Quy định như dự thảo, thanh tra sẽ không độc lập

Thứ Sáu 14:35 18-06-2010

Thảo luận về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi):
Quy định như dự thảo, thanh tra sẽ không độc lập

 

14.6, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đa số ý kiến thảo luận đều nhất trí với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của QH. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được thiết kế theo hướng Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ.
 
Qua thảo luận, đa số các ý kiến của Uỷ ban Pháp luật đều đề nghị cần nghiên cứu xác định lại địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này cho phù hợp. Bởi vì, một cơ quan cấp bộ trong bộ máy nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công.

Trong khi đó quy định của dự thảo thì TTCP lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng (báo cáo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra). Theo uỷ ban này thì những sửa đổi, bổ sung như của dự thảo luật là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.
 
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Đặng Huyền Thái (Hà Nội) cho rằng thanh tra cần phải có vị trí độc lập chỉ tuân theo pháp luật, trong đó phải độc lập trong việc thanh tra, kiến nghị xử lý đối tượng bị thanh tra. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa trang bị đủ quyền để thanh tra có thể độc lập, chủ động trong xử lý. Theo ĐB Lợi thì thanh tra bộ, tỉnh, huyện... đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan cùng cấp, vì vậy sẽ khó có thể độc lập. "Đây là nguyên nhân tình trạng đơn thư tố cáo kéo dài, không hồi kết, đùn đẩy nhau”, ĐB Lợi phân tích.

Ngoài ra, vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là dự thảo luật quy định TTCP chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng.

Các ĐB đề nghị cần phải cân nhắc kỹ quy định này tránh chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhất là liên quan đến trách nhiệm của TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. ĐB Điểu Kré (Đăk Nông), ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) đề nghị để đảm bảo tính độc lập của cơ quan thanh tra, chánh thanh tra tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh đề nghị và Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm, tương tự như vậy, chánh thanh tra huyện do chủ tịch UBND huyện đề nghị và chánh thanh tra tỉnh quyết định bổ nhiệm.

Ngoài ra theo ĐB Tiến thì việc dự thảo luật quy định thẩm quyền ký kết luận thanh tra thuộc về người ra quyết định thành lập đoàn thanh tra (thủ trưởng cơ quan cùng cấp) là không khách quan, không phát huy được vai trò, trách nhiệm của đoàn thanh tra. Theo ĐB này cần quy định thẩm quyền ký kết luận thanh tra cho trưởng đoàn thanh tra, vì có như vậy mới phát huy hết được vai trò, trách nhiệm của đoàn thanh tra.

Lam Sơn - Lao Động số 135 Ngày 15/06/2010 

 

Các văn bản liên quan