đó. Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan