Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hồ Trọng Ngũ – Ninh Thuận

Thứ Sáu 09:40 26-11-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa quý vị đại biểu Quốc hội,

Tôi bấm nút lại muốn trao đổi thêm với ý kiến của đại biểu Luật. Tuy nhiên tôi thấy ý kiến của đại biểu Phan Trung Lý và đại biểu Trần Văn Độ là quá xác đáng và có thể nói là giải quyết những điều lớn mà tôi muốn nói. Ngoài ra, tôi cũng muốn thêm một ý này, tức là đại biểu Luật có láy lại ý là một số đại biểu muốn dùng cơ chế Đảng, thực ra trong phát biểu của tôi, tôi có nói đến việc bảo đảm công lý cho xã hội này là phải được Nhà nước và Đảng cầm quyền lãnh đạo, nhưng tôi không có ý nói là cơ chế Đảng để can thiệp vào việc xét xử. Tuy nhiên, cần phải hiểu ở đây tức là việc bảo đảm công lý, Đảng phải có trách nhiệm với việc bảo đảm công lý của xã hội ở chỗ là Đảng cầm quyền, Đảng chọn lựa các bộ máy, những người đứng ở trong Hội đồng xét xử và bảo đảm đến công lý xã hội là được xác lập và Tòa nhân danh cho công lý, nhân danh cho xã hội thì phán quyết của Tòa có một niềm tin đối với chế độ xã hội, với công lý đấy là trách nhiệm mà Đảng cầm quyền còn phải có trách nhiệm ở đấy, không phải Đảng can thiệp cơ chế như đại biểu Luật nói mà ở đây chúng tôi muốn nói là bảo đảm rằng Hội đồng thẩm phán là những người hết sức công minh, là những người anh minh, có trí tuệ, thực sự là vô tư, thực sự là tôn trọng pháp luật. Đấy là ý thứ nhất tôi muốn nói như vậy, chứ không phải là hiểu ở đây nói cơ chế Đảng có nghĩa là Đảng can thiệp vào đấy, chỗ đấy là hiểu sai ý của tôi đã phát biểu.

Thứ hai, tôi nghĩ là nếu phán quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như đại biểu Trần Văn Độ nói nếu mà bị xem xét lại thì tôi nghĩ là công lý xã hội bị thử thách, mà nếu cứ Hội đồng thẩm phán là đã tuyên bố rồi, xem xét lại mà công lý cứ thường xuyên như vậy thì chúng ta nói như đại biểu Trần Văn Độ đã phân tích khá sâu sắc là chúng tôi không biết là trật tự xã hội nó đi đến đâu.

Hai nữa cái gì đảm bảo rằng Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sau khi xem xét lại quyết định của mình lại luôn luôn đúng, biết đâu xem xét lại lại sai nữa, lần thứ nhất sai, lần thứ hai sai thì sao, còn bao nhiêu lần phải xem xét lại, cho nên đồng ý là có sai thì có sửa, nhưng mà xã hội, Đảng, Nhà nước lãnh đạo làm sao để mà gần như là tuyệt đối không sai mà chỉ hãn hữu đến mức nếu có sai tức là phải rất đặc biệt, cơ chế rất đặc biệt thông qua việc ta chọn cán bộ, chọn Hội đồng thẩm phán và một cơ chế bảo đảm cho việc xét xử chỉ có đúng là Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao như Hiến pháp đã ghi nhận, tức là phán quyết của họ phải được xã hội coi là công lý, thế thì công lý xã hội mới được đảm bảo, xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan