VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ
Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 16811/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
So với phiên bản tháng 8/2017, Dự thảo đã có nhiều thay đổi trong đó Ban soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều ý kiến của VCCI[1]. Tuy nhiên, một số ý kiến của VCCI vẫn chưa được tiếp thu, vì chưa nhận được giải trình cho việc không tiếp thu này, VCCI tiếp tục phản ánh lại những ý kiến này đồng thời với các góp ý mới đối với phiên bản hiện tại, rất mong Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo:
- Thời điểm lập hóa đơn (Điều 6)
- Đối với trường hợp bán hàng hóa
Điểm a khoản 3 Điều 6 Dự thảo quy định “ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Các doanh nghiệp cho rằng, thời điểm xuất hóa đơn nên là “thời điểm giao hàng” (trên thực tế là thời điểm xuất kho hàng hóa để giao hàng cho người mua). Điều này cũng phù hợp với quy định về hóa đơn, chứng từ với hàng hóa vận chuyển trên đường. Cần lưu ý rằng, thời điểm giao hàng và thời điểm chuyển giao quyền sử dụng hoặc sở hữu là khác nhau trong nhiều trường hợp và hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán.
Mặt khác, việc yêu cầu ngày xuất hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa của người mua có một số bất cập trong một số trường hợp mua bán hàng hóa trên thực tế. Ví dụ, trường hợp doanh nghiệp nhập hàng hóa về cảng và đã chuyển giao quyền sở hữu theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, hàng hóa phải lắp ráp, chạy thử và bàn giao thì mới xuất hóa đơn. Như vậy, thời điểm bàn giao, xuất hóa đơn và thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là khác nhau.
Do đó, để đảm bảo phù hợp với thực tế, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm giao hàng.
- Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ
Điểm b khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định thời điểm xuất hóa đơn là thời điểm “hoàn thành việc cung ứng dịch vụ”. Quy định này thực tế xảy ra nhiều bất cập. Bởi vì, dịch vụ đi kèm theo bảo hành, bảo trì (ví dụ: dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm). Đối với các loại dịch vụ này thì bên bán có phải đợi đến khi hoàn thành gói bảo hành bảo trì kèm theo dịch vụ thì mới được nhận hóa đơn để kê khai chi phí và bên mua có phải đợi điến thời điểm đó mới hạch toán doanh thu? Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn cho trường hợp này.
- Về đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế (Điều 13)
Điều 13 Dự thảo quy định về thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, trong đó:
- (1) Trường hợp cơ quan thuế không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn giấy (khoản 4);
- (2) Đối với trường hợp không đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế thì trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Tổng cục thuế, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thực hiện chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (khoản 5)
Quy định trên là chưa rõ ràng và chưa thống nhất ở điểm:
- Theo trường hợp (1) thì những trường hợp không được chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thì sẽ “thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn giấy”. Trong khi đó, trường hợp (2) – cũng (có thể) là những trường hợp không được cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, lại phải “thực hiện chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế” mà không được sử dụng hóa đơn giấy như trường hợp (1). Như vậy, giữa trường hợp (1), (2) đang chưa thống nhất về việc đối tượng không đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử thì chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hay hóa đơn giấy hoặc bắt buộc phải chuyển sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế?
- Trường hợp (2), chưa rõ tại sao những đối tượng không đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế lại phải thực hiện chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, trong khi có nhiều trường hợp các đối tượng này không thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn này theo quy định tại Điều 17 Dự thảo.
Từ phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 5 Điều 13 Dự thảo.
- Điều kiện của doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh tự in hóa đơn
- Khoản 3 Điều 32 Dự thảo quy định, trường hợp tự in hóa đơn thì doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải có “hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ”. Điều kiện này là không cần thiết, bởi vì doanh nghiệp có thể thuê tổ chức nhận in hóa đơn quy định tại khoản 1 Điều 40 Dự thảo, vì vậy không nhất thiết phải có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in hóa đơn.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ” trong quy định tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo.
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo thì doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải “có văn bản đăng ký sử dụng hóa đơn tự in gửi cơ quan thuế và được sự chấp thuận của cơ quan thuế”, tuy nhiên Dự thảo lại không quy định về thủ tục này (hồ sơ, tài liệu, cơ quan giải quyết thủ tục, thời gian giải quyết …), đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Một số góp ý khác
- Đối tượng không được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế:
Điểm a khoản 4 Điều 11 Dự thảo quy định, “doanh nghiệp rủi ro cao về thuế” không thuộc đối tượng được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Tuy nhiên Dự thảo lại không quy định những đối tượng nào được xếp vào nhóm có rủi ro cao về thuế hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định. Điều này khiến cho quy định chưa minh bạch và có thể gây khó khăn trong áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về đối tượng này hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.
- Ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế
Khoản 4 Điều 14 Dự thảo quy định, doanh nghiệp “được cơ quan thuế thông báo dừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế” thì không sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Dự thảo không có quy định về các trường hợp nào thì cơ quan thuế dừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, vì vậy sẽ có thể khó khăn trong xác định đối tượng không được sử dụng hóa đơn điện tử trong trường hợp này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định về các trường hợp doanh nghiệp được cơ quan thuế thông báo dừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
- Lập và cấp mã hóa đơn
Điều 21 Dự thảo quy định về quy trình lập và cấp mã hóa đơn của hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khá rõ ràng, cụ thể về các bước thực hiện, tuy nhiên Dự thảo lại không quy định về thời gian để hoàn thành quy trình lập và cấp mã hóa đơn. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này, để đảm bảo tính minh bạch trong quy trình và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.
- Nguyên tắc cung cấp, sử dụng, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử
Khoản 2 Điều 28 Dự thảo quy định về hướng xử lý cho trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn, nếu người vận chuyển hàng hóa có chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử thì xuất trình chứng từ giấy chuyển cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra hàng hóa. Trường hợp, người vận chuyển không có chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử, Dự thảo không có quy định xử lý trường hợp này.
Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của chủ thể kinh doanh vì sẽ có nguy cơ bị xử phạt khi không chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa khi đang vận chuyển và làm suy giảm ý nghĩa của hóa đơn điện tử, khi luôn phải chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để mang theo khi vận chuyển.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và tạo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định xử lý cho trường hợp trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Ngày 20/9/2018, VCCI đã gửi Công văn số 2347/PTM-PC góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội từ các Hội thảo lấy ý kiến phối hợp với Tổng cục Thuế