Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Kiên Giang

Thứ Năm 11:09 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Thanh tra là một chức năng quản lý nhà nước gắn liền với quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, một hoạt động kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước trong hành pháp được thực hiện bởi cơ quan Thanh tra nhà nước. Để thực hiện tốt việc sửa đổi Luật thanh tra năm 2004 cần nhận biết đầy đủ, toàn diện, thực chất những vấn đề bức xúc, vướng mắc đang đặt ra trong tổ chức cũng như hoạt động của thanh tra.

Tôi xin tham gia ý kiến về tổ chức thanh tra. Từ ngày thành lập nước từ năm 1945 đến nay tổ chức thanh tra ở nước ta đã qua 7 mô hình với 7 tên gọi khác nhau mà những tên gần cuối là thanh tra Nhà nước và gân đây nhất là thanh tra Chính phủ. Theo mỗi tên gọi này nó có gắn đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nội dung hoạt động theo Luật thanh tra năm 2004 quy định ghép thanh tra theo ngành, lĩnh vực với thanh tra hành chính vào thanh tra bộ, thanh tra sở. Theo đó không tồn tại tổ chức cơ quan thanh tra của tổng cục, cục thuộc bộ cũng như thanh tra chi cục trực thuộc chi cục khi triển khai luật này vào cuộc sống từ ngày 01/10/2004 đã phát sinh nhiều vướng mắc về tổ chức hoạt động của thanh tra chuyên ngành. Trước tình hình đó, một số bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thanh tra chuyên ngành thuộc một số tổng cục, cục của bộ, mặc dù ở đây như một số vị đại biểu trước tôi đã phát biểu là trái với Luật thanh tra hiện hành. Tuy nhiên tôi thấy rằng việc làm đó là đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn và hoạt động có hiệu quả. Vì vậy trong lần sửa đổi này, tôi đồng ý đề nghị sửa quy định bổ sung vào luật việc cho phép thành lập thanh tra chuyên ngành ở tổng cục, cục cũng như chi cục.

Vấn đề thứ hai, tôi đề nghị không quy định thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra vì: thứ nhất là do Luật thanh tra là các chế định thuộc ngành luật hành chính bao gồm các quy phạm hành chính điều chỉnh theo phương pháp quyền uy và phục tùng, còn thanh tra nhân dân là hình thức giám sát xã hội của nhân dân ở cơ sở không phải là quan hệ hành chính, không điều chỉnh bằng phương pháp hành chính quyền uy, phục tùng.

Về hướng xử lý thì tôi đề nghị cũng không như trong dự thảo là để một điều quy định là vẫn tiếp tục áp dụng như Luật năm 2004 mà sớm nghiên cứu để xây dựng thành luật nhưng theo tôi nên gắn với hiện nay có pháp lệnh về dân chủ cơ sở thì nâng lên thành luật và đưa nội dung thanh tra nhân dân vào một phần của Luật có thể nói là dân chủ cơ sở hay là gì đó, nhưng mà đưa vào vấn đề đó và nên khẩn trương chuẩn bị để tại Kỳ họp thứ 8 đưa ra xem xét lần đầu thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và để cả hai luật đều cùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.

Thứ ba là cần phân biệt rõ thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành. Quy định như dự thảo tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 năm là chưa rõ. Bởi vì, có thể nói thanh tra chuyên ngành là thanh tra hành chính vì bản chất của thanh tra là quan hệ hành chính được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật hành chính, của ngành luật hành chính. Điểm khác nhau cơ bản giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành ở chỗ thanh tra hành chính là thanh tra trong nội bộ, hệ thống hành chính là hoạt động tự thân của quản lý nhà nước nhằm phát hiện sai sót trong hoạt động quản lý nhà nước của cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính để khắc phục phòng ngừa xử lý vi phạm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Còn thanh tra chuyên ngành vừa là thanh tra trong nội bộ, trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước đồng thời là thanh tra đối với hoạt động ngoài xã hội tức là đối tượng là mọi tổ chức và cá nhân.

Bốn, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức và phương thức hoạt động của thanh tra. Vấn đề đặt ra là tổ chức thanh tra theo hệ thống dọc từ Trung ương xuống địa phương hay theo cấp hành chính và theo ngành lĩnh vực. Như dự thảo đã trình Quốc hội lần này tôi thấy chọn mô hình vừa là theo cấp hành chính, vừa theo ngành lĩnh vực là phù hợp. Bởi vì thanh tra có tính độc lập tương đối, ta lưu ý tính độc lập nhưng là tương đối, độc lập là một thuộc tính của thanh tra tuy nhiên nó chỉ mang tính độc lập tương đối đó là độc lập với chủ thể quản lý nhà nước, độc lập với cơ quan tổ chức khác, độc lập với đối tượng thanh tra và độc lập với chính bản thân cơ quan thanh tra. Vì vậy, thiết kế như mô hình này là hợp lý, chúng ta cũng không thể đòi hỏi hoặc là quản lý, hoặc là tham mưu thì cũng khó để thực hiện được, mà mô hình ở các nước người ta đều làm như vậy. Do có tính độc lập tương đối như vậy cho nên mô hình tổ chức cũng không thể như đối với cơ quan tư pháp, như Tòa án hay Viện kiểm sát tính độc lập chặt chẽ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Theo tinh thần đó tôi đồng ý như trong dự thảo về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức thanh tra quy định trong dự thảo. Nhưng tôi đề nghị thêm một ý là nên quy định cho các trưởng đoàn thanh tra được ra kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận đó. Bởi vì theo Điều 49 trong này đã quy định khi báo cáo kết quả thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra cũng phải báo cáo kết luận từng nội dung cụ thể trong quá trình tiến hành thanh tra. Đấy chính là nội dung. Nếu người ra quyết định thành lập đoàn thanh tra mà ra kết luận thì cũng chỉ nhắc lại kết luận của trưởng đoàn thanh tra. Cho nên nên giao cho họ.

Ý cuối cùng tôi muốn phát biểu, theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật trong Báo cáo thẩm tra về cơ quan thanh tra chuyên ngành cũng cân nhắc, cũng không nhất thiết phải có tổ chức chặt chẽ là một cơ quan thanh tra riêng, có thể là cục hoặc tổng cục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thể kiêm luôn chức năng thanh tra chuyên ngành. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan