Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội

Thứ Ba 11:04 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi hoàn toàn tán thành về Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp về dự án luật này. Tôi xin phát biểu về 4 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, về vấn đề phạm vi điều chỉnh tại Điều 2 về giải thích thuật ngữ thì dự án luật này quy định phạm vi điều chỉnh đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Tôi cho rằng là thiếu, ít nhất người có thẩm quyền không chỉ trong cơ quan hành chính nhà nước mà trong cả đơn vị sự nghiệp. Đó là những người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp đó là theo quy định của Luật cán bộ, công chức và những người này là những người có thẩm quyền, không chỉ trong cơ quan hành chính nhà nước. Tôi cũng cám ơn đồng chí chánh án đã tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Tư pháp việc buộc thôi việc viên chức vào dự án luật này. Tuy nhiên, tôi cho rằng phạm vi điều chỉnh như vậy vẫn không đủ. Tôi cho rằng tất cả những hành vi của viên chức nhà nước và của các đơn vị sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước đều phải được điều chỉnh bằng dự án luật này. Bởi vì ở đây liên quan đến việc các viên chức nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà nước. Tôi lấy ví dụ như Hiệu trưởng trường đại học, các trưởng khoa, các cán bộ trong các trường đại học, các bệnh viện công thì những người đó khi bị khiếu kiện thì người ta sẽ khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các viên chức đó. Và trong trường hợp không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các viên chức đó thì người ta khiếu kiện lên cơ quan cấp trên, đó là Bộ Giáo dục và đào tạo hoặc là Bộ Y tế. Trong trường hợp đó, người ta không thể khởi kiện theo cơ chế dân sự được. Chính vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với hành vi hành chính và quyết định hành chính của các viên chức Nhà nước.

Vấn đề thứ hai, vấn đề về thỏa thuận. Đây là một chế định khá mới và được áp dụng khá nhiều ở một số nước phát triển, ví dụ như Mỹ, Canada. Việc thỏa thuận giữa người bị khởi kiện và người đi kiện không chỉ được thực hiện trong lĩnh vực hành chính mà còn được thực hiện trong cả ngay pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, việc này chủ yếu ở những nước theo luật án lệ, theo luật common law.

Tuy nhiên, ở nước ta đặt ra việc thỏa thuận là không được. Bởi vì, theo nguyên tắc, công chức chỉ làm những việc được pháp luật quy định và công dân được làm những việc mà pháp luật không cấm. Chính vì vậy, việc sau thỏa thuận sẽ dẫn tới kỷ cương hành chính không nghiêm. Đặc biệt, không có cơ chế để đánh giá phẩm chất, trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ. Họ cứ làm sai và khi sai rồi thì sẵn sàng có cơ chế thỏa thuận, mà cơ chế thỏa thuận đó sẽ dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong việc xem xét, nhất là trong trường hợp cơ quan Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho công dân. Cho nên, tôi đề nghị cơ chế thỏa thuận là không thể áp dụng trong hệ thống tư pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Vấn đề thứ ba là vấn đề xử lý đối với các trường hợp quá thời hiệu giám đốc thẩm và tái thẩm và đối với những trường hợp mà Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao là cơ quan xét duyệt cao nhất mà đã xét xử rồi nhưng qua chính Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện chức năng giám đốc xét xử và qua giám sát phát hiện sai thì xử lý thế nào. Đây là một vấn đề được đặt ra khi ban hành Bộ luật tố tụng dân sự. Lúc đó Ủy ban Pháp luật đã trình Quốc hội, trình Bộ Chính trị về cơ chế này. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vấn đề nên Bộ Chính trị và Quốc hội khi đó vẫn giao cho Ủy ban Pháp luật tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Qua thực tiễn, chúng tôi thấy việc đối với các vụ án dạng như thế này ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp với những khiếu kiện gay gắt như đồng chí Nga đã phát biểu. Cho nên chúng tôi hoàn toàn nhất trí là dự án Luật tố tụng hành chính này là một thí điểm để chúng ta có thể nhân rộng đối với tố tụng dân sự, tố tụng hình sự để có cơ chế xử lý đối với các vụ án dạng này. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và trên thực tế chúng ta đã có cơ chế. Hiện nay việc ban hành pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp bị Chủ tịch nước không đồng ý với một số quy định nào đó trong pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chủ tịch nước yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại các quy định đó. Nhưng trong trường hợp xem xét lại lần 2, như anh Độ phát biểu, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định vấn đề đó là đúng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận ý kiến của Chủ tịch nước thì sẽ xem xét và sửa lại. Với cơ chế như vậy, tôi đề nghị giao cho đồng chí Chánh án, đồng chí Viện trưởng thống nhất trong các trường hợp đó để kháng nghị đối với những bản án đã hết hiệu lực và đối với những bản án mà do Hội đồng thẩm phán xét xử mà có sai lầm, trong trường hợp đó thì việc xem xét hội đồng giao chính cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại, mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại thì không xét xử lại vụ ván mà giao lại cho các tòa án cấp dưới sơ thẩm, phúc thẩm xét xử lại từ đầu. Nhưng ở đây tôi đề nghị giao lại nhưng không giao lại cho những tòa án mà đã xử, ví dụ tòa án huyện này xử thì giao cho tòa án huyện khác xử lại. Tòa án tỉnh này giao cho tòa án tỉnh khác xử lại mà như đồng chí Độ đã nói thì tôi đề nghị một cơ chế như vậy để tháo gỡ những vụ án mà hiện nay đang không có cơ chế giải quyết. Với Nhà nước pháp quyền thì chúng ta không thể nói với dân rằng là sai đấy nhưng chúng tôi hết cơ chế giải quyết trong một Nhà nước pháp quyền thì không thể nói thế được.

Vấn đề cuối cùng, đó là vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quan hệ giữa Nhà nước và công dân là quan hệ mệnh lệnh quyền uy, quan hệ quyền uy phục tùng, chính vì vậy việc mà tòa án xem xét để có ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không là trách nhiệm của Nhà nước và tôi đề nghị không có đặt tiền bảo lãnh như quan hệ dân sự. Trong trường hợp này tòa án phải xem xét tất cả những chứng cứ những dữ kiện mà người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đưa ra để có thể áp dụng hay không áp dụng mà tòa án phải chịu trách nhiệm về việc áp dụng đó. Bởi vì đây là việc Nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và mối quan hệ ở đây là mối quan hệ Nhà nước và công dân. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan