Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thương Lượng – Yên Bái

Thứ Năm 11:12 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi thống nhất cơ bản những nội dung trong dự thảo của Luật thanh tra (sửa đổi) lần này. Phải khẳng định rằng sau khi có Luật thanh tra năm 2004 thì chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, những vấn đề đó tôi không nêu lại nữa. Trên cơ sở dự thảo lần này và gợi ý của Đoàn thư ký thì tôi xin phát biểu 4 nội dung sau:

Một là vị trí pháp lý của cơ quan thanh tra, tại Điều 13 đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa Điểm 2 về việc quy định Tổng thanh tra Chính phủ là người đứng đầu ngành thanh tra quy định như vậy theo tôi còn chung chung, không rõ phạm vi đứng đầu. Vì nói ngành thanh tra thì nó có nhiều ở lĩnh vực khác nhau, trong đó không riêng thanh tra của cơ quan hành chính Nhà nước mà còn có thanh tra của các tổ chức chính trị xã hội như các tổ chức đoàn thể, thanh tra và tổ chức Đảng, thanh tra của nhân dân v.v... Cho nên, đề nghị quy định lại là Tổng thanh tra Chính phủ là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu thanh tra của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người đứng đầu của thanh tra Chính phủ.

Hai là về tổ chức của cơ quan thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện. Tại Điều 16 về thanh tra tỉnh, tôi đề nghị Ban soạn thảo bỏ 2 chữ cùng cấp tại các Điểm 1, Điểm 2, Điểm 3 cụ thể. Ở Điểm 1, thanh tra tỉnh là cơ quan thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ý tôi nêu là bây giờ đã là Ủy ban nhân dân tỉnh thì nên đưa luôn vào đây, chứ không nên là cùng cấp. Chứ nếu mà đề là cùng cấp, nói như vậy thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ là cùng cấp với thanh tra tỉnh. Tại Điểm 2 cũng như vậy, bỏ 2 chữ "cùng cấp". Điểm 3 theo tôi cũng như vậy. Cũng tương tự, tại Điều 12, đối với thanh tra cấp huyện. Theo tôi đề nghị bỏ hai chữ "cùng cấp" tại Điểm 1 và Điểm 3.

Thứ ba, về một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ và thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, các hoạt động này ở phạm vi nào đó đã bộc lộ một số hạn chế như là có sự chồng chéo, thậm chí có việc còn gây khó khăn cho cấp cơ sở. Ví dụ có cơ sở bình quân tháng có 3 đến 4 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc là có năm thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện gần 300 cuộc giám sát. Tôi đề nghị trong quy định nhiệm vụ của cơ quan thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành cần khắc phục chồng chéo, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành chỉ nên có ở một số bộ, tổng cục và cục như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế v.v...

Về tổ chức thanh tra chuyên ngành cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể bởi vì tại Luật thanh tra (sửa đổi) này chúng ta không nêu là bộ nào có thanh tra chuyên ngành.

Về kết luận của thanh tra hành chính đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật là rất quan trọng, đây là ranh giới rất gần và nó không có cột mốc với việc khởi tố điều tra của cơ quan tố tụng. Cho nên chữ "vi phạm" và chữ "chưa thực hiện" đầy đủ cũng rất gần nhau. Cho nên trong dự thảo của luật theo tôi cần nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của cơ quan thanh tra, của người đứng đầu cơ quan thanh tra trong việc phát hiện vi phạm pháp luật.

Vấn đề thứ tư, về tổ chức thanh tra nhân dân được tổ chức, đoàn thể nhân dân bầu ra và có ở các xã phường thị trấn, đơn vị cơ quan doanh nghiệp thực hiện giám sát cộng đồng, giám sát dân chủ trực tiếp của nhân dân tại cơ sở. Chúng ta phải khẳng định tổ chức thanh tra nhân dân cũng đã đạt được những kết quả nhất định từ sau khi có Luật thanh tra năm 2004. Thế nhưng đây không phải là tổ chức thanh tra hành chính nhà nước vì thế không nên quy định trong Luật thanh tra tại Điều 64 như một số phân tích các đồng chí đã nêu. Việc này nên được quy định trong Pháp lệnh quy chế dân chủ hoặc trong luật của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh riêng về thanh tra nhân dân. Trên đây là một số ý kiến của tôi về Luật thanh tra, Ban soạn thảo nghiên cứu để có bổ sung. Xin hết.

Các văn bản liên quan