Kiểm toán độc lập phải là doanh nghiệp đối nhân

Thứ Sáu 15:44 26-11-2010

Kiểm toán độc lập phải là doanh nghiệp đối nhân

 

(LĐ) - Chiều 19.11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Đây là lần đầu tiên dự án luật này được đưa ra lấy ý kiến nên còn nhiều quan điểm trái ngược từ đối tượng, phạm vi điều chỉnh đến tên gọi của luật.

Đa số ý kiến phát biểu đều cho rằng, kiểm toán là hoạt động đặc biệt giống với nghề bác sĩ, luật sư... nơi mà không chỉ có yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ mà quan trọng hơn còn là các yếu tố đạo đức nghề nghiệp gắn với mỗi con người. Vì vậy loại hình hoạt động của doanh nghiệp này là đối nhân chứ không phải là đối vốn.

Hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế

Theo tờ trình của Chính phủ thì kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường với vai trò làm tăng độ tin cậy cho thông tin tài chính, là cơ sở cho các bên tiến hành các giao dịch kinh tế. Sản phẩm của kiểm toán độc lập là căn cứ quan trọng cho các bên thứ ba như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng... đưa ra các quyết định kinh tế; các cơ quan quản lý sử dụng cho quản lý, điều hành. Cũng theo tờ trình này thì 19 năm qua, kiểm toán độc lập đã có bước phát triển đáng kể góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, quy mô thị trường kiểm toán còn nhỏ, số lượng cũng như chất lượng kiểm toán viên chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Pháp luật về kiểm toán độc lập chưa hoàn chỉnh,...).

Quá trình thảo luận, đa số các ý kiến ĐB đều đồng tình với sự cần thiết phải ban hành luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất về hoạt động kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cần xem xét lại tên gọi của luật cho phù hợp. “Nếu vẫn giữ như dự thảo là Luật Kiểm toán độc lập e rằng người dân sẽ hiểu nhầm hoạt động kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ đang áp dụng là không độc lập”. ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng tên gọi như dự thảo là phù hợp với thông lệ quốc tế và có tính kế thừa. Tên gọi này cũng giúp phân biệt với kiểm toán nhà nước hay kiểm toán nội bộ mặc dù về bản chất đây đều là các hoạt động được thực hiện độc lập.

Kiểm toán độc lập là loại hình doanh nghiệp đối nhân

Về quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập và tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, đa số các ý kiến đều nhất trí với dự thảo luật, giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên (điểm c, khoản 2 Điều 10) ở một số nước là do tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán đảm nhiệm.

Tuy nhiên, tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán ở Việt Nam hiện nay (Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam) mới ở trong giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực vật chất và con người còn hạn chế. Vì vậy, để Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên là phù hợp. Các ĐB đề nghị dự thảo luật nên xây dựng lộ trình theo hướng khi tổ chức nghề nghiệp đã đủ khả năng đảm đương, khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện, thì sẽ xem xét chuyển giao trách nhiệm này cho tổ chức nghề nghiệp.

Đối với các loại hình doanh nghiệp kiểm toán (Điều 20), dự thảo luật quy định chỉ được thành lập dưới các hình thức là Cty TNHH có từ 2 thành viên trở lên; Cty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Theo ĐB Trần Du Lịch thì kiểm toán là hoạt động rất đặc biệt, kiểm toán viên hoạt động cũng giống như bác sĩ, luật sư.. mỗi hoạt động ngoài tính chuyên môn còn gắn với đạo đức vì vậy đặc trưng cơ bản của loại hình doanh nghiệp này là đối nhân, chịu trách nhiệm vô hạn về hoạt động của mình. Vì vậy không nên quy định có loại hình doanh nghiệp kiểm toán là Cty TNHH.

ĐB Phạm Thị Loan cho rằng quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán của Cty TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ là không phù hợp, trái với Luật Doanh nghiệp. Theo ĐB thì kiểm toán là hoạt động chất xám với nguyên tắc đặc trưng là đối nhân, nơi mà đạo đức, uy tín nghề nghiệp được đề cao và quyết định chứ không phải yếu tố vốn. Vì vậy, việc quy định trên là không hợp lý.

Cần làm rõ khái niệm phông lưu trữ quốc gia

Sáng 19.11, QH thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ. Đa số các ĐB đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế…

Các ĐB Triệu Thị Bình (Yên Bái), Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp), Nguyễn Viết Lểnh (Bình Định) cho rằng nên có kế hoạch thống nhất phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và gọi tên chung là phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Như vậy, vừa tập trung thống nhất bộ máy quản lý, tránh phân tán, vừa tận dụng được đội ngũ cán bộ công chức vào thu thập và bảo quản các tư liệu lưu trữ, tạo điều kiện cho công tác khai thác tư liệu thuận lợi. Tuy nhiên ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng: Từ khi hình thành, phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam đã tách riêng và hoạt động tốt. Việc ghép buộc cơ học hai phông lưu trữ này vào phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là không hợp lý, cần giữ ổn định các cơ quan lưu trữ như hiện nay.

Theo quy định khoản 6 Điều 3 dự thảo luật thì “Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam” là toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam. Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Như vậy, các khái niệm không thống nhất với nhau. Nếu quy định phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với tài liệu lưu trữ của Đảng, phông lưu trữ Nhà nước gắn với tài liệu lưu trữ của Nhà nước, phông lưu trữ quốc gia lại không gắn với cá nhân, tổ chức cụ thể nào, không thể có tài liệu lưu trữ của quốc gia Việt Nam. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị làm rõ khái niệm quốc gia và nhà nước, từ đó mới giải quyết được bài toán Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia đã có nhưng không thống nhất được lưu trữ của Đảng và Nhà nước. “Nếu xác định tồn tại riêng hai hệ thống này, cần phải quy định tài liệu lưu trữ của các ngành kiểm sát, tòa án, tổ chức chính trị xã hội ra sao?” - ĐB Minh thắc mắc.   

L.S

Lam Sơn Thứ Bảy, 20.11.2010 - Theo Lao Động

 

Các văn bản liên quan