Góp ý của Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung – Nghệ An

Thứ Ba 11:06 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết thì tôi cũng tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật tố tụng hành chính và thực tế tôi thấy dự thảo Luật tố tụng hành chính cũng đã được chuẩn bị tương đối công phu. Liên quan đến dự án này thì tôi xin có thêm một số ý kiến như sau.

Thứ nhất về khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân, về cơ bản tôi cũng tán thành với dự thảo trong việc sử dụng phương pháp loại trừ để xác định thẩm quyền của tòa án. Đồng thời tôi cũng tán thành ý kiến của một số đại biểu trước tôi, đề nghị cần phải có quy định cụ thể thế nào là danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, ngoại giao chứ không nên giao Chính phủ quy định. Đồng thời cũng cần phải xác định rõ hơn thế nào là hành vi hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước, để tạo thuận lợi thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên tôi có ý kiến là tiếp tục đề nghị mở rộng hơn quyền khởi kiện của tổ chức, cá nhân ra tòa án bằng việc sửa đổi khái niệm thế nào là quyết định hành chính. Theo tôi được hiểu, quyết định hành chính chính là quyết định áp dụng pháp luật. Bởi vì đây là quyết định được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Với hoạt động quản lý hành chính thì theo tôi hiểu thì không chỉ là các cơ quan hành chính Nhà nước mới có hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, mà ngoài ra thì các cơ quan khác như cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, các đơn vị sự nghiệp cũng có quyền ban hành các quyết định để áp dụng pháp luật đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Như vậy, nếu như chúng ta loại trừ các quyết định hành chính này phải do các cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành thì tôi thấy như thế thì nó cũng chưa hẳn đã phù hợp. Vì vậy, theo tôi hiện nay mình mở rộng khái niệm này ra, không bó hẹp trong phạm vi phải là cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời ở đây tôi cũng thấy có một thực tế là các quyết định hành chính Nhà nước hiện nay cũng có thể được ban hành dưới hình thức văn bản là quyết định, nhưng cũng có thể được ban hành dưới hình thức là một công văn, một thông báo hoặc một kết luận và thực ra trong đó cũng có chứa đựng các nội dung như là một quyết định hành chính. Như vậy, nếu chúng ta chỉ bó hẹp khái niệm quyết định hành chính dưới hình thức quyết định thì trên thực tiễn cũng đã có rất nhiều vướng mắc. Do vậy, ở đây tôi đề nghị nên sử dụng từ khác mềm dẻo hơn. Chính vì 2 vấn đề đó, cho nên tôi đề nghị sửa Khoản 1 như sau: "Quyết định hành chính là văn bản áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính". Và tôi nghĩ rằng việc sửa đổi này cũng có thể mở rộng hơn quyền khởi kiện của công dân và tổ chức.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, về vấn đề này tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Ủy ban tư pháp trong Báo cáo thẩm tra, do đó tôi xin không được phân tích thêm.

Thứ ba, về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, theo tôi nên quy định thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính mặc dù trong hoạt động quản lý hành chính cũng như là trong quan hệ hành chính thì chúng ta cho rằng khi một bên là cơ quan Nhà nước, tức là một cơ quan có quyền lực Nhà nước và một bên là tổ chức, cá nhân thì quan hệ đó đúng là quan hệ không bình đẳng nhưng trong quan hệ tố tụng hành chính, tôi cho rằng bên khởi viện và bên bị kiện lại là quan hệ bình đẳng và rõ ràng điều này thì đã được khẳng định trong Điều 9 của dự thảo luật đó là các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Như vậy thủ tục thỏa thuận không phải là điều kiện để các bên khởi kiện hoặc bị kiện bắt tay với nhau để có một thoả thuận mà có thể xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc của người thứ ba, mà tôi cho rằng đây chính là cơ hội để các bên trao đổi với nhau về nội tình của vụ việc, phân tích với nhau một cách kỹ lưỡng các căn cứ để từ đó xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng hay là không đúng theo các quy định của pháp luật và xem xét lại việc khiếu kiện đó có phù hợp hay không. Tuy nhiên nếu như cả hai bên không thể thỏa thuận với nhau thì cũng không nên bắt buộc phải có thỏa thuận. Chính vì vậy tôi cho rằng nên quy định thủ tục thỏa thuận trong Luật tố tụng hành chính trong quá trình tố tụng hành chính, nhưng nên quy định một cách mềm dẻo không phải là thủ tục phải bắt buộc.

Thứ tư, về cơ chế xử lý đối với các bản án quyết định của tòa án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiên có sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng và cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng vì nó liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử đã được khẳng định tại Hiến pháp.

Chính vì vậy, theo tôi nên đặt vấn đề này hay chưa nên đặt vấn đề này trong dự thảo Luật tố tụng hành chính mà cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo hơn để chúng ta có thể tiến tới cơ chế chung cho cả tố tụng hành chính cũng như tố tụng hình sự và dân sự. Quan điểm của tôi là nếu có thể mở rộng uy quyền đặc biệt này thì chỉ nên giao quyền này cho Chủ tịch nước. Trên đây, tôi xin tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật tố tụng hành chính.Tôi xin hết ý kiến.

 Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan