Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba 10:58 22-06-2010

Trước hết tôi đồng tình với nhận xét, đánh giá của Ủy ban Tư pháp là dự thảo luật tố tụng hành chính được Ban soạn thảo, tức là Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu. Nếu so với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì đây là bước tiến rất dài. Bởi vì nội dung của dự án luật phù hợp với nội dung mà Việt Nam cam kết khi gia nhập tổ chức WTO, đặc biệt là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp đã được thể hiện trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Tôi xin được phép tham gia ý kiến đối với 2 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Tôi ủng hộ phương án loại trừ vì ba lý do sau:

Thứ nhất là phù hợp với nội dung Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, vì nghị quyết này đã khẳng định mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tham gia tố tụng hành chính.

Lý do thứ hai là ngay Luật khiếu nại, tố cáo được sửa đổi, bổ sung năm 2004 và năm 2005 cũng không giới hạn các khiếu kiện được giải quyết trước tòa nên dự thảo luật quy định tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện hành chính chỉ trừ một số lĩnh vực đặc biệt theo tôi là phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Lý do thứ ba là đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã quyết định không thành lập cơ quan tài phán hành chính thuộc hệ thống cơ quan hành pháp và ủng hộ chủ trương bảo đảm quyền khởi kiện hành chính của công dân tổ chức tại Tòa án mở rộng thẩm quyền tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tòa hành chính thuộc tòa án nhân dân để đủ khả năng đảm nhận việc xét xử tất cả các khiếu kiện hành chính, nghĩa là Chính phủ đã quyết định không ôm việc giải quyết các khiếu kiện hành chính nữa mà giao việc giải quyết các khiếu kiện hành chính cho tòa án. Tôi cho rằng Chính phủ quyết định như thế là phù hợp đúng đắn. Bởi vì Chính phủ muốn tiếp tục giải quyết các khiếu kiện hành chính cũng không làm nổi mà cần thiết Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ban ngành cũng như cơ quan hành chính Trung ương cần có điều kiện để tập trung đầu tư công sức thời gian để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước. Trong thực tế cơ quan hành chính công chức có thẩm quyền trong cơ quan hành chính có quyết định hành chính, có hành vi hành chính làm thiệt hại quyền lợi công dân, công dân khiếu kiện các quyết định đó mà cơ quan hành chính này, công chức này đứng ra giải quyết mặc dù họ có giải quyết đúng thì dân cũng không tin. Cho nên, cần thiết phải có một cơ quan thứ ba đó là tòa án hành chính thì dân mới tin.

Vấn đề thứ hai, tôi xin tham gia ý kiến là về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, tôi ủng hộ ý kiến tổ chức, cá nhân khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ngay vụ án hành chính tại Tòa án, nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì họ vẫn có quyền khởi kiện ra tòa án. Nhưng ở đây dự thảo lại quy định đối với một số lĩnh vực mà Ban soạn thảo cho rằng có tính cách chuyên môn cao như quản lý đất đai, xây dựng, thuế, sở hữu trị tuệ thì phải thông qua khiếu nại thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra tòa. Tôi cho rằng quy định như vậy sẽ không tạo được một sự chuyển biến cơ bản mạnh mẽ trong hoạt động xét xử của tòa án hành chính thuộc tòa án nhân dân, quy định như vậy là không có cơ sở và không có ý nghĩa thực tiễn. Ban dự thảo đã đưa ra hai lý do để bảo vệ quan điểm của mình.

Lý do thứ nhất là để các đương sự có điều kiện thu thập thêm tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền lợi lợi ích của họ, tôi cho rằng lý do này không phù hợp. Tại sao Tòa án lại đi lo thay cho các đương sự, công dân bị thiệt hại do các quyết định hành chính, hành vi hành chính, họ tự lo thu thập tài liệu chứng cứ. Theo tôi Điều mà tòa án phải tập trung lo là làm sao tòa án hành chính thuộc Tòa án nhân dân đủ khả năng đảm nhận xét xử tất cả các vụ án hành chính.

Lý do thứ hai, Ban soạn thảo nêu ra phải có một lộ trình thích hợp vì lực lượng thẩm phán hành chính thiếu trình độ chuyên môn có mức độ và khả năng giải quyết các vụ án hành chính thuộc Tòa án nhân dân còn hạn chế. Tôi cho rằng khi giải quyết các vụ án hành chính Tòa án phải xem xét nghiên cứu toàn diện khách quan thu thập các chứng cứ và kể cả việc trưng cầu ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn, chuyên gia, nên không thể căn cứ vào tính chất chuyên môn của loại khiếu kiện mà quy định loại việc này phải thông qua khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra trước tòa.

Ở đây tôi hiểu rằng ba dự thảo căn cứ vào tổ chức bộ máy tòa án thực tế hiện nay để xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với vụ án hành chính. Theo tôi Ban dự thảo làm như thế là đi theo một qui trình ngược. Lẽ ra chúng ta phải xác định nhiệm vụ trước, rồi sau tập trung củng cố kiện toàn tổ chức và hoạt động tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân để có đủ khả năng đảm nhận việc xét xử. Như vậy hoạt động xét xử của tòa án phục vụ nhân nhân hay nhân dân phải phục vụ việc xét xử của tòa án. Tôi hình dung là bà con nhân dân cả nước đang đi rất nhanh, gần như chạy mà Tòa án nhân dân tối cao lại đi chậm, đi từ từ. Trước khi phát biểu tôi có hỏi đại biểu Bùi Hoàng Danh - Chánh án Tòa án nhân dân thành phố là tòa án thành phố chạy được không? Đại biểu Danh trả lời chạy được, nếu Luật tố tụng hành chính không được Quốc hội thông qua mở rộng thẩm quyền tòa án hành chính cho phép các đương sự khởi kiện ngay kết quả hành chính thì tòa án Thành phố Hồ Chí Minh có đủ thẩm phán để thụ lý và giải quyết tất cả các vụ án hành chính của tổ chức và công dân. Tình hình hiện nay, thưa các vị đại biểu Quốc hội là tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang thất nghiệp. Các thẩm phán tòa án hành chính phải đi xử các vụ án dân sự và lao động. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan