Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ – An Giang

Thứ Sáu 09:39 26-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Góp ý vào Luật tố tụng dân sự, tôi có 2 vấn đề mà tôi thấy cần phải thể hiện quan điểm của mình.

Thứ nhất là về vai trò của Viện kiểm sát, tôi rất nhất trí với một số đại biểu đã phát biểu trước tôi là trong tố tụng dân sự nguyên tắc cao nhất đó là nguyên tắc tự định đoạt của đương sự và thứ hai là nguyên tắc bình đẳng của các bên và đặc biệt là bình đẳng trong tranh tụng. Vậy Viện kiểm sát tham gia vào phiên tòa dân sự thì theo như ý kiến đấy là chỉ phát biểu về việc chấp hành pháp luật. Và nhiều ý kiến thì có ý kiến phát biểu cho rằng nếu Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa thì không kiểm sát việc xét xử của Tòa án được. Nếu tình trạng này có lẽ sau này Viện kiểm sát phải cho người vào ngồi trong trại giam để kiểm sát thi hành án hình sự, cho người về ngồi ở các Cục thi hành án dân sự để kiểm sát thi hành án dân sự. Nếu tình trạng như vậy thì rõ ràng ta phải tiến tới cái đó, hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật, đặc biệt hoạt động tư pháp đó là thông qua văn bản, hoạt động xét xử của Tòa án từ khi thu thập chứng cứ, gọi là thu thập nhưng thực ra thì xây dựng hồ sơ ghi nhận các chứng cứ, các bên đương sự cung cấp và các cơ quan và tổ chức cung cấp. Tất cả các hoạt động đó đều ghi lại biên bản các hoạt động tố tụng và các văn bản tố tụng đó thì Viện kiểm sát sẽ được xem xét để kiểm sát và nếu thấy có vi phạm pháp luật thì sẽ thực hiện việc kháng nghị theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Còn Viện kiểm sát ngồi tại phiên tòa thì không thể nói là không phát biểu về việc giải quyết. Mà đã phát biểu thì viện kiểm sát, như anh Luật nói, là nhất định đề nghị chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị không chấp nhận khởi kiện nguyên đơn. Như vậy, vô hình chung một bên đương sự đã trở thành được có đồng minh mà đồng minh đó là cơ quan Nhà nước, lại song hành cùng với cơ quan tòa án vậy thì còn đâu là bình đẳng giữa các bên đương sự nữa. Các bên đương sự thấy mình đủ sức thì mình tham gia phiên tòa, nếu thấy không đủ sức thì thuê luật sư. Ở một số quốc gia những người nghèo, ở chúng ta thì giải quyết bằng biện pháp, những người nghèo mà khởi kiện hoặc bị kiện ra tòa án dân sự thì nhà nước đảm bảo luật sư không mất tiền. Nếu chúng ta không giải quyết điều đấy thì không có nghĩa chúng ta đưa vào những thủ tục, những tố tụng mà tôi nghĩ nó sẽ đảm bảo phá vỡ mất hệ thống trong tố tụng của chúng ta.

Thực tiễn nhiều năm qua thực ra mà nói ngay kháng nghị phúc thẩm, trong hình sự giám đốc thẩm thì qua theo dõi và qua thực tiễn chúng tôi thấy viện kiểm sát kháng nghị rất thấp. Ngay việc thực hành việc công tố tỷ lệ kháng nghị rất thấp. Phải nói rằng tỷ lệ bác kháng nghị của viện kiểm sát trình phúc thẩm và giám đốc thẩm cũng cao chứ không phải ít. Cho nên bây giờ mỗi năm chúng ta có 200 nghìn vụ án dân sự, viện kiểm sát theo dõi mà theo dõi theo như lập luận của các đồng chí là phải có mặt thì mới kiểm sát được. Bởi vì khi tòa án lập hồ sơ, tòa án lấy lời khai, tòa án thu thập chứng cứ thì viện kiểm sát có mặt không, để kiểm sát không hay là chỉ tại phiên tòa. Tôi nghĩ đây là vấn đề. Còn đại biểu Luật nói phiên dịch phải ngồi tại phiên tòa xem phiên dịch dịch có đúng không, xin lỗi, không biết viện kiểm sát nào, kiểm sát viên nào có đủ trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung để kiểm sát xem dịch có đúng hay không, tôi nghĩ xa vời quá. Hoặc là giám định có đúng hay không, giám định là một lĩnh vực chuyên môn, có kết luận giám định bằng văn bản, tại sao viện lại biết được. Còn sau này tòa không chấp nhận, cảm thấy không đúng thì kết luận giám định, đó là gì, đó là chức năng để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Vì thế, tôi cho rằng không nên có sự tham gia của viện kiểm sát đối với vụ án dân sự. Tôi rất đồng ý với đại biểu Trừng, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đây là theo đúng Nghi quyết 49 của Bộ Chính trị là dần dần chuyển Viện kiểm sát thành cơ quan công tố và hoàn toàn thay mặt Nhà nước để buộc tội trong lĩnh vực hình sự.

Về hoạt động giám sát của tòa án thì không lo không có Viện kiểm sát mà tòa án không có sự giám sát, chúng ta có sự giám sát trước hết là của các đương sự, nếu đương sự không thỏa mãn bao giờ người ta cũng kháng cáo, người ta khiếu nại. Thứ hai là của cơ quan đại diện dân cử, của Hội đồng nhân dân, của Quốc hội, của Ủy ban Tư pháp. Thứ ba là sự giám sát của toàn xã hội cho nên chúng ta không lo tòa án xét xử không có sự giám sát dẫn đến sai lầm. Chúng ta phải lo là làm thế nào để nâng cao đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt có những thủ tục tố tụng thật khách quan và có được lòng tin để làm thế nào nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án, không phải đưa tòa án và đưa viện kiểm sát vào tham gia để giảm bớt sai lầm của vụ án, tôi nghĩ việc đó rất khó.

Vấn đề thứ hai là vấn đề thời hiệu, nói rộng hơn đó là điểm dừng trong tố tụng, đặc biệt, trong quan hệ dân sự thì vấn đề đó là tranh chấp của các bên đương sự. Tranh chấp đó càng được giải quyết nhanh chóng thì các đương sự, những người dân càng yên tâm để hoạt động, để đầu tư. Tôi nói về tranh chấp kinh tế, tranh chấp 1 mảnh đất, tranh chấp 1 công trình mà lơ lửng trên đầu người ta hàng chục năm thì người ta không có đầu óc nào người ta kinh doanh. Nhưng hiện nay trong dự thảo có mấy vấn đề tôi thấy làm cho tranh chấp lơ lửng trên đầu người dân suốt cả thời kỳ mà không có điểm dừng.

Thứ nhất là thời hiệu kháng nghị. Trước đây chúng ta quy định thời hiệu kháng nghị là 3 năm, nhưng bây giờ chúng ta có thời hiệu làm đơn yêu cầu kháng nghị 2 năm, theo tôi nghĩ 2 năm đơn yêu cầu là quá dài, chỉ cần 1 năm hoặc 6 tháng. Như vậy nếu chúng ta quy định thời hiệu làm đơn yêu cầu kháng nghị trong vòng 1 năm và thời hiệu kháng nghị 3 năm, như vậy người có thẩm quyền kháng nghị có thời hạn 2 năm để xem xét, để quyết định kháng nghị hay không kháng nghị.

Còn trước đây chúng ta không quy định thời hiệu làm đơn, cho nên dẫn đến gần hết 3 năm người dân mới làm đơn cho nên trong vòng một vài tháng không kịp để nghiên cứu. Bây giờ chúng ta có 2 thời hiệu rồi, thời hiệu làm đơn ở đây quy định 2 năm, nhưng tôi nghĩ 1 năm như thủ tục hành chính là đủ, sau đó thời hiệu kháng nghị là 3 năm. Như vậy cơ quan, Chánh án, Viện trưởng có 2 năm để xem xét giải quyết đơn yêu cầu của người ta, như vậy là đủ. Không nên nếu trong thời hạn 2 năm mà đương sự có đơn thì thời hiệu kháng nghị là vô cùng, có thể 20, 30 năm sau vẫn có thể kháng nghị, bởi vì người ta làm đơn trong vòng 2 năm rồi. Nếu chúng ta dự thảo như vậy rõ ràng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người dân cũng không yên tâm đầu tư, không yên tâm làm vấn đề gì cả, bởi vì khả năng quay trở lại phục hồi lại vụ án kháng nghị để đảo lại vụ án vẫn còn, có thể là 5 năm, 10 năm, 20 năm, như vậy là không đươc. Vì phụng sự nhân dân là ở chỗ là làm xã hội ổn định, cho người dân yên tâm về quyền lợi của mình được bảo đảm, để từ năm thứ ba khi bản án có hiệu lực pháp luật tôi yên tâm không ai có thể xoay sở lại được. như vậy mới đảm bảo ổn định xã hội, làm thế nào trong 1 năm có vài trăm nghìn vụ án, 5 vụ án này cũng kiểu này tôi nghĩ là không biết đến lúc nào các quan hệ xã hội có thể ổn định, yên tâm được.

Tôi đề nghị khi bản án quyết định có hiệu lực pháp luật trong vòng 1 năm, đương sự có quyền làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm, trong vòng 3 năm những người có thẩm quyền kháng nghị thì kháng nghị, sau không kháng nghị thì thôi. Vấn đề quan trọng làm thế nào để tăng cường năng lực của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kháng nghị để giải quyết, không phải vì năng lực, vì tổ chức yếu mà ta kéo dài như vậy không được.

Vấn đề nữa, vấn đề thủ tục đặc biệt, đại biểu Hồ Trọng Ngũ nói rồi, nếu như theo quyết định thủ tục tố tụng hành chính rõ ràng không ổn, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án, Viện trưởng khi nào có thể đề nghị, kiến nghị để xem xét lại được, như vậy cũng không ổn. Tôi nghĩ chúng ta không gọi là thủ tục đặc biệt mà là thủ tục đặc đặc biệt vì giám đốc thẩm, tái thẩm gọi là đặc biệt rồi, đó là cấp thứ ba đúng hơn nếu theo như thủ tục hành chính là cơ quan Hội đồng thẩm phán có hủy quyết, phán quyết của tòa án về bản án, như vậy là trái với nguyên tắc. Chúng tôi đồng ý có sai thì có sửa nhưng sửa như thế nào thì đó là vấn đề Quốc hội chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ. Anh Luật nói có thông báo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, nhưng thông báo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp có kết luận: Tất cả các nước người ta tôn trọng đối với phán quyết của tòa án, đặc biệt là của Tòa án nhân dân tối cao. Vấn đề sửa chữa ở đây chủ yếu bằng con đường phi tòa án, phi thủ tục, bằng con đường ngoài tố tụng, như ở Châu Âu bằng con đường tòa án ngoài quốc gia chứ không phải từ tòa án quốc gia đó hoặc là bằng còn đường bồi thường, con đường thay đổi chính sách, đó là cách giải quyết của người ta. Còn Tòa án Hiến pháp theo như anh Luật nói của Đức, tôi nghĩ đó gọi là Tòa án tư pháp chứ không phải là tòa án tối cao. Một phiên tòa có thể là vụ án đó đang ở sơ thẩm, phúc thẩm, họ đang khiếu nại giám đốc thẩm mà đương sự khởi kiện lên, khiếu kiện lên Tòa án Hiến pháp, Tòa án Hiến pháp thấy rằng đây có vi phạm quyền con người thì thủ tục tư pháp tạm dừng để Tòa án Hiến pháp phán quyết. Tòa án Hiến pháp phán quyết thấy vi phạm quyền con người thì phán quyết đó Tòa án Hiến pháp quay trở về để Tòa án tư pháp xem xét, giải quyết chứ không phải Tòa án Hiến pháp tuyên bố hủy toàn bộ các quyết định của tòa án tối cao. Chúng tôi nói rõ bản chất của Tòa án Hiến pháp tức là bất kỳ giai đoạn nào của Tòa án tư pháp chứ không phải của tòa án tối cao. Đề nghị Quốc hội hiểu rõ vấn đề đó.

Vấn đề cuối cùng, trong thủ tục đặc biệt theo như thủ tục tố tụng hành chính mà chúng ta có làm theo đây, tức là theo thủ tục tố tụng của chúng ta hiện nay là chúng ta đã kéo cơ quan lập pháp trở thành chủ thể tố tụng, tức là chủ thể tư pháp. Tức là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp đã trở thành một bên trong tố tụng dân sự, gọi là quyền của Ủy ban Tư pháp, quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị để Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, đó là quyền về mặt tố tụng. Nhưng về mặt nghĩa vụ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã trở thành nghĩa vụ đối với công dân, nó đã trở thành nghĩa vụ đối với công dân, phải kiến nghị khi có sai phạm. Rõ ràng phải tổ chức làm thế nào nghiên cứu mỗi năm Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao xét xử trên dưới 200 vụ án.

Chúng ta thấy khi có cơ chế này thì công dân phải khiếu nại, tức là khả năng có thể thay đổi thì công dân mới khiếu nại, và khi khiếu nại không khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao nữa mà khiếu nại lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khiếu nại lên Ủy ban Tư pháp, thậm chí khiếu nại lên lãnh đạo Đảng và nhà nước. Như vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp phải có một bộ máy xem xét để có thể kiến nghị Hội đồng thẩm phán xem xét lại hay không. Đây là vấn đề chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất nó không phù hợp với nguyên tắc phân chia, phân công thực hiện quyền lực trong nhà nước pháp quyền.

Thứ hai, tổ chức bộ máy làm thế nào làm lẫn lộn và tôi nghĩ e rằng rất khó khăn trong việc sắp tới Quốc hội chúng ta ngoài chức năng lập pháp, chức năng giải quyết các công việc quan trọng của đất nước, chức năng giám sát, còn chức năng giải quyết các vụ việc cụ thể, các vụ án cụ thể thay cho cơ quan tư pháp. Tôi có hai ý kiến như vậy. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan