Địa vị pháp lý của thanh tra trên bàn làm việc của QH

Thứ Tư 16:52 28-07-2010

Địa vị pháp lý của thanh tra trên bàn làm việc của QH

04/07/2010 – Theo Đại biểu nhân dân

 

Luật Thanh tra hiện hành chưa thực sự tạo được cơ sở pháp lý để cơ quan thanh tra phát huy được tính độc lập, chủ động và tự chịu trách nhiệm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Luật Thanh tra hiện hành cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, xung đột với hơn 30 đạo luật khác... - Cơ quan soạn thảo đã thuyết trình về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra tại Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII như thế. Song, như nhận xét của nhiều ĐBQH, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vẫn rất lúng túng ở nội dung quan trọng nhất: xác định địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra.

 

Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) nêu rõ: thanh tra là chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước; là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp cơ quan và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng: Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Thanh tra các bộ, địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc thủ trưởng cơ quan cùng cấp. Cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ Bảy, các ĐBQH đều cho rằng: quy định này đã thể hiện rất rõ sự lúng túng của cơ quan soạn thảo. Bởi lẽ, một cơ quan cấp bộ trong bộ máy nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công. Nhưng Thanh tra Chính phủ lại được thiết kế như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng. Còn thanh tra các cấp được tổ chức tại cơ quan quản lý nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Điều đáng nói là, thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước gắn với hoạt động quản lý nhà nước của một bộ, ngành, một cấp chính quyền nhất định chứ không phải là một ngành, lĩnh vực độc lập.

Ngay khi dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được trình UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đã chỉ rõ sự lúng túng nêu trên của cơ quan soạn thảo. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận, nếu quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra như dự thảo Luật thì Thanh tra Chính phủ không phải là thành viên Chính phủ mà chỉ là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng, không có thực quyền trong hoạt động thanh tra. Nhưng nếu cơ quan thanh tra không có thực quyền trong hoạt động thanh tra thì câu chuyện ấm ức thanh tra, muốn làm mà không làm được đã tồn tại bao lâu nay sẽ không thể giải quyết được. Điều đó cũng có nghĩa là, mục tiêu sửa đổi Luật Thanh tra để bảo đảm tính độc lập tương đối, tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra khó có thể đạt được.

Sự lúng túng của cơ quan soạn thảo trong việc xác định địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra còn dẫn đến một sự lúng túng và vướng mắc khác: lúng túng về tư duy quản lý hoạt động thanh tra theo ngành dọc hay theo chiều ngang. Dự thảo Luật quy định thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ là chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức nghiệp vụ thanh tra; chỉ đạo hướng dẫn thanh tra bộ, tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra đó. Thế nhưng, điều 16 dự thảo Luật lại quy định Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh và có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Tức là, Thanh tra tỉnh làm gì hoàn toàn phụ thuộc vào quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Vậy thì, Thanh tra Chính phủ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra tỉnh như thế nào? Nếu Chủ tịch UBND tỉnh không tán thành kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh do Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thì xử lý như thế nào? ĐBQH Điểu K’Ré (Đăk Nông) chỉ rõ: việc quy định cơ quan thanh tra nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc vừa dọc, vừa ngang như Luật Thanh tra hiện hành đã làm hạn chế tính độc lập tương đối về tổ chức, tính tích cực chủ động trong việc thực hiện quyền quyết định thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra nhà nước, đặc biệt là thanh tra trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Cùng quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, mô hình tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra hiện nay đã dẫn đến tình trạng có những vụ việc lúc thanh tra thì rất bức xúc, phức tạp nhưng khi kết luận lại nhẹ nhàng, đơn giản...

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) mới được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy. Đây là dự án Luật khó và phức tạp. Nhiều vấn đề mang tính lý luận liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan thanh tra đã được tranh luận khá gay gắt từ khi xây dựng Luật Thanh tra năm 2004 nhưng đến nay cũng chưa thật sự ngã ngũ.

Cơ quan thanh tra nhà nước cần có địa vị pháp lý như thế nào? Cần đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra theo hướng nào? – một số ĐBQH gợi mở tại Kỳ họp thứ Bảy: nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ như hiện nay thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra phải mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra như Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị đã xác định “hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm mọi hoạt động quản lý nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ”.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Thanh tra sẽ được QH thông qua vào Kỳ họp thứ Tám. Có lẽ, địa vị pháp lý của thanh tra trên bàn làm việc của QH sẽ phải là cơ quan độc lập và tự chịu trách nhiệm...

Bạch Long

 

Các văn bản liên quan