VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt
Kính gửi: Vụ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 14352/BGTVT-KHCN của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
Dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, vì vậy cần đảm bảo yếu tố đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng. Về cơ bản, phần lớn quy định tại Dự thảo là chi tiết và rõ ràng, tuy nhiên vẫn còn một số quy định cần được cân nhắc, xem xét để đảm bảo nguyên tắc trên:
- Về thủ tục thẩm định thiết kế
Điểm c khoản 4 Điều 4 Dự thảo quy định, thời gian thẩm định thiết kế là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, “trường hợp phải kéo dài thời gian thẩm định do yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở thiết kế”.
Theo quy định tại Dự thảo thì, “nếu hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ” thì sẽ được yêu cầu hướng dẫn hoàn thiện (điểm b khoản 4 Điều 4). Thẩm định thiết kế sẽ được thực hiện kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Như vậy, sẽ không có trường hợp “yêu cầu, bổ sung hoàn thiện hồ sơ thiết kế” trong giai đoạn thẩm định thiết kế.
Quy định trên vừa thiếu thống nhất với chính quy định tại Điều 4 vừa chưa rõ ràng về thời gian thẩm định thiết kế, bởi có thể sẽ bị kéo dài, khiến cho doanh nghiệp không nhận biết được thời gian được cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế.
Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “trường hợp phải kéo dài thời gian thẩm định do yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở thiết kế”.
- Về cấp, cấp lại giấy chứng nhận và tem kiểm định
Theo quy định tại Điều 12 Dự thảo về thủ tục cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra thực tế tại hiện trường. Thời gian và địa điểm kiểm tra phương tiện, thiết bị, tổng thành sẽ được cơ quan nhà nước viết giấy hẹn để thống nhất. Dự thảo không quy định thời gian kiểm tra thực tế là bao lâu.
Như vậy, thời gian kiểm tra sẽ không bị giới hạn mà được xác định dựa vào thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan kiểm tra. Điều này có thể xảy ra hiện tượng, thời gian tiến hành kiểm tra sẽ cách khá xa so với thời điểm nộp hồ sơ của doanh nghiệp. Và thời gian để cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định sẽ bị kéo dài.
Để đảm bảo tính minh bạch về thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo quy định về khoảng thời gian cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra phương tiện, thiết bị, tổng thành tại hiện trường tính từ thời điểm nhận hồ sơ (cơ quan kiểm tra sẽ thống nhất với doanh nghiệp trong khoảng thời gian trên) và thời gian kiểm tra tại hiện trường tối đa là bao nhiêu ngày.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.