Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Duy Hòa – Thanh Hoá

Thứ Ba 10:57 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy chúng ta nâng Pháp lệnh lên thành Luật tố tụng hành chính là một trong những chế định hết sức quan trọng để cùng với các chế định khác, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Vì thế tôi thống nhất rất cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và Báo cáo giải trình tiếp, thu đã có chỉnh lý của Tòa án nhân dân tối cao. Tôi xin bày tỏ một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tôi đồng ý những quyết định hành chính, hành vi hành chính đó cơ bản không nên quy định thẩm quyền xét xử cho tòa án, mà giao cho Chính phủ để Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp và linh hoạt với thực tiễn và yêu cầu trong từng thời kỳ, đáp ứng nhiệm vụ về an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên trong các cơ quan, đơn vị này vẫn có những hành vi hành chính và quyết định hành chính không thuộc phạm vi bí mật quốc gia, không thuộc phạm vi phải bảo vệ mà liên quan trực tiếp đến quyền lợi cụ thể của người lao động và của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị này. Theo tôi những phạm vi đó vẫn nên tính toán để giao cho cơ quan tòa án xét xử về mặt thủ tục hành chính để đảm bảo quyền lợi của họ.

Thứ hai, để đảm bảo dân chủ, công bằng, đồng thời phát huy được trách nhiệm cao của cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân thì cần quy định rõ những loại khiếu kiện nào thì phải qua thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, rồi mới tiến tới xét xử tại tòa án hành chính; những loại khiếu kiện nào do tính chất, yêu cầu của nó thì không cần thiết phải qua thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan hành chính mà cơ quan tòa án thụ lý xét xử hành chính để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân một cách nhanh chóng, bình đẳng và khách quan.

Thứ ba, theo tôi hiểu không chỉ là các cơ quan hành chính, các cơ quan tư pháp, các cơ quan dân cử ban hành quyết định hành chính và có hành vi hành chính mà tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang cũng có hành vi hành chính và ban hành quyết định hành chính. Do đó, cần cân nhắc kỹ để thể hiện thuật ngữ "hành vi hành chính" và "quyết định hành chính" trong dự thảo luật này để điều chỉnh hợp lý và toàn diện, không bỏ sót, lọt.

Vấn đề thứ tư, về việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính. Theo tôi, nên quy định rõ là đương sự, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan có nhiệm vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Tòa án có trách nhiệm xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án chính xác, khách quan. Viện kiểm sát nhân dân có quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để tiến hành công tác kiểm sát, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật. Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận chứng cứ do Viện kiểm sát cung cấp để giải quyết vụ án theo luật định. Tôi cũng nhất trí là không nên giao cho Viện kiểm sát quyền khởi tố vụ án hành chính, không có thời gian tôi xin không phân tích lý do. Tuy nhiên, tôi đề nghị đối với những người khiếm khuyết và đối với những đối tượng yếu thế thì phải tính toán để giao cho một cơ quan nào đó có thẩm quyền khởi tố vụ án hành chính thì mới bảo vệ triệt để quyền lợi hợp pháp của công dân.

Vấn đề thứ năm, để đảm bảo hiệu quả của công tác kiểm sát. Đề nghị quy định rõ, khi Tòa án quyết định hay thay đổi hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cần gửi ngay các quyết định văn bản đó kèm theo tài liệu ghi rõ lý do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thay đổi, hủy bỏ nó cho Viện kiểm sát để kiểm sát.

Đồng thời, nên quy định Viện kiểm sát có quyền quyết định tạm dừng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm dừng thi hành bản án khi phát hiện vi phạm pháp luật trong việc xét xử của Tòa án. Như vậy, mới ngăn chặn kịp thời vi phạm được, bởi vì mục tiêu chúng ta là ngăn chặn những vi phạm trong quyết định về hành vi hành chính. Nhưng mục tiêu trong luật này, theo tôi hiểu cũng phải ngăn chặn ngay những việc áp dụng luật pháp không đúng pháp luật của cơ quan xét xử. Nếu như chờ Quốc hội, chờ Mặt trận Tổ quốc, chờ đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát rồi mới phát hiện vi phạm thì lúc đấy người ta đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời rồi, vi phạm đã xảy ra rồi, hệ quả hệ lụy rất nghiêm trọng rồi thì rất khó. Do đó cho nên giao ngay cho các cơ quan này có trách nhiệm kiểm soát chặn chẽ, nếu phát hiện cơ quan tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả xấu thì có trách nhiệm đình chỉ ngay.

Vấn đề thứ sáu là việc gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát để kiểm sát, cần quy định rõ là gửi ngay khi tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu không quy định rõ thì không biết lúc nào tòa án gửi hồ sơ và khi vụ án đã hết mọi thời hạn xét xử rồi mà Viện kiểm sát chưa nghiên cứu được thì Viện kiểm sát không thể phát biểu quan điểm của mình để giải quyết vụ án.

Vấn đề thứ bảy là về bản án hành chính sơ thẩm giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri, vì tính chất của nó chúng ta có thể quy định là đương sự không có quyền kháng cáo nhưng dự thảo cũng đã quy định luôn là Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo tôi chưa chặt chẽ. Trong trường hợp việc giải quyết của tòa án về khiếu kiện danh sách cử tri mà chính tòa án có sai lầm và giải quyết sai thì ai giải quyết lại, ai cho tạm dừng việc đó lại. Do đó chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo tính toán nghiên cứu xem đúng đương sự thì chúng ta không nên quy định quyền kháng cáo của họ, nhưng Viện kiểm sát thì có quy định cho họ được kháng nghị trong việc tòa án giải quyết việc khiếu nại danh sách cử tri hay không, để đảm bảo mọi việc giải quyết được tròn chĩnh và đúng pháp luật.

Cuối cùng là việc thi hành án hành chính, theo tôi không nên sinh thêm bộ máy, chúng ta đã có Luật thi hành án dân sự và chúng ta đã có bộ máy thi hành án dân sự tương đối đầy đủ, khá mạnh mẽ và thiết kế tương đối chặt chẽ. Do đó theo cá nhân tôi trong luật này nói rõ luôn là việc thi hành án hành chính nên giao cho cơ quan thi hành án dân sự giải quyết, như vậy chúng ta vừa đảm bảo được hiệu quả của thi hành án hành chính, đồng thời đảm bảo được không sinh thêm các bộ máy cồng kềnh trong cơ quan Nhà nước hiện nay. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan