Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung – Điện Biên

Thứ Năm 11:11 17-06-2010

 

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật thanh tra năm 2004 với những lý do như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật này, tôi thấy còn có những vấn đề, những nội dung cần phải được tiếp tục làm rõ.

Cụ thể về chế định thanh tra nhân dân, tôi cơ bản đồng tình với ý kiến của đại biểu Long, đại biểu Thái và một số đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tuy nhiên tôi xin tiếp cận ở chế định thanh tra nhân dân dưới một góc độ khác.

Điều 1, của Luật thanh tra năm 2004 đã quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật thanh tra là quy định về tổ chức và hoạt động Thanh tra Nhà nước và thanh tra nhân dân. Theo đó Luật thanh tra năm 2004 có 14 điều quy định về thanh tra nhân dân. Căn cứ Điều 11 của Luật thanh tra thì Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo hoạt động. Đối với Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cơ quan, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước do Ban chấp hành công đoàn cơ sở, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp Nhà nước đó hướng dẫn tổ chức chỉ đạo hoạt động. Như vậy chế định thanh tra nhân dân là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình thông qua Ban thanh tra nhân dân.

Thực tế trong những năm qua, Ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp Nhà nước và các xã, phường, thị trấn đã có những đóng góp quan trọng đối với việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn và cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ nói riêng về Ban thanh tra nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc có gần 11 nghìn Ban thanh tra nhân dân. Mỗi Ban thanh tra nhân dân có từ 7 - 11 thành viên và các thành viên này đại diện cho các tổ dân phố, các thôn, bản, ấp. Đây là những người được nhân dân bầu ra và tham gia vào tổ chức thanh tra nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Như vậy trong toàn quốc đã huy động gần 100 ngàn người để tham gia một cách tự nguyện vào các hoạt động của thanh tra nhân dân, đặc biệt ở các xã vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Hiện nay vùng đồng bào dân tộc có đến 40 chương trình mục tiêu dự án của Nhà nước đầu tư thì vai trò của mỗi thành viên trong tổ chức này càng rất quan trọng. Thật không công bằng nếu nói rằng hoạt động của tổ chức thanh tra nhân dân chỉ là hình thức. Trong Báo cáo của thanh tra Chính phủ tổng kết thực hiện Luật thanh tra trong 6 năm qua đề cập một cách rất khái quát, chỉ dành 15 dòng. Như vậy chưa đánh giá được kết quả cũng như sự tồn tại của tổ chức thanh tra nhân dân đã được quy định trong Luật thanh tra năm 2004.

Từ những phân tích và đánh giá nêu trên, tôi xin phát biểu chính kiến của mình về chế định thanh tra nhân dân như sau.

Một, tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, không quy định như Điều 64 của dự thảo luật, đó là tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật thanh tra ngày 15/6/2004. Bởi vì hoạt động của thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với thanh tra Nhà nước.

Thứ hai, Luật thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực thay thế Luật thanh tra năm 2004 nhưng giữ lại một chương của luật cũ là không phù hợp và không đảm bảo được tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ hai, để khắc phục được tình trạng nêu trên, tôi đề nghị các quy định về thanh tra nhân dân xây dựng một luật khác đó là Luật thanh tra nhân dân, trên cơ sở những quy định tại 14 điều của Luật thanh tra hiện hành và kết quả đánh giá hoạt động của tổ chức này giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cùng trình với dự thảo Luật thanh tra vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII theo quy trình một kỳ họp.

Tôi cũng xin tỏ rõ quan điểm của mình, thanh tra nhân dân là một chế định quan trọng trong bảo đảm thực hiện quyền dân chủ hiện đã được quy định trong Luật thanh tra và trước khi ban hành Luật thanh tra này thì đã có 10 năm thực hiện Pháp lệnh thanh tra nhân dân và đã được tổ chức đánh giá. Vì vậy, chế định thanh tra nhân dân sẽ tiếp tục được quy định trong một luật khác và theo phát biểu của tôi đề nghị đó là Luật thanh tra nhân dân. Đề nghị không quy định trong một văn bản dưới luật, nếu chúng ta quy định ở một văn bản dưới luật thì theo tôi suy nghĩ đó là bước lùi về thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan