Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 09:36 26-11-2010

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Cho phép tôi tham gia về điểm đại diện Viện kiểm sát tham gia trong các phiên tòa dân sự. Theo tôi thì Viện kiểm sát tham gia trong các phiên tòa dân sự ở mức quy định như Bộ luật tố tụng dân sự trước đây là phù hợp và Viện kiểm sát chỉ tham gia phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật của các bên đương sự và cả thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong các vụ án dân sự và không có phát biểu các vấn đề về nội dung của luật. Vì chúng tôi cho rằng ở đây không có khái niệm Viện kiểm sát là đại diện cho quyền lợi của xã hội mà đây là quyền lợi của các bên tranh chấp dân sự và trách nhiệm cung cấp chứng cứ là các bên đương sự và luật sư sẽ có trách nhiệm cùng với các bên đương sự lo vấn đề chứng cứ và Tòa lại xem xét và giải quyết. Xu thế chung hiện nay và cũng thể hiện trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là Viện kiểm sát chỉ duy trì quyền công tố trước phiên tòa, tôi tin rằng xu thế này sẽ không có gì thay đổi, tất yếu sẽ phát triển như thế. Hiện nay, Viện kiểm sát còn có nhiệm vụ kiểm soát việc tuân thủ pháp luật theo tôi cũng là tạm thời, trong tương lại chắc chắn phải là như thế. Ở đây phải phân biệt vị trí của Viện kiểm sát ở phiên tòa dân sự và phiên tòa hình sự hoàn toàn khác nhau Ở phiên tòa hình sự, Viện kiểm sát đại diện cho quyền lợi của Nhà nước, còn Luật sư là bảo vệ đại diện cho quyền lợi của chính bị cáo. Cho nên tại phiên tòa hình sự, cái giỏi Viện kiểm sát là buộc cho thật tốt, cái giỏi của Luật sư là gỡ cho thật tốt, tòa ở chính giữa, tòa phán xét hoặc coi Viện kiểm sát buộc tội tốt thì xử theo Viện kiểm sát, Luật sư gỡ tội tốt thì xử theo Luật sư, việc đó diễn ra trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải theo con đường này, không con đường nào khác. Cải cách tư pháp theo tôi trước sau sẽ đi đến cái đó, chứ không Viện kiểm sát là vừa lo cho quyền lợi của công dân vừa bảo vệ quyền lợi Nhà nước, luôn luôn bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và đặt ra Viện kiểm sát và Viện công tố làm nhiệm vụ đó. Bởi vì khi một bị cáo đã phạm tội là xâm hại đến quyền lợi của Nhà nước, còn ở đây khác, ở đây là quyền lợi của hai bên đương sự phải được cân bằng, phải được bình đẳng với nhau. Do đó bên bị cũng có luật sư, bên nguyên cũng có luật sư, hai bên đó cung cấp luật sư, cung cấp lý lẽ và tòa sẽ xem xét. Cho nên vai trò của Viện kiểm sát theo tôi nó sẽ từ từ mờ nhạt trong các phiên tòa dân sự. Còn nói rằng công ty Nhà nước và công ty tư nhân tranh chấp ra trước tòa thì cũng phải bình đẳng. Muốn bảo vệ quyền lợi của Nhà nước thì cứ nhờ luật sư, bên tư nhân cũng nhờ luật sư, không còn cách nào khác. Cho nên tôi nghĩ kết luật lại là Viện kiểm sát chỉ nên tham gia phiên tòa với nhiệm vụ kiểm sát việc tuân thủ pháp luật, tới đó chấm dứt. Về điểm đó tôi xin có ý kiến như thế.

Về việc cơ chế để xem xét quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì tôi có ý kiến, tại vì mới ngày hôm qua mình biểu quyết giơ tay, mình bấm nút là mình thông qua việc này, đa số thông qua việc này thì bây giờ Quốc hội về nguyên tắc là đa số rồi. Bây giờ, thật ra là tôi không ủng hộ việc đó đâu nhưng Quốc hội đa số ủng hộ thì mình phải theo thôi, không có cách nào khác nhưng bây giờ tình hình của Việt Nam cuối cùng cũng sai như thế. Tôi nghĩ cách tốt nhất vẫn là nâng chất lượng xét xử để ít sai cho nên tôi đề nghị mặc dù thông qua như vậy nhưng việc xét xử giám đốc thẩm, phúc thẩm cũng phải hạn chế tối đa, không thể để như tình hình hiện nay.

Quan điểm hiện nay Luật tố tụng của ta rất rõ chỉ hai cấp xét xử thôi nhưng nhiều đại biểu phát biểu tình hình hiện nay không thể hai cấp xét xử. Hai cấp xét xử là nguyên tắc cơ bản nhất, chứ ông phúc thẩm và tái thẩm là trình tự đặc biệt ở nước nào cũng trình tự đặc biệt, chứ bây giờ trong báo cáo có hơn 3 ngàn xét xử giám đốc thẩm, phúc thẩm thì nó đâu còn đặc biệt nữa. Còn phúc thẩm là bình thường, phúc thẩm là đã sơ thẩm, phúc thẩm là chuyện bình thường nhưng giám đốc thẩm, tái thẩm là phải đặc biệt. Cho nên, tôi đề nghị Ban Soạn thảo phải xem xét mình đặt cơ chế là xem xét và quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhưng riêng giám đốc thẩm và tái thẩm là phải hạn chế lại, chứ không là chúng ta vi phạm nguyên tắc 2 cấp xét xử và tôi vẫn ủng hộ là chúng ta mong muốn rằng đạt đến chân lý, nhưng chân lý không bao giờ đi đến cùng được, đến cùng như thế có khi lẫn lộn vừa chân lý và không chân lý. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan