Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm 11:22 17-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một ý gọn.

Thứ nhất, tôi đánh giá rất cao thẩm định của Uỷ ban Pháp luật. Nếu như theo thẩm định của Uỷ ban Pháp luật thì tôi nghĩ rằng dự thảo này còn sửa rất nhiều, đặc biệt liên quan đến vấn đề địa vị pháp lý như Uỷ ban Pháp luật đã nêu, tức là về pháp luật thì giải quyết được mâu thuẫn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thẩm tra và tập trung vào một vấn đề địa vị pháp lý.

Thưa Quốc hội, đây là lần cho ý kiến để chúng ta chưa thông qua lần này, tôi không đi vào điều khoản, tôi đề nghị làm rõ một nguyên tắc rất quan trọng liên quan đến địa vị pháp lý, nếu không làm rõ thì chúng ta không thiết chế được hệ thống tổ chức. Đó là vấn đề đồng chí Phó Chủ tịch có nêu, tôi cho rằng phải khẳng định rõ thanh tra giám sát là chức năng quản lý Nhà nước, là bộ phận cấu thành của một tổ chức, một cơ quan hành chính công quyền. Điều đó có nghĩa là có tổ chức, một cơ quan quản lý Nhà nước cấp nào thì tổ chức đó phải có nhiệm vụ giám sát và thanh tra công việc mà đối tượng mình quản lý, đó là rõ rồi, Ví dụ bây giờ Sở Giáo dục lập một phòng là phòng quản lý kế hoạch, trưởng phòng đó cũng phải có chức năng của mình, anh phải làm giám sát và kiểm tra thanh tra hoạt động của tiểu học trên địa bàn anh phân công, đó là về chức năng. Nếu chúng ta nghĩ thanh tra là chuyện của người khác còn quản lý Nhà nước là chuyện của người khác, tôi cho rằng nếu như vậy sẽ chồng chéo. Đó là vấn đề tôi nói về địa vị pháp lý.

Chính vì vậy tôi đề nghị khi xác định địa vị pháp lý như vậy thì bây giờ tổ chức hệ thống thanh tra như thế nào, theo cách làm hiện nay đang phát sinh mâu thuẫn rất lớn. Khi ta bàn về Luật Tần số vô tuyến điện, các Luật về an toàn thực phẩm thì các cơ quan lại có thanh tra chuyên ngành, có thanh tra hành chính. Bây giờ một cơ quan của bộ trước hết chức năng thanh tra giám sát của lĩnh vực đó thì trách nhiệm của Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước, xảy ra vấn đề của bộ đó thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, vấn đề cần xác định như vậy. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay thực tế đặt ra là hiện nay yếu kém của ta là hệ thống quản lý nhà nước thiếu một hệ thống giám sát. Tôi xin thưa rằng giám sát mới là quan trọng, giám sát có nghĩa là anh nắm tất cả hệ thống thông tin, tất cả thu thập thông tin để anh ngồi từ xa mà anh biết được lĩnh vực anh quản lý đang diễn ra như thế nào. Anh phải biết được hiện nay chỗ nào phá rừng, chỗ nào có lũ lụt, còn thanh tra là qua quá trình giám sát mà anh phát hiện vấn đề thì đến tại chỗ, khi đã làm cuộc thanh tra là có vấn đề.

Tôi thấy thực tế hiện nay khi lên một kế hoạch thanh tra dường như chúng ta phải thông qua hệ thống giám sát để chúng ta thấy vấn đề cần thanh tra tại chỗ, mà dường như chúng ta cứ xoay quanh lâu lâu không thanh tra thì quay trở lại, đó là hoạt động giám sát, do đó để thanh tra có hiệu quả là phải tổ chức hệ thống giám sát. Nhân đây tôi cũng nói luôn, như anh Lợi nói là đúng, hiện nay thanh tra nhân dân thực chất là giám sát các cơ quan, nên sửa khái niệm đó là giám sát thì đúng hơn. Chính vì vậy tôi đề nghị cách tổ chức, Thủ tướng là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, như vậy thì Thủ tướng có công cụ của mình để thực hiện chức năng thanh tra của Thủ tướng đối với toàn bộ hệ thống hành chính trong vai trò của Thủ tướng, nhưng thanh tra của Thủ tướng không làm thay chức năng thanh tra của chính quyền địa phương và các bộ. Bởi vì quản lý nhà nước lĩnh vực đó là thanh tra. Ở đây tôi muốn nói rõ thanh tra là một loại công vụ trong bộ máy quản lý Nhà nước, không phải tổ chức thanh tra Nhà nước như một ngành như công nghiệp, như nông nghiệp, không phải tổ chức như vậy. Đây là một loại công vụ trong hệ thống quản lý Nhà nước thì cách tổ chức hoàn toàn phải khác. Đấy là về nguyên tắc tôi đề nghị như vậy.

Tiếp theo, hiện nay nổi cộm nhất là vấn đề khiếu nại, khiếu tố, vấn đề công dân tổ chức kiện chính quyền địa phương, các Bộ tất cả để thanh tra Chính phủ làm. Hướng tới tôi kiến nghị nếu như chúng ta để bộ máy thanh tra như dự kiến này chúng ta sẽ chồng chéo và tôi khẳng định rằng không giải quyết được tình hình thực tế. Hướng tới là làm sao cố gắng cùng vấn đề tổ chức lại hệ thống thanh tra theo nguyên tắc như vậy chúng ta đi mạnh vào vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với tổ chức và công dân thông qua Tòa án. Nhân đây tôi xin kiến nghị một điểm liên quan đến tư pháp nếu chúng ta chưa tổ chức được hệ thống tòa án nước ta theo hệ thống gọi là cấp xét xử hay thẩm quyền xét xử mà không theo địa vị của thanh tra hành chính thì riêng lĩnh vực tòa hành chính làm trước là tổ chức theo thẩm quyền xét xử mà không theo hành chính, không có chuyện Tòa án hành chính huyện xử quyết định của Ủy ban nhân dân huyện là không được. Tôi đề nghị nên cải cách trước vấn đề để rút kinh nghiệm.

Nếu chúng ta tổ chức hệ thống tòa hành chính mà phù hợp thì giải quyết căn cơ, chúng ta mới giải quyết vấn đề thanh tra nhẹ đi và tập trung quản lý Nhà nước làm tốt vấn đề giám sát thì chúng ta nhẹ gánh. Những nước có nền hành chính phát triển là nước thanh tra phát hiện nhưng giám sát hoạt động thì đó là một nền hành chính phát triển. Tôi xin đề nghị hướng như vậy để chúng ta sửa. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan