Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị

Thứ Sáu 09:43 26-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Chúng ta biết dự án luật này với phạm vi sửa đổi là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều chứ không phải sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện Bộ luật tố tụng dân sự. Trong Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp nói rằng trong lúc chúng ta đang tiến hành thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và đang chuẩn bị cho việc tổng kết để sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, cho nên nhiều vấn đề thuộc Luật tố tụng hình sự này sẽ được nghiên cứu, cân nhắc kỹ và được xem xét, sửa đổi ở luật sau. Lần này chỉ giải quyết những vấn đề qua thực tiễn xét xử, qua hoạt động tố tụng thấy bất cập, vướng mắc thì cần đưa ra để Quốc hội xem xét cho sửa đổi, bổ sung lần này.

Rất cám ơn các vị đại biểu Quốc hội đã có 25 ý kiến phát biểu tập trung vào 2 vấn đề lớn, đó là vai trò của Viện kiểm sát và cơ chế đặc biệt để xem lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như thế nào. Về vấn đề này trong quá trình soạn thảo dự án luật này và trong quá trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét để trình ra Quốc hội thì tất cả những vấn đề lý luận, lý lẽ và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu phần cuối hôm nay đã được trình bày tại các hội nghị như vậy. Vấn đề này không phải đến bây giờ mới đặt ra, mà như đồng chí Chánh án nó cũng đặt ra ở những nhiệm kỳ trước đây của Quốc hội. Lần này Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi xem xét tất cả những ý kiến thì thấy rằng, theo quy định của Hiến pháp 1992 hiện hành thì Viện kiểm sát nhân dân vẫn có 2 chức năng là kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố. Trong Nghị quyết 49 vẫn khẳng định lại chức năng, nhiệm vụ này của Viện kiểm sát, cũng có nói tới đây chúng ta nghiên cứu để thành lập viện công tố. Cho nên bây giờ trong điều kiện sửa đổi một số điều, sửa đổi những vấn đề trước mắt thì xin cho phép giữ lại là Viện kiểm sát vẫn thực hiện kiểm sát hoạt động tố tụng, trong đó có kiểm sát từ giai đoạn lập hồ sơ cho đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm sau này. Nhưng còn bây giờ Viện kiểm sát ở trong giai đoạn xét xử sơ thẩm thì có phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết nội dung vụ án hay không, thì trong Báo cáo thẩm tra và qua ý kiến chúng ta thấy rằng: để tôn trọng quyền độc lập của Hội đồng xét xử và bảo đảm tính khách quan thì Viện kiểm sát không phát biểu về quan điểm đối với giải quyết nội dung vụ án, mà chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng. Xin báo cáo điểm thứ nhất như vậy.

Vấn đề thứ hai, về cơ chế đặc biệt. Đây cũng là vấn đề rất lớn, có thể nói rằng rất thời sự mà đặt ra không phải chỉ ở diễn đàn Quốc hội mà được đặt ra ở nhiều diễn đàn khác. Đến bây giờ các cơ quan giao cho chúng ta phải tìm ra một cơ chế tối ưu để giải quyết tồn tại thực tế đang đặt ra như vậy. Cũng rất mừng là bản thân Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử, là cơ quan chủ trì dự án thấy rằng nếu như cứ để thực trạng hiện nay thì chúng ta không giải quyết được những vấn đề đang bức xúc hiện nay và dân cũng thấy cần phải có một cơ chế để giải quyết. Bây giờ cơ chế này, xin báo cáo với Quốc hội, là cơ chế sửa sai của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đấy là ý thứ nhất.

Ý thứ hai mà nhiều đại biểu nói rằng Tòa án là biểu hiện của công lý, là biểu hiện của chế độ chúng ta. Vậy bây giờ công lý là gì? Công lý là bây giờ đấy là sự thật khách quan, là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp là phải bảo vệ, được bảo đảm. Nhưng bây giờ chúng ta thấy rõ ràng một vụ án nào đó mặc dù là rất ít, dù là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử rồi, nhưng dư luận không đồng tình, các cơ quan giám sát, các cơ quan có trách nhiệm, công dân nói đó là oan. Bản thân Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng thừa nhận đó là oan, vậy bây giờ bảo công lý được xác lập ở chỗ nào. Rõ ràng công lý chưa được xác lập, chưa được bảo vệ mà chúng ta rất đồng tình là có oan, có sai thì phải sửa, nhưng bây giờ chúng ta chưa có cơ chế, lần này Quốc hội đồng ý cần có một cơ chế để xử lý vấn đề đó.

Đây là dự án luật lần đầu trình ra Quốc hội cho nên xin phép Quốc hội cho phép chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thiết kế các điều kiện, thủ tục, tất cả vấn đề thời hạn cũng như thẩm quyền, bảo đảm chặt chẽ để thực hiện vấn đề này. Xin cảm ơn Quốc hội, mời Quốc hội về nghỉ.

Các văn bản liên quan