Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại – Bạc Liêu

Thứ Năm 11:15 17-06-2010

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng đến việc xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả như tinh thần Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị và Quyết định số 21 của Chính phủ. Xuất phát từ những yêu cầu và những vướng mắc trong thực hiện Luật thanh tra hiện hành, do đó Luật thanh tra (sửa đổi) cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ của bộ máy tổ chức làm sao tránh được sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động cũng như đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân của chủ thể thanh tra và đối tượng thanh tra. Chung quanh vấn đề này, tôi xin được tham gia 3 ý như sau:

Nội dung thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Điều 5. Ngoài các từ ngữ đã được giải thích, tôi đề nghị nên giải thích thêm thuật ngữ "cơ quan thanh tra Nhà nước" quy định tại Điều 1 và "cơ quan thanh tra" tại Điều 8, Điều 10 để có sự thống nhất về nhận thức.

Ý thứ hai là tại Điều 8 quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên được quy định trong hoạt động thanh tra phải tuân theo quy định của luật này, các quy định khác của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình, nhưng nghiên cứu dự án luật chỉ có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra mà không nêu rõ trách nhiệm là những trách nhiệm nào, mà dự luật chỉ có quy định trách nhiệm của thanh tra viên được quy định tại Điều 36, điều này cho thấy dự án luật chỉ điều chỉnh trách nhiệm đối tượng thanh tra, quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động thanh tra nhưng trách nhiệm hoạt động thanh tra chưa quy định rõ do đó việc Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm trong hoạt động thanh tra là những trách nhiệm như thế nào.

Vấn đề thứ ba, về tổ chức thanh tra tôi thống nhất ý kiến của đại biểu Hà Công Long, tôi xin đề cập ở góc độ khác, trong thực tiễn yêu cầu của đời sống xã hội khi xây dựng ban hành luật liên quan đến lĩnh vực nào thì mặc nhiên xuất hiện cơ quan thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực đó, trừ một số lĩnh vực rất đặc thù như thanh tra an toàn thực phẩm, thanh tra về tần số vô tuyến điện thuộc cục. Vì vậy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ quản lý ngành theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ tôi thấy vấn đề này không được bình thưởng bởi khi xây dựng luật như vậy thì đương nhiên chúng ta quyết định một tổ chức mới mà cơ quan đó do Quốc hội quyết định, nó sẽ vướng ở quy định của Luật tổ chức Chính phủ, điều này chúng ta cần phải quan tâm chú ý, tôi đề nghị Quốc hội cần xem xét thực hiện nhiệm vụ của mình trong xây dựng ban hành pháp luật chuyên ngành, không nên đặt vấn đề về bộ máy tổ chức trong cùng luật để tránh sự chồng chéo trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy quản lý Nhà nước chuyên ngành. Vì vậy về Luật thanh tra (sửa đổi), tôi đề nghị như ý kiến của nhiều đại biểu đã phát biểu chỉ quy định thanh tra Chính phủ, thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện chức năng thanh tra hành chính. Còn thanh tra bộ, thanh tra sở thì thực hiện chức năng thanh tra về chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật, vừa đảm bảo quyền trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý ngành lĩnh vực có một sự thống nhất, vừa đảm bảo nhân lực đủ số và mạnh về chất lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Trong thời gian qua thực sự yêu cầu bộ máy thanh tra chuyên ngành thuộc cục thì xuống dưới tỉnh là có chi cục nhưng thực ra bộ máy thì rất cần. Nhưng mà trong thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn do mối quan hệ phối hợp cũng như về nhân lực không đáp ứng được yêu cầu về khả năng, thực hiện nhiệm vụ thanh tra về kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực đó. Cho nên nó chưa đủ mạnh để mà thực hiện chức năng nhiệm vụ đặc biệt là chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy tôi cũng rất mong Quốc hội xem xét nhiều ý kiến cũng đã phân tích khá kỹ, tôi cũng thể hiện quan điểm chính kiến của mình. Cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan