Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Minh Hồng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba 11:05 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy việc chúng ta bàn về Luật tố tụng hành chính là điều rất tiến bộ. Cùng với Luật bồi thường nhà nước tạo điều kiện cho chúng ta bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, của tổ chức trước hành vi lạm quyền của cán bộ công chức. Tôi cho rằng đây là cú huých rất tốt để các cơ quan hành chính nhà nước cải thiện lề lối làm việc, cải thiện chất lượng làm việc v.v...

Về những gợi ý của chủ tọa, tôi xin có ý kiến như sau:

Về thẩm quyền của tòa án hành chính, tôi đồng ý với việc chúng ta loại trừ. Như nhiều đại biểu đã phát biểu, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao có những vấn đề mà tòa án hành chính có thể giải quyết được, nếu không chúng ta sẽ hạn chế quyền của công dân. Về vấn đề này tôi cho rằng không nên để Chính phủ quy định mà việc những loại hành vi nào trong 3 lĩnh vực này nên để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định danh mục này.

Trong thẩm quyền về mặt địa hạt, trong này dùng từ "lãnh thổ", đối với cá nhân tôi không rõ lắm nhưng thường chúng ta hay dùng lãnh thổ quốc gia hơn là dùng cho địa hạt hành chính, cho thẩm quyền về địa hạt. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại.

Như đại biểu Trần Văn Độ, đại biểu Thúy Loan có băn khoăn. Tôi có dịp trình bày trước Quốc hội về việc chúng ta phải thẳng thắn với nhau, đồng chí Chánh án Tòa án là cấp Ủy viên, còn bản thân Phó Chủ tịch Ủy ban thường là Phó Bí thư, cho nên chúng ta rất khó trong việc giải quyết để cho người thẩm phán, Chánh án giải quyết những vụ việc bị đơn chính là Ủy ban nhân dân, là Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân. Tôi đề nghị trong Điều 26 và Điều 27 khi xác định thẩm quyền về mặt địa hạt, chúng ta vẫn nhắc đến Tòa án quận, huyện, Tòa án tỉnh, hôm trước có ý kiến của đại biểu Quốc hội nói trong lĩnh vực tài phán hành chính chúng ta nên tiên phong để xác định thẩm quyền của Tòa khu vực, trong lúc này sẽ không bị bó buộc cùng một địa hạt hành chính với cơ quan hành chính mà thường là cơ quan bị đơn.

Điểm thứ ba, tôi nhất trí với nhiều ý kiến của đại biểu đã phát biểu, chúng ta nên xác định hành vi của viên chức trong các cơ quan đơn vị sự nghiệp công là giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo và đi tiếp theo của tòa án hành chính hay chúng ta đi theo con đường dân sự. Tôi nghiêng về ý kiến tuy rằng nó là vấn đề dịch vụ nhưng dịch vụ này do Nhà nước cung cấp, cho nên chúng tôi cũng thiên về ý kiến phải mở rộng hành vi này vào trong thẩm quyền của tòa án hành chính.

Vấn đề thứ hai, về điều kiện khởi kiện, hiện nay các tòa án hành chính có người nói là thất nghiệp, nhưng vì có nhiều bó buộc trong quy định về mặt thẩm quyền, đặc biệt về mặt đất đai. Cho nên có nhiều việc người dân cũng muốn kiện ra tòa nhưng theo Pháp lệnh nên không kiện được. Vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố đã giải quyết 2.674 vụ giải quyết khiếu nại các loại, bình quân một Tòa án như Tòa án thành phố trong 1 năm giải quyết trên dưới khoảng 30 vụ, nếu tất cả những vụ việc này đưa sang Tòa hành chính, việc giải quyết gần gấp 10 lần. Ở đây sẽ đặt ra vấn đề về khả năng của Tòa án có thể giải quyết được không? Tôi nghĩ trong các lĩnh vực về hành chính có vô vàn lĩnh vực, các hành vi hành chính, các động thái của hành chính cũng rất nhiều nhưng, nếu không cẩn thận chúng ta lại biến thành quá tải cho tòa án hành chính. Theo tôi chúng ta nên giải quyết theo con đường khiếu nại trước, tại sao giải quyết khiếu nại trước ra tòa án hành chínhh sau? Bởi vì hiện nay ở Thanh tra Nhà nước có hướng dẫn rất kỹ, trong quyết định giải quyết khiếu nại là như thế nào và khi thể hiện bằng quyết định giải quyết khiếu nại thì tòa án cũng đã nhận biết được những vấn đề về pháp lý mà tòa án cần phải tập trung, tôi nghĩ đây cũng là một bước giúp cho tòa án vì có rất nhiều thẩm phán không phải lĩnh vực hành chính nào thẩm phán cũng biết.

Thứ hai, nếu trong thời hạn giải quyết khiếu nại mà cơ quan hành chính không giải quyết thì tất nhiên người dân được quyền kiện ra tòa hành chính, theo tôi nên đi theo con đường đó. Chúng ta không nên phân biệt lĩnh vực này khiếu nại trước giải quyết sau bởi vì đó là một cuộc đánh đố đối với công dân, tổ chức và đánh đố ngay với chính cơ quan hành chính Nhà nước.

Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện, chúng tôi thấy trong thời hiệu khởi kiện tôi nhất trí có thể có nhiều thời hiệu khác nhau bởi vì các lĩnh vực hành chính điều kiện cũng khác nhau. Nhưng chúng ta nên lưu ý rằng quyết định hành chính thường có hiệu lực ngay, làm sao để thời hiệu này không quá dài, chẳng nhẽ phải đợi sau 6 tháng người ta có khởi kiện hay không thì mới thực hiện quyết định buộc thôi việc hay sao. Tôi đề nghị cân nhắc và rà soát chung với các luật pháp về hành chính ở trong từng lĩnh vực bởi vì luật pháp của chúng ta hiện nay cũng rất nhiều, có những việc chúng tôi thấy rất rõ, ví dụ như quyết định thu hồi đất có khiếu kiện đi chăng nữa thì vẫn cứ phải chấp hành hay quyết định về vấn đề xử lý vi phạm hành chính, trừ vấn đề là đập nhà, nói nôm na là tháo dỡ công trình xây dựng trái phép còn lại những việc khác thường là chấp hành ngay, cho nên chúng tôi đề nghị cần có rà soát.

Tôi xin có ý kiến thêm về Điều 159, Khoản 3 về việc khi tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu đơn khởi kiện thì phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính, việc này chúng tôi đề nghị phải xem xét. Bởi vì có những hành vi hành chính có thể nếu đình chỉ lại thì gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, như có đại biểu đã nói đây không phải vấn đề một hành vi dân sự, đây là quyết định hành chính vì một mục tiêu công, cho nên chúng tôi cũng đề nghị cần xem xét lại. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin hết , xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan