Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): Chưa khắc phục được tình trạng thanh tra chồng chéo

Thứ Sáu 14:36 18-06-2010

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): Chưa khắc phục được tình trạng thanh tra chồng chéo

 

(ĐCSVN) – Tăng cường tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra; phân biệt rõ các loại hình thanh tra; thành lập thêm Thanh tra tổng cục, Thanh tra cục thuộc bộ, Thanh tra chi cục thuộc sở; hoạt động của Thanh tra... là những điểm mới trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và cũng là những vấn đề được thảo luận tại phiên họp sáng nay (16/4) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Có nên thành lập Thanh tra Tổng cục, Thanh tra cục và Thanh tra chi cục?

Theo quy định của Dự thảo Luật thì ngoài Thanh tra bộ, Thanh tra sở như Luật hiện hành, hệ thống tổ chức cơ quan Thanh tra theo ngành, lĩnh vực còn bổ sung Thanh tra Tổng cục, Thanh tra cục thuộc bộ, Thanh tra chi cục thuộc sở..

Vấn đề này được các đại biểu tham dự phiên họp thảo luận sôi nổi.

Theo báo cáo đánh giá tác động Luật Thanh tra, việc thành lập cơ quan thanh tra này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự kỷ cương trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội như: lĩnh vực y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, xây dựng...

Song Thường trực Uỷ ban pháp luật cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định này, cần phải hạn chế tối đa việc làm tăng đầu mối, tạo nhiều tầng nấc chồng chéo trong tổ chức, hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, Uỷ ban pháp luật băn khoăn hoạt động thanh tra chuyên ngành có nhất thiết phải tổ chức ra một loại hình cơ quan thanh tra riêng hay không? Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, hoạt động thanh tra chuyên ngành luôn gắn với những cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực, do chính cơ quan này thực hiện.

Ở một khía cạnh khác, Uỷ ban Pháp luật lo lắng việc tổ chức thêm cơ quan thanh tra chuyên ngành vừa làm tăng biên chế, tăng kinh phí, vừa tạo thêm trung gian giữa khâu phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm do đó sẽ giảm chất lượng của công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý ngành, lĩnh vực. Hơn nữa, nếu có tổ chức thêm cơ quan thanh tra thì với biên chế như hiện nay cũng không thể thực hiện được – cơ quan này khẳng định.

Bà Trương Thị Mai thẳng thắn hỏi cơ quan soạn thảo: Nếu thêm cơ quan thanh tra thì sẽ tăng thêm bao nhiêu về kinh phí, về tổ chức, con người?

Theo ông Trần Đình Đàn thì “nên dừng lại ở mô hình hiện nay là ổn”.

Còn Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị, cần tổ chức lại hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực đó. Chẳng hạn, Cục quản lý dược, Cục An toàn về sinh thực phẩm, Cục hàng hải... đảm nhiệm chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi lĩnh vực mình quản lý.

Lo Thanh tra hành chính  “trùm”  Thanh tra chuyên ngành

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật, Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành những quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều nhận thấy quy định của dự thảo Luật như vậy là chưa rõ ràng và dẫn đến việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra theo cấp hành chính và Thanh tra theo ngành, lĩnh vực trong dự thảo tiếp tục nảy sinh những vướng mắc.

Lí do được Uỷ ban Pháp luật đưa ra là xét về mặt khái niệm thì pháp luật chuyên ngành cũng nằm trong nội hàm của khái niệm pháp luật; còn xét về thực tiễn thì rất khó xác định được ranh giới giữa pháp luật và pháp luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận còn cho biết, ngay trong hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực cũng tồn tại những bất cập khi Thanh tra bộ và Thanh tra tổng cục, Thanh tra cục đều thanh tra chuyên ngành. Do vậy phạm vi thanh tra chuyên ngành của Thanh tra bộ là bao trùm lên Thanh tra tổng cục, cục nê trong một số trường hợp rất khó xác định thẩm quyền, trách nhiệm của Thanh tra chuyên ngành của tổng cục, cục và Thanh tra bộ.

Đồng ý với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Ksor Phước lo ngại nếu quy định như Dự thảo tthì thanh tra hành chính sẽ trùm lên thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, sẽ dẫn tới tuỳ tiện, thiếu thiếu nhất, thậm chí thiếu tính liên tục trong lãnh đạo, quản lý điều hành.

Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình, nên có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, “đó thực tế là pháp luật hoá thực trạng hiện nay” – ông nói.

Về vấn đề này, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật hiện hành để tổ chức lại hoạt động thanh tra theo hướng mỗi cơ quan thanh tra chỉ đảm nhiệm một loại hình thanh tra (thanh tra hành chính hoặc thanh tra chuyên ngành) mà không nên có sự chồng lấn như hiện nay./.                

Kim Thanh -16/04/2010 Theo Đảng Cộng sản Việt Nam

 

 

Các văn bản liên quan